1. Tăng trưởng kinh tế
1.1. Thông tin chung
Kết quả một số chỉ tiêu chủ yếu ước năm 2023:
- Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 ước tăng 7,61% (kế hoạch tăng 7,0-7,5%). Trong đó, giá trị tăng thêm của các ngành:
+ Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,17% (kế hoạch tăng 3,0-3,2%);
+ Công nghiệp - Xây dựng tăng 10,81% (kế hoạch tăng 9,0-9,5%); riêng công nghiệp tăng 6,82%;
+ Dịch vụ tăng 8,33% (kế hoạch tăng 7,9-8,7%);
+ Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,77% (kế hoạch tăng 9%).
- Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người ước đạt 78,1 triệu đồng/người, tăng 10,5%, quy đổi đô la Mỹ ước đạt 3.259,3 USD/người, tăng 8,4%.
- Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành:
+ Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 26,38% (-0,99% so với năm 2022);
+ Công nghiệp – Xây dựng chiếm 30,39% (+0,28%); riêng công nghiệp chiếm 20,68% (-0,34%);
+ Dịch vụ chiếm 38,90% (+0,79%);
+ Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,33% (-0,08%)
- Tổng sản lượng lúa ước đạt 638,8 ngàn tấn, tăng 1,1%.
- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 3,5% (kế hoạch tăng 9,5-9,7%).
- Tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 54.097,3 tỷ đồng, tăng 15,5% (kế hoạch tăng 10,0%).
- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 103.161,9 tỷ đồng, tăng 15,1%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 1.600 triệu USD, giảm 2,8% (-46 triệu USD) so cùng kỳ (đạt 100% so kế hoạch).
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 tăng 2,19% so cùng kỳ; Chỉ số giá vàng bình quân năm 2023 tăng 2,45% so cùng kỳ; Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,97% so cùng kỳ.
- Tổng thu ngân sách thu nội địa ước đạt 11.855,6 tỷ đồng, giảm 14,3% so cùng kỳ. Thu xuất nhập khẩu ước đạt 554,2 tỷ đồng, giảm 33,8% so cùng kỳ.
1.2. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Cả năm 2023 tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,61%, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,17%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,81% và khu vực dịch vụ tăng 8,33%.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 60.466,3 tỷ đồng, tăng trưởng 7,61% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 14.995,7 tỷ đồng, tăng trưởng 3,17%, đóng góp 0,82 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 18.412,4 tỷ đồng, tăng trưởng 10,81%, đóng góp 3,20 điểm phần trăm % (riêng công nghiệp ước đạt 11.821 tỷ đồng, tăng trưởng 6,82%, đóng góp 1,34 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ ước đạt 24.400,4 tỷ đồng, tăng trưởng 8,33%, đóng góp 3,34 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 2.637,8 tỷ đồng, tăng trưởng 5,77%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.
Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 117.668,8 tỷ đồng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 31.040,8 tỷ đồng, chiếm 26,38% (cùng kỳ 27,37%); khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 35.763,5 tỷ đồng, chiếm 30,39% (cùng kỳ 30,11%); trong đó, công nghiệp ước đạt 24.336,1 tỷ đồng, chiếm 20,68% (cùng kỳ 21,02%); khu vực dịch vụ ước đạt 45.767,4 tỷ đồng, chiếm 38,9% (cùng kỳ 38,11%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 5.097,1 tỷ đồng, chiếm 4,33% (cùng kỳ 4,41%).
GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 78,1 triệu đồng/người, tăng 10,5% (+7,4 triệu đồng/người); tương đương 3.259,3 USD/người, tăng 252,7 USD/người so với năm 2022.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2023 ước tính đạt 140,7 triệu đồng/lao động, tăng 11,9 triệu đồng/người so với năm 2022.
2. Tài chính, ngân hàng
2.1. Thu, chi ngân sách
Năm 2023 là năm bối cảnh trong nước cũng như thế giới tiếp tục có những biến động khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Nhằm thực hiện hoàn thành dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt thực hiện các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp điều hành của tỉnh đã đề ra từ đầu năm.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 11.855,6 tỷ đồng (đã trừ hoàn thuế GTGT), giảm 14,3% so cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 13.282,6 tỷ đồng, giảm 10,4% so cùng kỳ; Thu xuất nhập khẩu ước đạt 554,2 tỷ đồng, giảm 33,8% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 28.768,9 tỷ đồng, tăng 13,6%. Trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt 16.526,4 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ; Chi thường xuyên ước đạt 12.232,9 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ.
2.2. Hoạt động ngân hàng
Về hoạt động ngân hàng, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất huy động và cho vay; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các giải pháp, cơ chế, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Tổng số dư huy động vốn ước tính đến cuối tháng 12/2023 của hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bình Định ước đạt 102.988 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ.
