Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định 9 tháng đầu năm 2023
Thứ tư - 04/10/2023 15:57
9 tháng đầu năm 2023, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì và phát triển hầu hết các ngành, lĩnh vực và đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề, động lực để tỉnh hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch của cả năm.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 năm 2023 có những kết quả như sau:
- Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9/2023 tăng 2,68% so với tháng trước và tăng 6% so cùng kỳ; luỹ kế 9 tháng năm 2023 so cùng kỳ tăng 1,51%;
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2023 ước đạt 8.999 tỷ đồng, bằng tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ; luỹ kế 9 tháng năm 2023 ước đạt 77.392,7 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ;
- Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 186,9 triệu USD, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 28% so cùng kỳ; luỹ kế 9 tháng năm 2023 giá trị ước đạt 1.475,9 triệu USD, giảm 7% so cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu ước đạt 1.154 triệu USD, đạt 72,1% so kế hoạch năm; - Hàng hóa thông qua cảng tháng 9/2023 ước đạt 1.230 nghìn TTQ, tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 22,4% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng năm 2023 ước đạt 8.859,3 nghìn TTQ, giảm 17,4% so với cùng kỳ; - Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định. 1. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm 1.1. Thu, chi ngân sách Hoạt động thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ do một số nguyên nhân sau: - Do thực hiện chính sách tài khóa về giảm, gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất năm 2023 như: Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của UBTV Quốc hội về việc giảm 50% thuế BVMT mặt hàng xăng dầu đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 30/01/2023 của Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất thuê mặt nước năm 2022; Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023. - Đối với thu tiền sử dụng đất, do thị trường bất động sản trong các tháng đầu năm có phần trầm lắng, sức mua của khách hàng giảm mạnh, lãi suất ngân hàng tăng cao, một số ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản dẫn đến một số phiên đấu giá quyền sử dụng đất không có khách hàng tham gia đấu giá và đã chuyển sang tiếp tục thực hiện đấu giá ở các tháng tiếp theo. - Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do năm 2023 là một năm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu khi nền kinh tế trên thế giới đang lạm phát cao; kinh tế thế giới suy thoái mạnh,... kéo theo sức mua, tiêu dùng toàn cầu giảm, đơn hàng xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực đã giảm mạnh. Việc thiếu hụt đơn hàng, sản xuất khó khăn, chi phí sản xuất ngày càng gia tăng, gây quá nhiều áp lực cho doanh nghiệp. 1.2. Hoạt động ngân hàng Đến nay, các Tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 16 khách hàng với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại là 320 tỷ đồng; Điều chỉnh giảm lãi suất ghi trên hợp đồng tín dụng đối với 7.328 khách hàng, dư nợ được điều chỉnh giảm lãi suất là 26.024 tỷ đồng, mức điều chỉnh lãi suất từ 0,1-2,8%/năm. -Hoạt động huy động vốn: Số dư huy động tại địa phương ước đến 30/9/2023 là 99.950 tỷ đồng, tăng 10% so với 31/12/2022 và tăng 13,3% so với cùng kỳ. - Hoạt động tín dụng: Tổng dư nợ cho vay ước đến 30/9/2023 là 99.450 tỷ đồng, tăng 3,6% so với 31/12/2022 và tăng 1% so với cùng kỳ. - Nợ xấuước đến 30/9/2023 chiếm tỷ lệ khoảng 0,73%/tổng dư nợ. 2. Giá cả 2.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Chín tháng năm 2023, chỉ số giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2023 tỉnh Bình Định tăng 2,1% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng của 9 tháng năm 2022 (bình quân 9 tháng đầu năm 2022 tăng 2,88% so với cùng kỳ) trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao ở nhiều nước. Giá CPI có mức tăng thấp là nhờUBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp giữ ổn định giá hàng hóa, dịch vụ, đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Bình Định tháng 9/2023 tăng 0,63% so tháng trước; tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,88% so với tháng 12 năm trước; quý III/2023 tăng 3% so với cùng kỳ; bình quân 9 tháng đầu năm 2023 tăng 2,1% so với cùng kỳ. 2.2. Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ Tháng 09 năm 2023, giá vàng thế giới tăng đã ảnh hưởng đến giá vàng trong nước tăng. Giá vàng tại thị trường trong tỉnh bình quân 5.546 ngàn đồng/chỉ, tăng 1,37% so tháng trước; tăng 4,26% so với tháng 12/2022 và tăng 6,17% so với cùng kỳ; bình quân quý III/2023 tăng 4,29% so cùng kỳ; bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 0,45% so cùng kỳ. Giá đô la Mỹ tại địa phương bình quân tháng 9 năm 2023 là 24.300 VND/USD, tăng 1,68% so tháng trước; tăng 0,81% so với tháng 12/2022 và tăng 2,55% so với cùng kỳ; bình quân quý III/2023 tăng 1,81% so cùng kỳ; bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 2,5% so cùng kỳ. 2.3. Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm, thủy sản Trong quý III/2023, giá hàng hoá trên thị trường thế giới chịu tác động bởi yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị của các nước và xung đột quân sự Nga – Ucraina. Đồng thời, nhiều quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt khiến lạm phát thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại thị trường tỉnh Bình Định, các mặt hàng tăng giá trở lại nhất là mặt hàng lúa, gạo, do hiện tượng Elnino nên một số nước hạn chế xuất khẩu đã đẩy giá tăng đột biến. Chỉ số chung Quý III/2023 giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,5% so quý trước. Trong đó, sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 2,2%; Sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 0,4%; Sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng 0,5%. So với cùng kỳ, chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III/2023 tăng 1,0%. Trong đó, sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 0,3%; Sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 1,0%; Sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng 2,2%. Chín tháng năm 2023, giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản so cùng kỳ tăng 1,5%; trong đó: sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 0,4%; Sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 1,8%; Sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng 3,2%. 2.6. Giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất Chỉ số chung của giá nguyên nhiên vật liệu quý III/2023 tăng 0,54% so với quý trước và giảm 0,84% so cùng kỳ. Quý III/2023so quý trước: Chỉ số giá nhóm sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,06%; sản phẩm từ khai khoáng giữ giá; nhóm nguyên vật liệu khác tăng 0,11%; điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,94%; nước tự nhiên khai thác giữ giá;nhóm sản phẩm xây dựng tăng 1,86%; dịch vụ chuyên môn khoa học và công nghệ tăng 3,68%. Quý III/2023 so cùng kỳ: Chỉ số giá nhóm sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,55%; sản phẩm từ khai khoáng tăng 2,49%; nguyên vật liệu khác giảm 3,68%; điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,84%; nước tự nhiên khai thác giữ giá; sản phẩm xây dựng tăng 3,13%; dịch vụ chuyên môn khoa học và công nghệ tăng 4,64%. Chỉ số chung của giá nguyên nhiên vật liệu 9 tháng so với cùng kỳ tăng 1,1%, chỉ số giá nhóm sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,03%; sản phẩm từ khai khoáng tăng 3,04%; nguyên vật liệu khác giảm 1,97%; điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí tăng 7,75%; nước tự nhiên khai thác tăng 7,58%; sản phẩm xây dựng tăng 3,45%; dịch vụ chuyên môn khoa học và công nghệ tăng 2,38%. 3. Đầu tư và xây dựng 3.1. Đầu tư Tỉnh Bình Định tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, đồng thời cũng triển khai nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bình Ðịnh tiếp làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu môi trường đầu tư, xúc tiến hợp tác thực hiện một số dự án trên nhiều lĩnh vực. Một số chính sách mà tỉnh đưa ra là ưu đãi đầu tư, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Chính phủ ưu đãi về giá đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác. Bên cạnh đó còn hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ chi phí đào tạo công nhân, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ cung cấp thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thưởng xúc tiến đầu tư. Ngoài ra, tỉnh còn cam kết thể hiện tinh thần trách nhiệm và hợp tác đối với mọi nhà đầu tư và không ngừng cải cách thủ tục hành chính để các dự án đầu tư vào Bình Định được hình thành và triển khai thuận lợi. Kết hợp giữa việc đổi mới chính sách thu hút đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng, thời