Bình Định kiểm soát được giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2023
Thứ bảy - 08/07/2023 10:55
Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá hàng hóa trên thị trường quốc tế có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố kinh tế, chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và xung đột quân sự Nga - Ucraina, chính sách tiền tệ thắt chặt dẫn đến sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước và tăng trưởng chậm lại, lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Tỉnh Bình Định kiểm soát được giá cả trong 6 tháng đầu năm 2023 do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Giá xăng dầu, giá gas trong nước tỉnh theo giá trong nước, bình quân 6 tháng đầu năm 2023, giá xăng giảm 18,5%, dầu giảm 14,15%, giá gas giảm 9,48%, giá dầu hỏa giảm 8,96% so với cùng kỳ năm trước. - Đối với những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng 12% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư đã được Chính phủ điều hành thận trọng trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất tăng học phí năm học 2022 - 2023 theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021. Tuy nhiên, ngày 20/12/2022, chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân, cụ thể: tỉnh Bình Định đã có Văn bản số 44/2022/QĐ-UBND ngày 08/8/2022 về việc tiếp tục thực hiện mức thu học phí từ năm học 2022 – 2023 như năm học 2020 – 2021 theo Quyết định số 55/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định; theo đó, tỉnh ta đã điều chỉnh giảm mức học phí vào 6 tháng đầu năm 2023. Giá dịch vụ y tế vẫn được giữ ổn định. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 04/5/2023, tuy nhiên chưa tác động nhiều vào CPI 6 tháng đầu năm 2023. - Đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nhóm hàng có tác động lớn tới CPI, chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư, thường xuyên được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá, nhất là mặt hàng thịt lợn. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tỷ giá VNĐ ổn định so với USD, bảo đảm ổn định vĩ mô cùng với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ là những yếu tố góp phần kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023.