Những thách thức, khó khăn sẽ tác động đến lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2023
Thứ bảy - 08/07/2023 10:59
Qua diễn biến giá cả thị trường 6 tháng đầu năm 2023, cùng với dự kiến điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý trong năm 2023, Cục Thống kê tỉnh Bình Định dự báo một số yếu tố tác động đến CPI năm 2023 như sau:
- Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong tỉnh tăng lên. - Thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục sẽ tác động mạnh tới CPI. - Giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp Lễ, Tết. Ngoài ra, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI. - Việc tăng lương kể từ ngày 01/7/2023 sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ khác trong gia đình tăng theo. - EVN có thế tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đã ở mức cao. - Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ phục hồi, giải ngân đầu tư công của Chính phủ, dịch vụ du lịch... dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm. Để kiểm soát giá cả hàng hóa và dịch vụ năm 2023 đạt mục tiêu HĐND tỉnh đề ra, Cục Thống kê tỉnh Bình Định kiến nghị một số giải pháp như sau:
- Sở, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong tỉnh, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả của tỉnh để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong tỉnh.
- Các Sở, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. - Đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong tỉnh, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung.
- Cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong tỉnh dần thay thế nguồn nhập khẩu.
- Quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.
- UBND tỉnh tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro tăng lạm phát.
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của UBND tỉnh, ổn định tâm lý người tiêu dùng.