gian qua tình hình kinh tế xã hội của Bình Định đã có nhiều bước phát triển tăng trưởng của năm sau luôn cao hơn năm trước. Tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Định 9 tháng năm 2023ước đạt 31.134,9 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm giai đoạn 2020 - 2023 - Vốn Nhà nước trên địa bàn ước đạt 12.010,3 tỷ đồng, chiếm 38,6%, tăng 20,3%. Trong đó, Vốn Nhà nước Trung ương quản lý ước đạt 3.919,7 tỷ đồng, chiếm 12,6%, tăng 174,4%; vốn Nhà nước địa phương quản lý ước đạt 8.090,6 tỷ đồng, chiếm 26%, giảm 5,5%; - Vốn ngoài Nhà nước ước đạt 18.076,6 tỷ đồng, chiếm 58%, tăng 15,6%. Trong đó, Vốn của tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước ước đạt 8.678 tỷ đồng, chiếm 27,8%, tăng 18,4%; vốn đầu tư của dân cư ước đạt 9.398,6 tỷ đồng, chiếm 30,3%, tăng 30,2%; - Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1.048 tỷ đồng, chiếm 3,4%, tăng 1,5%. Theo khoản mục đầu tư, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 25.002,3 tỷ đồng, chiếm 80,3%, tăng 22,7%; vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản ước đạt 3.630,9 tỷ đồng, chiếm 11,7%, tăng 6,5%; vốn đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản cố định ước đạt 902,4 tỷ đồng, chiếm 2,9%, giảm 14,8%; đầu tư bổ sung vốn lưu động ước đạt 1.022 tỷ đồng, chiếm 3,3%, giảm 14,3% và vốn đầu tư khác ước đạt 577,3 tỷ đồng, chiếm 1,8%, giảm 5,4% so với cùng kỳ. Riêng nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 9 tháng năm 2023 ước đạt 6.404 tỷ đồng, đạt 71,5% kế hoạch năm, giảm 4,3% so cùng kỳ. 3.2. Xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021-2025 đã xác định một trong những khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh là "Xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông". Hiện nay, Bình Định thực hiện quy hoạch đồng đều các vùng, thành công rõ nét nhất là quy hoạch không gian kinh tế - đô thị biển… Nhiều địa phương đã hoàn thiện hạ tầng, các công trình trọng điểm, huyết mạch nối các vùng trong tỉnh và với các tỉnh lân cận cũng đã đưa vào sử dụng bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng, tạo điều kiện thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua các huyện, thị xã, thành phố đã quản lý và phát triển đô thị theo hướng mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, hình thành đô thị có bản sắc riêng. Các dự án mở rộng, kết nối giao thông đã tạo được sự gắn kết về không gian và mang lại những giá trị cảnh quan như: tuyến đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội - sân bay Phù Cát, Quốc lộ 19 mới, tuyến đường phía Tây tỉnh (từ nút giao thông Long Vân, TP. Quy Nhơn đến xã Canh Vinh, huyện Vân Canh), hầm đường bộ Cù Mông.... Tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đang thực hiện 3 dự án lớn của Bộ, ngành làm chủ đầu tư là: Tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, Quốc lộ 1 và đường ven biển. Tuyến đường cao tốc Bắc – Nam qua địa phận tỉnh Bình Định có chiều dài khoảng 117,38 km, với chi phí xây lắp khoảng 15.906,8 tỷ đồng, do Bộ Giao thông vận tải thực hiện, tỉnh Bình Định chỉ thực hiện khâu đền bù và giải phóng mặt bằng đối với các địa phương bị ảnh hưởng bởi tuyến cao tốc đi qua, với số tiền là 4.953 tỷ đồng. Tuyến đường cao tốc qua địa phận Bình Định gồm các đoạn: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn –Chí Thạnh. Giá trị thi công tuyến cao tốc đến cuối quý III/2023 ước đạt 15%; khoảng 2.386 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm đạt khoảng 20% ước đạt 3.181,4 tỷ đồng. 4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp 4.1. Tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp Tính đến ngày 15/9/2023, toàn tỉnh có 811 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 14,6% so cùng kỳ; số vốn đăng ký đạt 7.402 tỷ đồng, giảm 12,3% so với cùng kỳ; vốn bình quân một doanh nghiệp đạt 9,1 tỷ đồng, tăng 2,7% so cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại thị trường là 249 doanh nghiệp, giảm 20,7% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao, nguồn tài chính không đảm bảo, sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hoá trong và ngoài nước đã làm nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Trong 9 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã có 513 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, tăng 10,8%; 58 doanh nghiệp giải thể, giảm 9,4% so với cùng kỳ. 4.2. Xu hướng sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Quý III/2023 