Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Bình Định có mức tăng trưởng cao, tăng (+17,0%) so với cùng kỳ
Thứ bảy - 08/07/2023 10:40
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định 6 tháng đầu năm 2023 duy trì được sự ổn định và phục hồi, phát triển. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng đạt 50.383,8 tỷ đồng, tăng 17,0% so với cùng kỳ. Đây là năm có mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm (2019-2023); (6 tháng đầu năm 2019 tăng 14,1%; 6 tháng đầu năm 2020 tăng 3,2%; 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,7%; 6 tháng đầu năm 2022 tăng 14,8%).
Sáu tháng đầu năm 2023, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động chương trình, lễ hội du lịch, thể thao, văn nghệ,… phục vụ du khách và người dân; lượng khách du lịch các tỉnh đến địa phương tăng cao, tác động lan tỏa đến các hoạt động thương mại, vận tải, lưu trú, ăn uống,… đồng thời thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh Bình Định tổ chức, kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, trưng bày quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng có thế mạnh của địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tỉnh tổ chức nhiều sự kiện như: “Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tại TP Quy Nhơn”; Phiên chợ “Tuần hàng nông sản Bình Định”; Hội nghị “Kết nối thu mua giữa các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể với các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”; Các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, góp phần vào bình ổn giá cả, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản duy trì ổn định. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng một số lĩnh vực tăng khá như sau: - Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 40.453,7 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; - Ngành khách sạn, nhà hàng đạt 6.444,9 tỷ đồng, tăng 31,4% so cùng kỳ; Trong đó: Ngành lưu trú đạt 981,6 tỷ đồng, tăng 35,9%; Dịch vụ ăn uống đạt 5.463,3 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ; - Ngành du lịch lữ hành đạt 151,6 tỷ đồng, tăng 86,6% so cùng kỳ; - Ngành dịch vụ đạt 3.333,7 tỷ đồng, tăng 15,2% so cùng kỳ; trong đó: Giảm chủ yếu là ngành dịch vụ kinh doanh bất động sản, đạt 752,2 tỷ đồng, giảm 27,2% so cùng kỳ.