Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống nông thôn tỉnh Bình Định
Thứ tư - 30/08/2023 16:15
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM) những năm qua luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam chú trọng phát huy vai trò lãnh đạo; tạo sự đồng thuận, nhất trí trong hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân để thực hiện tốt mục tiêu đề ra. Qua đó, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày thêm khởi sắc, phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
Trong xây dựng NTM, mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tại khu vực nông thôn. Chính vì thế, việc đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được các cấp, chính quyền tỉnh Bình Định chú trọng thực hiện trong việc xây dựng NTM. Điều này thể hiện rõ nết nhất qua kết quả điều tra Khảo sát mức sống hàng năm của Cục Thống kê tỉnh Bình Định:
Thu nhập bình quân đầu người một tháng tỉnh Bình Định qua các năm Đơn vị tính: Nghìn đồng
2018
2019
2020
2021
2022
Chung toàn tỉnh
3.024,0
3.354,6
3.441,0
3.468,5
3.893,9
Thành thị
4.025,0
3.921,2
4.242,7
4.273,6
4.790,5
Nông thôn
2.638,6
2.955,7
2.908,6
2.934,8
3.304,5
Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người một tháng của tỉnh Bình Định đạt 3.893,9 nghìn đồng, tăng 12,26% (+425,4 nghìn đồng) so với năm 2021. Tốc độ tăng bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2018-2022 là 6,52%, trong đó tốc độ tăng của khu vực nông thôn (5,78%) cao hơn khu vực thành thị (4,45%). Khoảng cách về thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị giảm dần. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người một tháng ở khu vực thành thị cao gấp 1,53 lần (+1.386,4 nghìn đồng) so với khu vực nông thôn, năm 2022 giảm xuống còn 1,45 lần (+1.486 nghìn đồng).
Sau hơn 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh Bình Định đã có 5 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, đó là thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát. Tính đến hết năm 2022, có 88/113 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 77,87%); 17/88 xãđạt chuẩn nông thôn mới được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 19,31%). Tình hình đời sống của người dân nông thôn ngày càng phát triển, giá trị sản lượng nông nghiệp của tỉnh liên tục tăng, chủng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản đa dạng hơn, nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủy sản trở thành những hàng hóa xuất khẩu chủ đạo, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế như: lúa, thịt lợn, cá ngừ đại dương... Đời sống tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh trật tự xã hội được giữ vững, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Với những kết quả đạt được trong thời gian qua chính là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định thực hiện ngày càng tốt hơn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới trong thời gian tới, góp phần nâng tầm tỉnh Bình Định, tạo được sự phấn khởi và niềm tin trong Nhân dân./.
Tác giả bài viết: Lê Thị Thanh Nhàn - TKV Phòng TKXH, Cục Thống kê tỉnh Bình Định