khó khăn hơn so với Quý II/2023. Đánh giá chung về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Quý III/2023 so với quý trước, có 25% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khả quan hơn; 41% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn rơi vào các nhóm ngành sản xuất chế biến thực phẩm; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất...; còn lại số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định chiếm tỷ lệ 34%. Dự kiến Quý IV/2023 so với Quý III tình hình kinh doanh sẽ tích cực hơn, có 44% số doanh nghiệp cho rằng xu hướng sẽ tốt lên; 22% số doanh nghiệp dự báo kém đi và 34% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. 4.3. Xu hướng sản xuất của doanh nghiêp xây dựng Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất ngành xây dựng, các doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất của quý III năm 2023 thuận lợi hơn so với quý II năm 2023, chiếm 36,4%. Doanh nghiệp nhận định tình hình khó khăn hơn chiếm 15,2% và doanh nghiệp nhận định tình hình không đổi là 48,4%. Trong quý tiếp theo, có 30,3% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất của các doanh nghiệp xây dựng sẽ thuận lợi hơn; 40,9% doanh nghiệp đánh giá sẽ khó khăn hơn và 28,8% đánh giá không thay đổi. 5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản Ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương chỉ đạo điều hành kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí cơ cấu giống phù hợp, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao.Và thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh tái đàn lợn, phát triển đàn bò thịt chất lượng cao,... gắn với việc thực hiện công tác tiêm phòng vaccine và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Công tác trồng, chăm sóc, quản lý và phòng chống chữa cháy rừng được quan tâm, chỉ đạo kịp thời. Tăng cường nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại một số địa phương ven biển; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) và các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ theo quy định. 5.1. Nông nghiệp a. Trồng trọt - Cây hàng năm Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu 2023 toàn tỉnh ước đạt 60.462,5 ha, tăng 0,2% (+128,6 ha) so cùng kỳ. Trong đó, diện tích gieo sạ lúa ước đạt 41.545,4 ha, giảm 2,6% (-1.103,8 ha) so cùng kỳ và đạt 98,6% kế hoạch; năng suất cây lúa ước đạt 67,8 tạ/ha, tăng 3% (+2 tạ/ha); sản lượng đạt 281.701,1 tấn, tăng 0,4% (+1.210,9 tấn) so cùng kỳ. Năm nay, trong vụ Hè Thu, có 9/11 huyện, thị xã, thành phố có diện tích lúa giảm, huyện có lúa giảm nhiều nhất là huyện Phù Mỹ giảm 324 ha, kế tiếp thị xã An Nhơn giảm 230,6 ha, huyện Phù Cát giảm 211 ha, thị xã Hoài Nhơn giảm 158,1 ha, huyện Vân Canh giảm 103 ha… Toàn tỉnh có 2 huyện diện tích lúa tăng là: huyện An Lão tăng 107,8 ha và huyện Vĩnh Thạnh tăng 15,6 ha. Theo kết quả sơ bộ, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 9 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt 138.382,4 ha, giảm 0,1% (-206,6 ha) so cùng kỳ. Trong đó, diện tích gieo sạ lúa đạt 88.427 ha, giảm 2% (-1.825,8 ha); năng suất cây lúa đạt 70 tạ/ha, tăng 3,1% (+2,1 tạ/ha); sản lượng lúa đạt 618.663,3 tấn, tăng 1% (+6.235 tấn). Sản lượng một số cây trồng cạn 9 tháng năm 2023 so cùng kỳ: Ngô đạt 41.079,9 tấn, tăng 10,4% (+3.883,7 tấn); sắn đạt 260.218,9 tấn, giảm 0,8% (-2.212,8 tấn); cây mía đạt 9.021,3 tấn, giảm 1,8% (-164,6 tấn); lạc đạt 41.697,7 tấn, tăng 11,1% (+4.169,7 tấn); vừng đạt 2.857,9 tấn, tăng 5,8% (+156,2 tấn); rau các loại đạt 227.978,2 tấn, tăng 6,7% (+14.252,4 tấn); đậu các loại đạt 3.090,7 tấn, giảm 8,5% (-285,6 tấn). Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa năm 2023ước đạt 14.798,1 ha, giảm 3,3% (-509,1 ha) so cùng kỳ. Trong đó, diện tích cây lúaước đạt 3.836,6 ha, giảm 10,4% (-445 ha); năng suất cây lúa ước đạt 46,2 tạ/ha, tăng 0,4% (+0,2 tạ/ha); sản lượng đạt 17.734,8 tấn, giảm 9,2% (-1.802,6 tấn) so cùng kỳ. Theo tiến độ đến ngày 15/9/2023, Diện tích cây trồng cạn vụ Mùa: Cây ngô đạt 2.303,4 ha, giảm 3,3% (-78,1 ha); lạc đạt 567,8 ha, tăng 5,4% (+29 ha); rau các loại đạt 4.749,9 ha, giảm 0,7% (-35,6 ha); đậu các loại đạt 64,2 ha, giảm 10,2% (-7,3 ha) so cùng kỳ. - Cây lâu năm Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước đạt 19.508,7 ha, giảm 0,9% (-183,3 ha) so với cùng kỳ. Trong đó, cây ăn quả đạt 5.518,4 ha, tăng 3,2% (+169,5 ha); cây công nghiệp đạt 13.150,1 ha, giảm 2,9% (-386,1 ha). Sản phẩm cây lâu năm ở