Tổng dư nợ cho vay tính đến 31/12/2023 ước đạt 101.625 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ.
Ước đến 31/12/2023 nợ xấu trên địa bàn tỉnh chiếm 0,9%.
3. Giá cả
Tình hình lạm phát mạnh trên thế giới đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sản xuất của các doanh nghiệp, hộ cá thể trong những tháng cuối năm 2023. Giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào như: vận chuyển, tiền nhân công thuê ngoài tăng, đã gây áp lực cho nhà sản xuất và tiêu dùng.
Công tác điều hành giá của tỉnh Bình Định được triển khai nghiêm túc theo các chỉ đạo của Chính phủ Bộ Tài chính. UBND tỉnh Bình Định đã kịp thời chỉ đạo các Sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổng hợp, phân tích; tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành giá; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niên yết giá; công khai thông tin về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng và tăng giá bất hợp lý; kịp thời xử lý các sai phạm, lợi dụng tình hình thị trường có biến động để tăng giá bất hợp lý.
3.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Bình Định tháng 12 năm 2023 tăng 0,04% so tháng trước, tăng 2,10% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 12 tháng năm 2023 tăng 2,19% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm qua (2018-2023).
Trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chính, có 4 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm hàng giảm giá và 5 nhóm hàng ổn định giá. Bốn nhóm hàng tăng giá, đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,53%, nhóm may mặc, mũ nón giày dép tăng 0,39%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03%. Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông giảm 1,67%, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,17%. Các nhóm có chỉ số ổn định so với tháng trước là: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch.
3.3. Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm, thủy sản
a. Chỉ số giá sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp
Trong quý IV/2023, trên thế giới tình hình lạm phát đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của các doanh nghiệp, hộ cá thể, giá hàng hoá trên thị trường thế giới chịu tác động bởi yếu tố kinh tế - xã hội, chính trị của các nước và xung đột quân sự Nga - Ucraina. Đồng thời, nhiều quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt khiến lạm phát thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại thị trường tỉnh Bình Định, các mặt hàng tăng giá trở lại nhất là mặt hàng lúa, gạo, do hiện tượng Elnino nên một số nước hạn chế xuất khẩu đã đẩy giá tăng đột biến.
Chỉ số chung giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản Quý IV/2023 tăng 0,1% so quý trước và so cùng kỳ; Tính chung cả năm 2023, chỉ số giá của người sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,1% so cùng kỳ.
Chỉ số giá sản phẩm từ cây hàng năm quý IV/2023 tăng 4,3% so với quý trước và tăng 10,2% so cùng kỳ; Tính chung cả năm 2023, chỉ số giá sản phẩm từ cây hàng năm tăng 6,4% so cùng kỳ.
3.4. Giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất
Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý IV/2023 tăng 1,32% so với quý trước và tăng 0,39% so cùng kỳ. Tính chung cả năm 2023, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 0,92%. Trong đó:
Chỉ số giá Nhóm sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản quý IV/2023 tăng 0,64 % so với quý trước và giảm 2,21% so cùng kỳ. Tính chung cả năm 2023, chỉ số giá Nhóm sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,64%.
Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản phẩm từ khai khoáng quý IV/2023 tăng 1,17% so với quý trước và tăng 2,5% so cùng kỳ. Tính chung cả năm 2023, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản phẩm từ khai khoáng tăng 2,9%.
Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản phẩm nguyên vật liệu khác quý IV/2023 tăng 1,67% so quý trước và tăng 0,33% so cùng kỳ. Tính chung cả năm 2023, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản phẩm nguyên vật liệu khác giảm 1,4%.
Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản phẩm điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí quý IV/2023 tăng 0,8% so với quý trước và tăng 10,33% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2023, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản phẩm điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,39% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản phẩm nước tự nhiên khai thác quý IV/2023 giữ giá so với quý trước và cùng kỳ. Tính chung cả năm 2023, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản phẩm nước tự nhiên khai thác tăng 5,64%.
Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản phẩm xây dựng Quý IV/2023 tăng 0,27% so quý trước và tăng 2,7% so cùng kỳ; Tính chung cả năm 2023, nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản phẩm xây dựng tăng 3,26% so với cùng kỳ.
3.5. Chỉ số giá sản xuất công nghiệp
Chỉ số giá sản xuất công nghiệp quý IV năm 2023 giảm 0,25% so với quý trước và giảm 2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,4% và giảm 2,2%; Tính chung bình quân cả năm 2023, chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 6% so kỳ gốc năm 2020.
