Xây dựng nông thôn mới nâng cao tại Thị xã An Nhơn
Thứ bảy - 30/10/2021 16:21
Ttháng 5/2021, các xã nông thôn trên địa bàn thị xã An Nhơn đã đạt 105/130 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 80,7%.
Cuốinăm 2018, thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) là hai đơn vị cấp huyện/thị dẫn đầu toàn tỉnh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trao bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020 (đã về đích trước hai năm). Rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã An Nhơn đã lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn củng cố Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, toàn thể Nhân dân 10 xã chung sức đồng lòng thi đua thực hiện 13 tiêu chí nông thôn mới nâng cao trong điều kiện vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì phát triển sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đến cuối tháng 5/2021, các xã nông thôn trên địa bàn thị xã đã đạt 105/130 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 80,7% (tương ứng với 304/350 chỉ tiêu cụ thể, chiếm tỷ lệ 86,86%). Năm 2020, các xã huy động tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội là gần 279,1 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương và tỉnh 51,8 tỷ, vốn thị xã 12,6 tỷ, vốn của các xã 208,7 tỷ, vốn nhân dân đóng góp 4,8 tỷ và các nguồn khác tập trung xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, các thiết chế văn hóa... phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hầu hết 10 xã cơ bản thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất hàng hóa chủ lực của xã, gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Mỗi xã có ít nhất một HTX thành lập theo Luật hợp tác xã năm 2012, xác định HTX là nền tảng cho sự liên kết hợp tác tạo ra sức mạnh đa chiều, thúc đẩy sản xuất kinh doanh có hiệu quả và được nhân rộng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm nông sản chủ lực, bước đầu gắn với chương trình OCOP “mỗi xã một sản phẩm”. Toàn bộ các HTX đã thực hiện trên 80% cơ giới hóa nông nghiệp đối với cây trồng chủ lực, nhiều xã đạt 100%. Có 6/10 xã triển khai các mô hình trồng mai dưới bóng râm, nhà bạt, trồng cây dược liệu, nấm bào ngư, rau quả an toàn… nuôi gà an toàn sinh học và nuôi ếch thương phẩm. Nhờ triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo nguồn lực tập trung đầu tư và đẩy mạnh sản xuất, nên đến cuối năm 2020 mức thu nhập bình quân đầu người các xã đạt 47,29 triệu đồng/năm. Trong đó, có 9 xã đạt mức thu nhập từ 45 - 50 triệu đồng/năm, xã thấp nhất đạt 42,7 triệu đồng/năm. Sản xuất phát triển, thu nhập đầu người tăng cao nên tỷ lệ hộ nghèo cả 10/10 xã giảm xuống còn 2,34%, thấp hơn mức chuẩn theo quy định. Về giáo dục - đào tạo có 10/10 xã đã xóa mù chữ cấp độ 2, có 8/10 xã đạt chuẩn và duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 3. Lao động có việc làm qua đào tạo có 9/10 xã đạt trên 50% và hầu hết 10/10 xã đạt tiêu chí lao động tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, phòng chống thiên tai, kiến thức khoa học, riêng xã Nhơn Phong và Nhơn Tân đạt gần 100%. Sự nghiệp y tế được quan tâm đầu tư kể cả cơ sở vật chất và đội ngũ thầy thuốc. 100% trạm y tế xã có bác sỹ, 100% số thôn có nhân viên y tế, góp phần bảo vệ và cải thiện sức khỏe người dân, thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống đại dịch Covid-19. Hầu hết các xã tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, khơi dậy tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ gia đình văn hóa các xã đạt trên 95%. Đi liền với đó là xây dựng cảnh quang nông thôn “sáng- xanh- sạch- đẹp”, bảo vệ môi trường. Tỷ lệ dân số ở nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình tập trung đạt gần 28% ở 7 xã, 3 xã còn lại đang tiếp tục đầu tư xây dựng công trình nước sạch. Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thị xã được thu gom và xử lý đúng theo quy định đạt từ 72- 83%. Có 9/10 xã đạt tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. 10/10 xã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở. 70/70 thôn của 10 xã đều có xây dựng quy ước, hương ước. Cán bộ, công chức 10/10 xã hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không có vi phạm pháp luật; 9/10 xã thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, giải quyết tốt các thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân theo đúng quy định của pháp luật; 9/10 xã thực hiện tốt tiêu chí an ninh trật tự, nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, không để mâu thuẫn kéo dài, không xảy ra các tụ điểm cờ bạc dưới mọi hình thức; có 10/10 xã xây dựng 77 mô hình tự quản về an ninh trật tự. Nhờ vậy, an ninh nông thôn được giữ vững. Xã Nhơn Phong phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2021; mỗi xã còn lại tối thiểu đạt thêm 2 tiêu chí. Trong hai năm 2022- 2023 các xã đều phải hoàn thành 13/13 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Thành tựu về xây dựng nông thôn mới nâng cao ở An Nhơn đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ lượng sang chất, góp phần rất quan trọng vào tiến trình đi lên của thị xã từ đô thị loại 4, được công nhận đô thị loại 3 vào năm 2020, tạo đà tiến lên thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra./.
Tác giả bài viết: Dương Quốc Chính - Chi cục trưởng CCTK TX An Nhơn