Bình Định chưa mang tính hàng hóa, chủ yếu được trồng phân tán, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, nông dân ở địa phương chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến khâu đầu tư, chăm sóc cây trồng, nên năng suất chất lượng đạt thấp, thị trường tiêu thụ chậm. Giá đầu ra không ổn định dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, đặt biệt là giá tiêu, điều. Sản lượng thu hoạch của các loại cây lâu năm trong 9 tháng năm 2023 ước tính như sau: Sản lượng xoài đạt 5.129,6 tấn, tăng 0,3% (+17,3 tấn) so cùng kỳ; chuối đạt 15.896,3 tấn, tăng 2,7% (+422,7 tấn); cam đạt 588,3 tấn, tăng 8,4% (+45,7 tấn); bưởi đạt 823,3 tấn, tăng 7,6% (+58 tấn); dừa đạt 91.256,5 tấn, tăng 1,4% (+1.293 tấn); điều đạt 2.385,6 tấn, giảm 4,2% (-104 tấn); hồ tiêu đạt 489,2 tấn, giảm 3,5% (-17,7 tấn). b. Chăn nuôi Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương; phát hiện bệnh kịp thời, tăng cường giám sát dịch bệnh động vật: Dịch viêm da nổi cục ở bò, dịch tả lợn Châu Phi, dịch tả lợn tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm và các dịch bệnh khác. Bên cạnh đó, các địa phương đang tích cực phòng chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi. Về số đầu con, số lượng đàn trâu hiện có 15.792 con, giảm 6,2% (-1.051 con) so với cùng kỳ. Đàn bò đạt 307.583 con, tăng 2,8% (+8.353 con) so cùng kỳ. Tổng đàn bò sữa nuôi trong các trang trại, gia trại, hộ là 2.214 con, giảm 9,9% (-242 con) so với cùng kỳ. Đàn lợn (không kể lọn con chưa tách mẹ) đạt 679.232 con, tăng 9,5% (+58.746 con) so với cùng kỳ. Tổng đàn lợn tăng do giá lợn hơi tăng từ Quý II/2023 đến nay; người chăn nuôi kỳ vọng giá lợn ổn định và sẽ tăng cao hơn nữa nên tập trung tái tạo đàn. Với mức giá đó các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bắt đầu có lãi, nên tái tạo đàn nhanh với quy mô lớn. Đàn gia cầm 9.743,2 nghìn con, tăng 18,4% (+1.512,7 nghìn con) so với cùng kỳ. Trong đó, đàn gà 8.103,9 nghìn con, tăng 24,8% (+1.610,5 nghìn con). Ước sản lượng thịt hơi xuất chuồng và sản phẩm chăn nuôi 9 tháng năm 2023: Thịt trâu hơi đạt 1.200 tấn, giảm 6,8% (-87,6 tấn) so với cùng kỳ; thịt bò hơi đạt 29.816,7 tấn, tăng 4,2% (+1.201,9 tấn); sản lượng sữa đạt 8.738,1 tấn, giảm 1,7% (-148,7 tấn); thịt lợn hơi đạt 100.529,6 tấn, tăng 5,7% (+5.377 tấn); thịt gia cầm hơi đạt 20.822,3 tấn, tăng 4,9% (+978 tấn), trong đó, sản lượng gà hơi đạt 17.682,6 tấn, tăng 11,8% (+1.859,4 tấn). 5.2. Lâm nghiệp Từ đầu năm đến nay diện tích trồng rừng tập trung ước đạt 1.725,7 ha, tăng 22,7% (+318,7 ha) so với cùng kỳ. Ước tính tổng số gỗ khai thác tháng 9 năm 2023 đạt 327.654 m3, tăng 3,6% (+11.398 m3) so với cùng kỳ; tổng số gỗ khai thác toàn tỉnh 9 tháng năm 2023 ước đạt 1.006.912,8 m3, tăng 2,2% (+21.259,8 m3) so với cùng kỳ. Toàn bộ gỗ từ rừng trồng chủ yếu là gỗ làm nguyên liệu. Ước tổng số củi khai thác tháng 9/2023 đạt 81.256 ster, tăng 1,1% (+901 ster) so với cùng kỳ, nâng tổng số củi khai thác trong 9 tháng năm 2023 ước đạt 390.254,4 ster, tăng 0,4% (+1.692,4 ster) so với cùng kỳ. Lượng củi khai thác chủ yếu là các cành cây tận dụng từ nguồn khai thác gỗ, như: Bạch đàn, keo... Tháng 9/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy rừng; lũy kế số vụ cháy rừng đầu năm đến nay xảy ra 5 vụ,tăng 5 vụ so với cùng kỳ; diện tích rừng bị cháy 23,7 ha, tăng 23,7 ha so với cùng kỳ. Tháng 9/2023, xảy ra 6 vụ phá rừng, bằng so với cùng kỳ; diện tích rừng bị phá 0,5 ha, bằng so với cùng kỳ. Tổng số vụ phá rừng xảy ra trong 9 tháng năm 2023 là 28 vụ phá rừng, tăng 3 vụ so với cùng kỳ; diện tích bị phá là 6,2 ha, giảm 1,6 ha so với cùng kỳ. 5.3. Thủy sản Tổng sản lượng thủy sản tháng 9 năm 2023 ước đạt 27.831,4 tấn, tăng 2,3% (+618,3 tấn) so cùng kỳ. Cộng dồn 9 tháng năm 2023 ước đạt 223.743,9 tấn, tăng 2,6% (+5.666,6 tấn) so với cùng kỳ, trong đó: - Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 212.692,3 tấn, tăng 2,6% (+5.488,9 tấn); Sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 210.351,6 tấn, tăng 2,6% (+5.408,7 tấn), riêng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 11.532,4 tấn, giảm 2,7% (-317,4 tấn) so với cùng kỳ. - Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 11.051,6 tấn, tăng 1,6% (+177,7 tấn), riêng tômthẻ chân trắng ước đạt 7.334,4 tấn, tăng 7,9% (+536,5 tấn). Sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tháng 09 ước đạt 235,6 triệu con, giảm 52,5%(-260,4 triệu con); cộng dồn 9 tháng ước đạt 1.765,6 triệu con, giảm 58,4%(-2.481,7 triệu