4. Đầu tư và xây dựng
4.1. Vốn đầu tư phát triển
Năm 2023, tỉnh Bình Định tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tỉnh xác định phải đi trước một bước trong khâu chuẩn bị hạ tầng (cả kinh tế và xã hội), đây được coi là bước chuẩn bị thiết thực nhất để mời gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh. Tỉnh đã chủ động và phối hợp đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi cấp điện, cấp nước, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, xây dựng và nâng cấp cơ sở đào tạo, đồng thời cũng triển khai nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh, ưu đãi về giá đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác. Ngoài ra, còn hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ chi phí đào tạo công nhân, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ cung cấp thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư.
Bên cạnh các dự án lớn do Trung ương triển khai, tỉnh còn triển khai nhiều dự án nhóm B, C, đồng bộ cơ sở hạ tầng giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Thực hiện tốt việc kết hợp giữa đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và các chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh năm 2023 tăng trưởng khá cao.
Tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2023 ước đạt 54.097,3 tỷ đồng, tăng 15,5% so cùng kỳ.
- Vốn Nhà nước trên địa bàn ước đạt 17.340,3 tỷ đồng, chiếm 32,1%, tăng 4,5%. Trong đó, Vốn Nhà nước Trung ương quản lý ước đạt 5.729,3 tỷ đồng, chiếm 10,6%, tăng 121,6%; vốn Nhà nước địa phương quản lý ước đạt 11.611 tỷ đồng, chiếm 21,5%, giảm 17,1%;
- Vốn ngoài Nhà nước ước đạt 34.641,5 tỷ đồng, chiếm 64%, tăng 22,8%. Trong đó, Vốn của tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước ước đạt 19.065,1 tỷ đồng, chiếm 35,2%, tăng 33,1%; vốn đầu tư của dân cư ước đạt 15.576,4 tỷ đồng, chiếm 28,8%, tăng 12,2%;
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2.115,5 tỷ đồng, chiếm 3,9%, tăng 4,1%.
Theo khoản mục đầu tư, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 39.696,5 tỷ đồng, chiếm 73,4%, tăng 19,7%; vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản ước đạt 7.551,7 tỷ đồng, chiếm 14%, tăng 6,9%; vốn đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản cố định ước đạt 2.874,7 tỷ đồng, chiếm 5,3%, tăng 5,7%; đầu tư bổ sung vốn lưu động ước đạt 3.021 tỷ đồng, chiếm 5,6%, tăng 2,1% và vốn đầu tư khác ước đạt 953,4 tỷ đồng, chiếm 1,7%, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Riêng nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý năm 2023 ước đạt 8.490,6 tỷ đồng, đạt 94,8% kế hoạch năm, giảm 17,4% so cùng kỳ.
4.2. Hoạt động xây dựng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021-2025 đã xác định một trong những khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh là "Xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông".
Năm 2023, tỉnh Bình Định tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm. Trên địa bàn tỉnh hiện đang thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư 24.574,9 tỷ đồng. Riêng giá trị thi công là 15.906,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt cũng rất lớn với 4.953,6 tỷ đồng.
Ngoài dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua địa bàn tỉnh Bình Định được Bộ Giao thông vận tải triển khai còn có nhiều dự án nhóm B, C cũng đang thực hiện tại địa phương. Hiệu quả mà các dự án giao thông trọng điểm mang lại là rất lớn, được đánh giá rất cao, kết nối giao thông liên hoàn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Dự án Đường ven biển đoạn Cát Tiến – Diêm Vân; Tuyến kết nối với đường ven biển (ĐT 639) trên địa bàn Thị xã Hoài Nhơn; Tuyến kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT 638) đến đường ven biển ĐT 639 trên địa bàn huyện Phù Mỹ; Tuyến đường ĐT 639 đoạn từ Quốc lộ 1D – Quốc lộ 19 mới; Tuyến đường tránh ĐT 633. Đoạn từ núi Ghềnh đến giáp đường ven biển ĐT 639 địa bàn huyện Phù Cát; Tuyến đường kết nối từ trung tâm Thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây Đầm Thị Nại; Tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định; Tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân; Tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong… Cuối năm 2023, Bình Định phấn đấu hoàn thành 3 tuyến giao thông trọng điểm, gồm: Đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân; tuyến đường trục Đông - Tây kết nối với tuyến đường phía Tây của tỉnh (ĐT 638); cải tạo, nâng cấp tuyến đường Trần Nhân Tông, TP Quy Nhơn.
