Tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm và dự báo xu hướng phát triển 6 tháng cuối năm 2023
Thứ bảy - 08/07/2023 10:32
Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp luôn được xem là động lực chính của nền kinh tế tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, năm 2023 sản xuất công nghiệp tỉnh Bình Định diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, nhất là diễn biến xung đột Nga – Ukraina; lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt; các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU đều giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng giảm, người dân thắt chặt chi tiêu,... đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước nói chung và Bình Định nói riêng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 0,08% so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây
Bảng Chỉ số IIP 6 tháng đầu năm 2019-2023 so với cùng kỳ ĐVT: %
6 tháng năm 2019
6 tháng năm 2020
6 tháng năm 2021
6 tháng năm 2022
6 tháng năm 2023
Bình quân 5 năm 2019-2023
7,70
4,82
7,80
6,59
0,08
5,40
Nhiều ngành công nghiệp của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (bao gồm đồ gỗ và nhựa giả mây); Dệt; Sản xuất da và sản phẩm có liên quan (giày dép); Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn;…Trong đó, một số ngành chủ lực của tỉnh nhưng chịu tác động nặng nề, chỉ số sản xuất 6 tháng 2023 giảm mạnh so cùng kỳ: - Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 20,05%. Đây là nhóm ngành cấp 2 chiếm tỷ trọng cao thứ 2 trong ngành công nghiệp, và là ngành sử dụng nhiều lao động nhất (chiếm gần 40%). Do đó, khi ngành này giảm đã ảnh hưởng lớn đến chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, tác động đến 1 số ngành phụ trợ cũng giảm theo như Dệt giảm 22,82%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 31,24%. - Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 16,11%, chủ yếu do sản phẩm tấm lợp bằng kim loại giảm 46,31%, cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại giảm 38,7%. Bất động sản đang đóng băng đã tác động đến lĩnh vực xây dựng, ảnh hưởng đáng kể đối với nhu cầu thép trong năm 2023. Bên cạnh đó, vẫn có một số ngành tăng trưởng tốt góp phần thúc đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 0,08% so cùng kỳ, đó là: Ngành chế biến thực phẩm tăng 6,62%, chủ yếu đóng góp từ sản phẩm Thức ăn gia súc tăng 8,90%; thức ăn gia cầm tăng 16,87% (do, Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Hải Long Bình Định của Cty LANKING NANO PTE. LTD đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào cuối năm 2022 làm tăng sản lượng thức ăn chăn nuôi). Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 26,25%. Do bổ sung thêm 1 nhà máy sản xuất thuốc ung thư vào cuối năm 2022. Một số ngành khác như chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 12,51%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 19,38%; In ấn tăng 20,03%... Dự báo trong 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2023: Hầu hết các doanh nghiệp lạc quan đưa ra nhận định tình hình kinh doanh sẽ tốt lên, quy mô sản xuất sẽ được mở rộng, đơn hàng sẽ nhiều hơn. Cụ thể: Có 43% doanh nghiệp đánh giá sẽ tăng khối lượng sản xuất, 34% giữ ổn định, chỉ có 23% giảm đi. Có 39% doanh nghiệp khẳng định đơn đặt hàng mới sẽ nhiều hơn trong 6 tháng cuối năm 2023, chỉ có 24% doanh nghiệp nhận định tình hình tiếp tục xấu đi, đơn đặt hàng sẽ giảm, 37% doanh nghiệp cho rằng đơn hàng ổn định. Trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành Chế biến thực phẩm và ngành Sản xuất thuốc sẽ tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành công nghiệp với một số dự án lớn sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2023. Các ngành sản xuất vật liệu xây dựng phát triển mạnh (bê tông thương phẩm, gạch, đá xây dựng) vào cuối năm khi dự án đường cao tốc Bắc Nam khởi công đồng bộ. Ngành Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ (chủ yếu là dăm gỗ và viên nén) hiện tại đã có đơn hàng tháng 6 và tháng 7, dự kiến có khả năng tăng tốc trong 6 tháng cuối 2023. Tuy nhiên, ngành Sản xuất giường, tủ, bàn ghế; ngành Chế biến thủy sản vẫn chưa thể khắc phục được khó khăn trong quý III/2023, dự báo đến quý IV/2023, khi lượng hàng tồn kho tại các nhà phân phối trên thế giới được giải phóng, lúc đó doanh nghiệp mới có đơn hàng trở lại.