con) so với cùng kỳ. Nguyên nhân tôm thẻ chân trắng giảm mạnh do thị trường tiêu thụ trong khu vực giảm, dẫn đến đầu tháng 5 đến nay Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam - chi nhánh Bình Định 3 tạm ngưng sản xuất. 6. Sản xuất công nghiệp Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp luôn được xem là động lực chính của nền kinh tế tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, năm 2023 sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn và thử thách do lãi suất ngân hàng vẫn còn cao, lạm phát các nước trên thế giới tăng cao buộc người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến sức mua yếu, xuất khẩu tại các thị trường sụt giảm theo. 6.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 tăng 6% so cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành Khai khoáng, Sản xuất và phân phối điện, ngành Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng cao so cùng kỳ; riêng ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của cả nước tuy nhiên nhiều ngành có sự tăng trưởng tốt góp phần giữ tốc độ tăng chung ngành này so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,51% so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 16,55%. Trong đó, khai thác quặng kim loại giảm 4,22%, do một số mỏ đã cạn nguồn quặng và một số mỏ đã hết hạn khai thác; hoạt động khai khoáng khác tăng 20,31% chủ yếu là khai thác đất đá phục vụ xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng nhẹ (+1,11%), do chịu tác động bởi 3 nhóm ngành lớn đang giảm sâu là Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, Dệt và Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.
6.2. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 năm 2023 giảm 3,49% so với tháng trước, chủ yếu do một số ngành chiếm tỷ trọng có lượng tiêu thụ giảm trong tháng 9 như: Sản xuất đồ uống giảm 17,05%; Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 29,1%; Sản xuất hóa chất giảm 18,46%. Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 năm 2023 tăng 8,67% so với cùng kỳ. Nhiều ngành có chỉ số tiêu thụ tốt như: Sản xuất da và sản phẩm có liên quan tăng 67,4%; Chế biến gỗ tăng 25,73%; Sản phẩm từ cao su và plastic tăng 23,23%. 6.3. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 năm 2023 tăng 0,71% so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm như: Sản xuất thuốc giảm 4,88%; Sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 14,1%. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao so với tháng trước như: Dệt tăng 37,61%; Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 21,54% do đẩy mạnh sản xuất. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 năm 2023 tăng 10,84% so với cùng kỳ; trong đó, nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn tăng cao như: Sản xuất trang phục tăng 48,51%; Sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 39,8%. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm như: Thực phẩm giảm 10,42%; Sản xuất hóa chất giảm 11,78%; Sản xuất thuốc giảm 18,12%. 6.4. Chỉ số sử dụng lao động Chỉ số sử dụng lao động tháng 9/2023 tăng 1,06% so với tháng trước do ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế sử dụng nhiều lao động đang có nhu cầu tuyển dụng công nhân phục vụ sản xuất. Trong đó, Khai khoáng tăng 0,37%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,14%; Sản xuất và phân phối điện tăng 0,17%; Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giữ ổn định so tháng trước. Chỉ số sử dụng lao động tháng 9 năm 2023 tăng 1,57% so cùng kỳ và tăng ở tất cả các ngành cấp I. Đây là tháng đầu tiên trong năm 2023, chỉ số sử dụng lao động tăng trưởng dương so cùng kỳ. Người lao động quay trở lại công xưởng cho thấy sản xuất đang có dấu hiệu hồi phục. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 0,18%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,24%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 3,56%; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,56%. Theo loại hình doanh nghiệp, so với cùng kỳ chỉ số sử dụng lao động tháng 9 năm 2023 của khối doanh nghiệp Nhà nước tăng 1,91%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 1,66%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,94%. 7. Thương mại, dịch vụ 7.