5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
5.1. Tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp
Năm 2023, toàn tỉnh có 1.150 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 6,7% so cùng kỳ; số vốn đăng ký đạt 9.037 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ; vốn bình quân một doanh nghiệp đạt 7,9 tỷ đồng, giảm 8,7% so cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại thị trường là 350 doanh nghiệp, giảm 3,3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao, nguồn tài chính không đảm bảo, sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hoá trong và ngoài nước đã làm nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã có 630 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, tăng 18,6%; 90 doanh nghiệp giải thể, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
5.2. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước
Về đầu tư nước ngoài (FDI): Từ đầu năm đến nay tỉnh thu hút 06 dự án FDI đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư là 46,2 triệu USD; điều chỉnh 05 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 46,5 triệu USD. Tính đến nay, toàn tỉnh có 91 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,19 tỷ USD, qua đó giải quyết một lượng lớn lao động địa phương và thu hút lực lượng lao động chất lượng cao làm việc tại Bình Định.
Về đầu tư trong nước: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút mới 69 dự án với tổng vốn đăng ký 13.709 tỷ đồng.
Nếu tính chung cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, đến nay đã thu hút mới 75 dự án với tổng vốn đăng ký gần 15.000 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch năm (75/60 dự án). Trong đó có 19 dự án trong Khu kinh tế và Khu công nghiệp; 56 dự án ngoài Khu kinh tế và Khu công nghiệp. Đồng thời đã thực hiện điều chỉnh vốn 64 dự án với tổng vốn tăng thêm khoảng 3.478 tỷ đồng.
5.3. Xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Về số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới Quý IV/2023 so với Quý trước, có 29,85% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu tăng hơn; 40,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm và 29,85% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định. Xu hướng Quý I/2024 so với Quý IV/2023, có 26,56% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 37,5% số doanh nghiệp dự kiến giảm và số doanh nghiệp dự kiến ổn định chiếm 35,94%.
Đánh giá về biến động lao động Quý IV/2023 so với Quý III/2023, có 22,77% số doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động tăng lên; 56,44% doanh nghiệp đánh giá ổn định và 20,79% doanh nghiệp đánh giá giảm. Xu hướng sử dụng lao động tiếp tục tăng trong Quý I/2024, tăng chủ yếu ngành dệt; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế gỗ.
Hiện tại các doanh nghiệp đang sử dụng bình quân 69,1% công suất máy móc, thiết bị; trong đó, doanh nghiệp FDI sử dụng công suất đạt 71,2%; doanh nghiệp Nhà nước đạt 76,25%, doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 68,81%. Những ngành có hệ số sử dụng công suất cao nhất như: Sản xuất đồ uống đạt 83,33%; sản xuất thuốc, Sản xuất trang phục đạt 75%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất đạt 78,33%; In sao chép bản ghi các loại đạt 73,33%; sản xuất kim loại đạt 80%.
6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
6.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
- Cây hàng năm
Diện tích gieo trồng cây hàng năm 2023 ước đạt 154.274,6 ha, tăng 0,2% (+378,4 ha) so với cùng kỳ. Trong đó, tổng diện tích lúa năm 2023 ước đạt 92.757 ha, giảm 1,8% (-1.746,9 ha) so với năm 2022: vụ Đông Xuân đạt 46.881,6 ha, giảm 1,5% (-722 ha) so với cùng kỳ; vụ Hè Thu đạt 41.545,4 ha, giảm 2,6% (-1.103,8 ha) so cùng kỳ; vụ Mùa đạt 4.330 ha, tăng 1,9% (+78,9 ha) so với cùng kỳ; diện tích cây trồng cạn đạt 61.517,6 ha, tăng 3,6% (+2.125,3 ha) so với cùng kỳ.
Năng suất gieo trồng lúa bình quân cả năm ước đạt 68,9 tạ/ha, tăng 3% (+2 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đạt năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay. Sản lượng lúa cả năm ước đạt 638.840,3 tấn, tăng 1,1% (+6.874,6 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Từ năm 2021-2023, cơ cấu sản lượng lúa vụ Đông Xuân và Hè Thu trong các năm tương đối ổn định, riêng vụ Mùa có xu hướng ngày càng giảm (năm 2021 chiếm 4,7%, năm 2022 chiếm 3,1% và năm 2023 chỉ chiếm 3,1%). Điều này thể hiện đúng quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cây trồng.
Ước tính sản lượng một số cây trồng cạn năm 2023 so cùng kỳ: Ngô đạt 54.316,7 tấn, tăng 5,7% (+2.949,5 tấn); sắn đạt 270.984,9 tấn, giảm 0,8% (-2.301,4 tấn); lạc đạt 43.683,3 tấn, tăng 11,5% (+4.506 tấn); vừng đạt 2.784,7 tấn, tăng 2,3% (+61,4 tấn); rau các loại đạt 306.036,3 tấn, tăng 7,3% (+20.845 tấn); đậu các loại đạt 3.234,7 tấn, giảm 7,1% (-245,6 tấn).