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Tình hình hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 9 năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Định ổn định, hàng hóa lưu thông thuận lợi; các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu hàng hóa và sức mua người dân tăng so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2023 ước đạt 8.999 tỷ đồng, bằng tháng trước và tăng 13,4%so cùng kỳ, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 6.917,9 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 7,2% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.266,1 tỷ đồng, giảm 7,2% so tháng trước và tăng 33,8% so cùng kỳ; ngành du lịch lữ hành đạt 109,9 tỷ đồng, giảm 18,2% so tháng trước và tăng 754,6% so cùng kỳ; ngành dịch vụ đạt 705,1 tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 34,3% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 77.392,7 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2023 ước tính đạt 60.780,5 tỷ đồng, chiếm 78,5% tổng mức và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 7,2%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 43%; ô tô các loại tăng 13,1%; xăng dầu tăng 30,6%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 36,6%... Với nhiều tiềm năng lợi thế, tỉnh Bình Ðịnh đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 – 2025. Tỉnh triển khai nhiều hoạt động văn hóa, thể thao để kích cầu du lịch, một số chương trình đặc sắc lần đầu tiên tổ chức tại Bình Định đã thu hút lượng lớn du khách tham gia, thúc đẩy các ngành lưu trú, ăn uống, lữ hành, vui chơi, giải trí tăng trưởng. Khi bắt đầu bước vào mùa du lịch hè, tỉnh đã có nhiều chương trình kích cầu du lịch vô cùng hấp dẫn đến đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các cơ quan, công ty, đơn vị có nhu cầu tổ chức hội nghị, hội thảo,… góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Bình Định và thúc đẩy việc thu hút khách du lịch đến Bình Định. Do đó, lượng khách du lịch các tỉnh đến địa phương tăng cao, đã tác động đến hoạt động thương mại. Nhờ đó, doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống, lữ hành, dịch vụ đã giữ được mức tăng trưởng khá trong 9 tháng đầu năm 2023. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2023 ước tính đạt 10.594,1 tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng mức, tăng 40,2% so với cùng kỳ; trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 1.752,1 tỷ đồng, tăng 49,1%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 8.842 tỷ đồng, tăng 38,6%. Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2023 ước tính đạt 539,9 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng mức, tăng 205,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động dịch vụ khác 9 tháng năm 2023 ước tính đạt 5.478,2 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng mức, tăng 22,4% so với cùng kỳ. 7.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa Chín tháng đầu năm 2023, nền kinh tế trên thế giới đang lạm phát,... kéo theo sức mua, tiêu dùng toàn cầu giảm, đơn hàng xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực đã giảm mạnh. Các doanh nghiệp đang khó khăn trong việc ký kết hợp đồng với đối tác. Việc thiếu hụt đơn hàng, sản xuất khó khăn, chi phí sản xuất ngày càng gia tăng, gây quá nhiều áp lực cho doanh nghiệp. Ngoài ra, những bất ổn xung đột Nga - Ukraine tiếp tục tác động đến giá cả trên thị trường, dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào nói chung tăng cao, gia tăng áp lực cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đến nay, tình hình kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi trở lại, nên các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng xuất, cùng với các chính sách của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất. a. Xuất khẩu hàng hóa Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2023 ước đạt 150,2 triệu USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 37,2% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 1.154 triệu USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,4 triệu USD, tăng 286,9%, đây là mặt hàng có mức tăng cao nhất nhưng kim ngạch xuất khẩu chiếm trong tổng kim ngạch xuất khẩu; xuất khẩu gạo ước đạt 56,9 triệu USD, tăng 55%; sắn và sản phẩm từ sắn ước đạt 65,9 triệu USD, tăng 40,4%; hàng dệt may ước đạt 262,1 triệu USD, tăng 24,2%; gỗ ước đạt 251,6 triệu USD, tăng 3,1%; Những mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhưng giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm như thủy hải sản ước đạt 89,1 triệu USD, giảm 30,8%; sản phẩm từ chất dẻo ước đạt 108,7 triệu USD, giảm 23%; sản phẩm gỗ ước đạt 276,8 triệu USD, giảm 26,7%. Xuất khẩu