- Cây lâu năm
Sản phẩm cây lâu năm tại Bình Định chưa mang tính hàng hóa, chủ yếu trồng phân tán, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, nông dân ở địa phương chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến đầu tư chăm sóc cây trồng nên năng suất chất lượng đạt thấp, thị trường tiêu thụ chậm. Ngoài ra, các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây lâu năm còn chậm, chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư, chưa mặn mà tham gia thực hiện các chuỗi liên kết. Giá đầu ra sản phẩm không ổn định dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, đặc biệt là giá tiêu, điều đang ở mức thấp.
Theo kết quả điều tra sơ bộ, tổng diện tích cây lâu năm 2023 đạt 17.979,5 ha, giảm 7,9% (-1.544,3 ha) so cùng kỳ; trong đó, cây ăn quả đạt 5.165,7 ha, giảm 6,2% (-340,6 ha), cây công nghiệp đạt 11.912,1 ha, giảm 9,6% (-1.258,3 ha) so với cùng kỳ. Diện tích cây công nghiệp giảm mạnh chủ yếu giảm ở cây điều và cây dừa. Nguyên nhân giảm mạnh vì trong năm 2023, các chương trình xây dựng trọng điểm như đường Cao tốc qua địa phận Bình Định và các chương trình xây dựng nông thôn. Bên cạnh đó, một phần diện tích được chuyển sang trồng cây lâm nghiệp tại huyện Vĩnh Thạnh và cây lạc tại huyện Phù Cát.
b. Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, công tác tái đàn tiếp tục được đẩy mạnh, số lượng gia súc, gia cầm tăng dần lên.
Số lượng đàn trâu ước đạt 15.202 con, giảm 7% (-1.137 con) so cùng kỳ. Số lượng đàn bò đạt 308.626 con, tăng 1,1% (+3.235 con) so cùng kỳ; bò sữa có 2.317 con, giảm 3,1% (-74 con). Đàn lợn (không kể lợn con chưa tách mẹ) đạt 686.236 con, tăng 4,8% (+31.141 con) so với cùng kỳ. Đàn gia cầm 10.065 nghìn con, tăng 5,3% (+508,2 nghìn con) so với cùng kỳ; Trong đó, đàn gà 8.485,6 nghìn con, tăng 8,2% (+640,4 nghìn con).
Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2023 ước đạt 1.590 tấn, giảm 7,5% (-128 tấn) so cùng kỳ. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 38.247,5 tấn, tăng 4% (+1.483,8 tấn); Sản lượng sữa đạt 11.566,8 tấn, giảm 1,8% (-206,6 tấn). Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 137.663 tấn, tăng 5,7% (+7.456 tấn). Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 28.381,1 tấn, tăng 5,4% (+1.441,7 tấn); Trong đó, thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 24.190,8 tấn, tăng 11,6% (+2.518,6 tấn).
6.2. Lâm nghiệp
Năm 2023, toàn tỉnh trồng mới ước đạt 20.136 ha rừng tập trung, tăng 0,6% (+118,5 ha) so với cùng kỳ. Diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 43.566 ha, tăng 1% (+451,2 ha) so với cùng kỳ. Nhìn chung các khu rừng được chăm sóc bảo vệ cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ trong năm 2023 được 155.754,7 ha, giảm 5,1% (-8.401,3 ha) so với cùng kỳ; Diện tích rừng thực hiện khoán khoanh nuôi tái sinh đạt 377,8 ha, bằng cùng kỳ.
Trên địa bàn tỉnh tổng số diện tích rừng khai thác ước đạt 15.000 ha với sản lượng khai thác đạt 1.653.890 m3, tăng 2,2% (+36.184 m3) so với cùng kỳ (Trung bình một ha khai thác đạt 110,3 m3/ha sau 5-7 năm). Bình quân thời kỳ 2021-2023, trung bình mỗi năm tăng 5,2%/ năm.
Sản lượng củi khai thác năm 2023 ước đạt 554.286,7 ster, giảm 99,8 ster so cùng kỳ. Mức tăng bình quân thời kỳ 2021-2023 là 0,5%/năm. Lượng củi khai thác chủ yếu các cành rừng trồng, khai thác củi từ cành cây trong công đoạn chăm sóc tỉa cây, tăng là do lượng gỗ khai thác nhiều, nên người dân tranh thủ đem về làm chất đốt cho gia đình.
Từ đầu năm đến nay, số vụ cháy rừng xảy ra 6 vụ, tăng 6 vụ so với cùng kỳ; diện tích rừng bị cháy 23,8 ha, tăng 23,8 ha so với cùng kỳ.
Trong năm 2023, số vụ phá rừng xảy ra 31 vụ phá rừng, tăng 3 vụ so với cùng kỳ; diện tích bị phá là 7,9 ha, giảm 0,7 ha so với cùng kỳ năm trước.
6.3. Thủy sản
Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước tính đạt 286.712,8 tấn, tăng 3,1% (+8.663,3 tấn), trong đó: cá đạt 245.121,8 tấn, tăng 3% (+7.211,4 tấn); tôm đạt 10.904,5 tấn, tăng 5,3% (+545,8 tấn); thuỷ sản khác đạt 30.686,5 tấn, tăng 3% (+906,1 tấn).
Năm 2023, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, trong năm ít xảy ra mưa bão đặc biệt là những tháng cuối năm; bên cạnh đó, giá bán các loại thủy sản tương đối cao so với cùng kỳ (+2,4%), đã tạo điều kiện cho các tàu thuyền vươn khơi bám biển nên sản lượng đạt khá. Hiện có 4.862 tàu thuyền hoạt động khai thác biển. Tổng lượng khai thác thủy sản năm 2023 ước đạt 273.208,6 tấn, tăng 3,2% (+8.392,2 tấn); trong đó, sản lượng khai thác biển 270.090,1 tấn (chiếm 98,9%), tăng 3,2% (+8.295 tấn) và sản lượng khai thác thủy sản nội địa 3.118,5 tấn (chiếm 1,1%), tăng 3,2% (+97,2 tấn) so với cùng kỳ. Riêng khai thác cá ngừ đại dương sơ bộ đạt 13.870,2 tấn, giảm 4,1% (-596,5 tấn) so với cùng kỳ. Nguyên nhân, sản lượng cá ngừ đại dương ở các ngư trường khai thác chính ít hơn năm 2022; ngoài ra, do xuất khẩu cá ngừ đại dương gặp khó khăn, giá bán cá tại bến tàu giao động từ 90.000 đồng đến 100.000 đồng/kg, giảm từ 25.000 đến 60.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Chuyến đi biển bị lỗ, một số tàu giảm tần suất hoạt động, nên sản lượng khai thác cá ngừ đại dương giảm.
Ngành Thủy sản tỉnh tiếp tục khuyến khích nuôi tôm chất lượng cao và đầu tư kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi ao hồ từ quảng canh cải tiến sang thâm canh, bán thâm canh; tuyên truyền, vận động người nuôi chọn giống ít nhiễm bệnh và hạn chế nuôi tôm sú, chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 13.504,2 tấn, tăng 2% (+271,1 tấn); trong đó, sản lượng tôm nuôi 9.521,9 tấn (chiếm 70,5%), tăng 5,4% (+484,8 tấn).
Sản lượng giống thủy sản ước đạt 2.258 triệu con, giảm 62,4% (-3.744,3 triệu con) so với cùng kỳ; trong đó: giống tôm thẻ chân trắng đã sản xuất đạt 2.155,6 triệu con, giảm 63,3% (-3.710 triệu con) so cùng kỳ, sản xuất chủ yếu ở Công ty Việt Úc. Nguyên nhân, đầu tháng 5 Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Bình Định 3 tạm ngừng sản xuất; ngoài ra, do thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, các doanh nghiệp hạn chế nuôi tôm giống.
7. Sản xuất công nghiệp
7.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn nhưng với các biện pháp đồng bộ được triển khai từ Trung ương và tỉnh, hoạt động sản xuất công nghiệp trong năm 2023 vẫn duy trì sự tăng trưởng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2023 tăng 3,5% so với cùng kỳ (tăng thấp nhất trong giai đoạn 2019-2023).
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 20,09%. Trong đó, khai thác quặng kim loại tăng 4,06%; hoạt động khai khoáng khác tăng 22,64% chủ yếu là khai thác đất đá phục vụ xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam.
Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,45%. Trong bối cảnh nhiều khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm 2023 đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp, nhưng đến những tháng cuối năm đơn hàng mới và sản lượng nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đang tăng trở lại, các doanh nghiệp tăng sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu.
7.2. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12 năm 2023 tăng 18,39% so cùng kỳ.
Năm 2023, chỉ số tiêu thụ tăng 2,78% so cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ cao như: Sản xuất trang phục tăng 26,92%; Chế biến gỗ tăng 20,65%; Sản xuất thuốc tăng 12,89%,… Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm ảnh hưởng đến chỉ số chung toàn ngành như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 35,02%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 17,02%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 9,03%.
7.3. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12 năm 2023 tăng 5,21% so với cùng kỳ, mức tồn kho tương đối hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp khó khăn, lạm phát tăng đã ảnh hướng đến việc ký kết đơn hàng của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu bàn, ghế gỗ. Tuy nhiên, trong từng ngành có sự biến động khác nhau như: Sản xuất đồ uống tăng 31,21%; dệt tăng 19,18%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 29,1%;… Một số ngành khác có chỉ số tiêu thụ tăng cao nhưng vẫn trong khả năng kiểm soát của doanh nghiệp, số khác chủ động dự trữ nguồn hàng.