trực tiếp 9 tháng năm 2023 ước đạt 1.148,1 triệu USD, chiếm 99,5% kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng được xuất khẩu đến 106 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục. Trong đó, Châu Á đạt 473,7 triệu USD, chiếm 41,3%; Châu Mỹ đạt 463,7 triệu USD, chiếm 40,4%; Châu Âu đạt 181,7 triệu USD, chiếm 15,8%. b. Nhập khẩu hàng hóa Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9/2023 ước đạt 36,7 triệu USD, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 0,3% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 321,9 triệu USD, giảm 8,8% so cùng kỳ. Trong đó, vải các loại đạt 53,8 triệu USD, tăng 38,4%; nguyên liệu dược phẩm đạt 14,5 triệu USD, tăng 22,6%; phân bón đạt 23,1 triệu USD, tăng 151,7%; sắt thép và các sản phẩm từ thép đạt 0,6 triệu USD, tăng 172,5%; tuy nhiên, nhập khẩu nguyên liệu dùng cho chế biến thuỷ sản đạt 71,3 triệu USD, giảm 15,8%; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 35,3 triệu USD, giảm 37,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 23,7 triệu USD, giảm 45,1%; nguyên phụ liệu dệt may đạt 46,8 triệu USD, giảm 27,7% so cùng kỳ. 7.3. Vận tải hành khách và hàng hóa Chín tháng đầu năm 2023, sản lượng ngành vận tải đạt được mức tăng trưởng cao, trong những tháng cuối năm các doanh nghiệp hoạt động ổn định, vận tải hàng hóa lưu thông thông suốt và phát triển theo hướng tích cực, tạo niềm tin cho nhân dân đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần tăng trưởng sản phẩm địa phương trong năm 2023. Tỉnh Bình Định tăng cường kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định” trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô. Đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, có giải pháp hiệu quả tăng cường công tác phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải.. a. Vận tải hành khách Tháng 9 có kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày nhưng lượng khách du lịch không tăng cao như năm ngoái, năm nay ghi nhận xu hướng nghỉ lễ tiết kiệm. Người dân thắt chặt chi tiêu, cắt giảm chi phí phương tiện công cộng, ưu tiên các điểm du lịch gần hoặc ngay tại nơi sinh sống. Tổng lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thủy tháng 9/2023 ước đạt 3.551,4 nghìn hành khách, luân chuyển 365,1 triệu HK.km. So tháng trước, vận chuyển giảm 6,9%, luân chuyển giảm 4,9%. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 4,9% và luân chuyển tăng 11,2%. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thủy ước đạt 31.469,7 nghìn hành khách, luân chuyển 3.099,8 triệu HK.km. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 24,1%, luân chuyển tăng 25%. b. Vận tải hàng hoá Tổng lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy tháng 9/2023 ước đạt 2.653,5 nghìn tấn, luân chuyển 390,9 triệu tấn.km. So tháng trước, vận chuyển giảm 5,9%, luân chuyển giảm 3,8%. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 1,3%, luân chuyển tăng 3,4%. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy ước đạt 25.261,6 nghìn tấn, luân chuyển 3.600,2 triệu tấn.km. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 8,3%, luân chuyển tăng 7,2%. Hàng hoá thông qua cảng biển tại địa phương trong tháng 9 năm 2023 ước đạt 1.230 nghìn TTQ, tăng 6,6% so với tháng trước, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, ước đạt 8.859,3 nghìn TTQ giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước. c. Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ và bưu chính, chuyển phát Tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đường thủy và bưu chính, chuyển phát tháng 9/2023 ước đạt 911,3 tỷ đồng, giảm 1,6% so tháng trước, tăng 7,8% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 163,1 tỷ đồng, giảm 1,1%so với tháng trước, tăng 17%so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa đạt 462,8 tỷ đồng, giảm 2,8% so với tháng trước vàtăng 3,7% so với cùng kỳ; dịch vụ kho bãi và hoạt động hỗ trợ vận tải khác đạt 283 tỷ đồng, tăng 0,4%so với tháng trước, tăng 9,7%so với cùng kỳ; bưu chính, chuyển phát đạt 2,4 tỷ đồng, giảm 3,4%so với tháng trước, tăng 13,5%so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đường thủy và bưu chính, chuyển phát ước đạt 7.977,6 tỷ đồng, tăng 11,6% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 1.347,9 tỷ đồng, tăng 30,2%; vận tải hàng hóa đạt 4.167,7 tỷ đồng, tăng 7,6%; dịch vụ kho bãi và hoạt động hỗ trợ vận tải khác đạt 2.441,2 tỷ đồng, tăng 9,7%; bưu chính, chuyển phát đạt 20,8 tỷ đồng, tăng 12,4%./.