7.4. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động tháng 12 năm 2023 tăng 2,17% so cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 6,19%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,72%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 4,59%; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,98%.
Theo loại hình doanh nghiệp, so với cùng kỳ chỉ số sử dụng lao động tháng 12 năm 2023 của khối doanh nghiệp Nhà nước tăng 3,72%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 1,42%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất 5,9%.
8. Thương mại, dịch vụ
8.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước năm 2023 đạt 103.161,9 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 18,2%). Theo ngành kinh doanh: Ngành thương nghiệp đạt 81.173,4 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 13,1%); Lưu trú ăn uống ước đạt 13.741,1 tỷ đồng, tăng 36,9% (cùng kỳ tăng 52,5%); Dịch vụ Lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 676,4 tỷ đồng, tăng 228,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 838,9%); Doanh thu dịch vụ ước năm 2023 ước đạt 7.571 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 37,3%).
Trong năm 2023, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, lễ hội quảng bá hình ảnh du lịch, quê hương, con người Bình Định đến với các du khách, cộng đồng trong nước, quốc tế, như: Lễ hội du lịch Bình Định năm 2023 với chủ đề: “Quy Nhơn - Thiên đường biển - Rực rỡ sắc màu”; Lễ hội Khinh khí cầu; Vòng Chung kết Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023; Đêm võ đài Bình Định; Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Định năm 2023; Giải chạy VnExpress Marathon Quy Nhơn 2023, tổ chức giải đua thuyền buồm quốc tế và ván chèo Quy Nhơn 2023 - "Hành trình phủ xanh biển"... đã thu hút đông đảo du khách đến với Bình Định. Các khu, điểm du lịch đã chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động đặc sắc để mang lại các trải nghiệm hấp dẫn, mới mẻ cho du khách, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút du khách. Qua đó, thúc đẩy doanh thu các ngành dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.
8.2. Hoạt động xuất, nhập khẩu
Năm 2023, nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột tại Nga -Ukraine và xung đột tại Dải Gaza nên kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, kinh tế trong nước cũng bị ảnh hưởng. Điều này tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và của tỉnh Bình Định.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 12 năm 2023 đạt 241 triệu USD, tăng 36,8% so tháng trước và giảm 3,8% so cùng kỳ. Ước tính năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 2.035 triệu USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.600 triệu USD, giảm 2,8%, bằng 100% so kế hoạch năm 2023; nhập khẩu đạt 435 triệu USD, giảm 10,2%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính thặng dư xuất khẩu so nhập khẩu đạt 1.165 triệu USD.
8.3. Dịch vụ vận tải, kho bãi
a. Vận tải hành khách
Tổng lượng hành khách vận chuyển đường bộ và đường thuỷ năm 2023 ước đạt 41.270,9 nghìn hành khách, so cùng kỳ tăng 20,8%. Trong đó, vận chuyển hành khách đường bộ đạt 38.735,3 nghìn hành khách, tăng 16,8%; vận chuyển hành khách đường thuỷ đạt 2.535,6 nghìn hành khách, tăng 156,7% so cùng kỳ.
Tổng lượng hành khách luân chuyển đường bộ và đường thuỷ năm 2023 đạt 4.102,1 triệu HK.km, tăng 23,4%. Trong đó, luân chuyển hành khách đường bộ đạt 4.079,2 triệu HK.km, tăng 23%; luân chuyển hành khách đường thuỷ đạt 22,9 triệu HK.km, tăng 156% so với cùng kỳ.
b. Vận tải hàng hóa
Tổng lượng hàng hóa vận chuyển đường bộ và đường thuỷ năm 2023 ước đạt 33.338,5 nghìn tấn, tăng 8% so cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường bộ đạt 33.232,4 nghìn tấn, tăng 7,8%; vận chuyển hàng hóa đường thuỷ đạt 106,1 nghìn tấn, tăng 56,5% so với cùng kỳ.
Tổng lượng hàng hóa luân chuyển đường bộ và đường thuỷ năm 2023 ước đạt 4.729,8 triệu tấn.km, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Trong đó, luân chuyển hàng hóa đường bộ đạt 4.651,9 triệu tấn.km, tăng 6,1%; luân chuyển hàng hóa đường thuỷ đạt 77,9 triệu tấn.km, tăng 55,8%.
Hàng hóa thông qua cảng biển năm 2023 ước đạt 12.860,4 nghìn TTQ, giảm 5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm là do hàng hóa xuất nhập khẩu trong và ngoài tỉnh đi qua các cảng tại Bình Định đều giảm.
c. Doanh thu vận tải
Doanh thu ngành vận tải, kho bãi tháng 12 năm 2023: Ước đạt 915,8 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu kinh doanh vận tải, kho bãi quý IV ước đạt 2.717,6 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ; Doanh thu kinh doanh vận tải, kho bãi ước năm 2023 dự tính 10.705,8 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022; Trong đó: Vận tải hành khách đạt 1.827,2 tỷ đồng, tăng 30,2%, chiếm 17,1% so với tổng doanh thu; Vận tải hàng hóa đạt 5.576,2 tỷ đồng, tăng 7,9%, chiếm 52% so với tổng doanh thu; Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 3.274,8 tỷ đồng, tăng 10,4%, chiếm 30,6%. Doanh thu bưu chính, chuyển phát đạt 27,5 tỷ đồng, tăng 10,3% so cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng thấp nhất 0,3%.
9. Các vấn đề xã hội
9.1. Dân số và lao động
a. Dân số
Dân số trung bình tỉnh Bình Định năm 2023 ước tính 1.506,3 nghìn người; trong đó, nam có 749 nghìn người, chiếm 49,7%, nữ có 757,3 nghìn người, chiếm 50,3% trong tổng số dân.
Quy mô dân số thành thị của tỉnh có 620,9 nghìn người, chiếm 41,2%; quy mô dân số nông thôn có 885,4 nghìn người, chiếm 58,8%.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính năm 2023 là 853,1 nghìn người, chiếm 56,6% trong tổng dân số, tăng 1% so năm 2022. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các khu vực kinh tế năm 2023 ước đạt 838,5 nghìn người, tăng 1,53% so với năm trước. Lao động làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 31,1% trên tổng số lao động đang làm việc; lao động làm việc trong nhóm ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 29,5%; lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ chiếm 39,4%.
9.2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội
a. Đời sống dân cư
Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội duy trì ổn định, phục hồi và phát triển. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, nhất là những biến động phức tạp của giá cả, thị trường đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhân dân. Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức, triển khai những chính sách, giải pháp cho vay, tạo việc làm,… đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân và hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
b. Công tác an Sinh xã hội
Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách tiếp tục được thực hiện. Nhân các dịp Lễ, Tết, các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh đều tổ chức tặng quà cho các đối tượng có công với cách mạng; tiến hành việc tu sửa, trang trí và tổ chức lễ viếng các Nghĩa trang, Đài tưởng niệm liệt sỹ. Cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đều tổ chức thăm viếng, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn nhằm góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo trong năm 2023.
9.3. Giáo dục
Ngành giáo dục và đào tạo đã thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chủ yếu và các nhóm giải pháp cơ bản trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023. Đã tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia năm 2023 với tỷ lệ tốt nghiệp chung của toàn tỉnh đạt 98,79% (tăng 0,36% so với năm 2022). Ngoài ra, tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp quốc gia, tỉnh Bình Định có 36 em đạt giải... Công tác triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 415/626 trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 66,3%.
9.4. Y tế
Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh nguy hiểm ở người được triển khai hiệu quả. Công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được quan tâm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,1% dân số toàn tỉnh.
Ngành y tế tiếp tục duy trì 100% số xã trên toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế và trạm y tế có bác sỹ. Tiếp tục tăng cường quản lý và tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống y tế ngoài công lập phát triển, góp phần giảm quá tải và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân tại các tuyến bệnh viện công lập cấp tỉnh và huyện, thị xã, thành phố.
9.5. Hoạt động văn hóa, thể thao
Đã tổ chức thành công nhiều Chương trình nghệ thuật, lễ kỷ niệm, tuyên truyền các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của tỉnh, như: Chào mừng Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam; Lễ Kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; chương trình ngày hội Người Bình Định; Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị nước Mặn”; Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”; Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển Bình Định lần thứ XIV; Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV – Bình Định năm 2023; Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Định năm 2023; Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II - 2023...
9.6. Tai nạn giao thông
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 533 vụ tai nạn giao thông, làm 269 người chết và 404 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 12 tháng năm 2023 tăng 26% (+110 vụ), số người chết tăng 0,4% (+1 người), số người bị thương tăng 35,1% (+105 người). Bình quân 1 tháng trong 12 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông, làm 22 người chết và 34 người bị thương.
9.7. Vi phạm môi trường
Cả năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Định xảy ra 72 vụ vi phạm môi trường, giảm 43,7% (-56 vụ); xử phạt 73 vụ, giảm 24,7% (-24 vụ); xử phạt 1.381,5 triệu đồng, giảm 24,5% (-449,1 triệu đồng) so với cùng kỳ năm trước.
9.8. Tác động do thiên tai
Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 05 vụ thiệt hại do thiên tai. Trong đó: 02 vụ mưa lớn; 02 vụ lốc, sét đánh; 01 vụ sạt lở, sụt lún đất. Làm 03 người chết; 01 nhà bị sập và 110 nhà bị hư hại. Tổng giá trị thiệt hại ước 3,45 tỷ đồng./.