Hiệu quả từ mô hình nuôi ốc bươu đen tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định
Thứ năm - 29/06/2023 15:14
Thời gian qua ngành Nông nghiệp tại huyện Phù Mỹ có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, chuyển biến tích cực về chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, trong đó có mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân
Ốc bươu đen hay còn gọi là ốc nhồi là loài động vật thân mềm, sống phổ biến trong tự nhiên ở các ao hồ, sông suối. Tuy nhiên, do môi trường sống bị ô nhiễm, sự xâm nhập của ốc bươu vàng và nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường nên ốc bươu đen ngoài tự nhiên ngày càng trở nên khan hiếm. Nhận thấy triển vọng và giá trị kinh tế cao từ ốc bươu đen, một số hộ nông dân ở huyện Phù Mỹ đã mạnh dạn cải tạo những phần diện tích đất ao, vườn kém hiệu quả để chuyển sang nuôi ốc bươu đen, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Từ thành công của mô hình nuôi ốc bươu đen thử nghiệm trên 100 m2 ao, vườn của một hộ nông dân tại xã Mỹ Hiệp vào năm 2017, đến nay toàn huyện có 10 hộ nuôi với tổng diện tích hơn 0,8 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Mỹ Hiệp, Mỹ Quang, Mỹ Thắng với quy mô nuôi từ 500 m2 trở lên trong đó có những mô hình nuôi quy mô lớn đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ốc bươu đen dễ nuôi, ít dịch bệnh, phù hợp với điều kiện địa phương, chi phí đầu tư không lớn. Nuôi ốc nhàn rỗi, sử dụng công lao động không nhiều nên nuôi ốc có lãi hơn các loại vật nuôi khác. Tuy dễ nuôi, nhưng cũng không ít rủi ro, việc nuôi ốc bươu đen cần phải có kiến thức và kinh nghiệm, nhất là việc xử lý nguồn nước và tạo môi trường thủy sinh cho ốc phát triển. Theo chia sẻ của một hộ nuôi ốc bươu đen tại địa phương: “Nuôi ốc tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người nuôi ốc phải nắm được những tập tính và điều kiện nuôi cần thiết mới có thể nuôi thành công được, cần đảm bảo nguồn nước phải sạch, độ PH từ 6.5 đến 8.5, 2-3 ngày phải thay nước một lần. Thức ăn chủ yếu của ốc bươu đen là bèo, lá môn và lá mì (sắn)”. Một hộ nuôi ốc bươu đen khác trong huyện còn cho biết “Nếu như ở ngoài miền Bắc chỉ có thể nuôi từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, thì ở Miền Trung điều kiện khí hậu phù hợp để có thể nuôi quanh năm. Vì vậy, sản lượng luôn đảm bảo nguồn cung cho thị trường”. Đối với ốc bươu đen thương phẩm nuôi khoảng 5 tháng là có thể xuất bán. Mật độ thả nuôi khoảng 150 con/m2. Trọng lượng đạt khoảng 30-35 con/kg, giá bán hiện nay dao động từ 100.000 đồng – 120.000 đồng/kg. Bên cạnh sản xuất ốc thương phẩm, một số hộ trên địa bàn còn cung cấp giống cho bà con ở vùng lân cận như: Thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn, huyện An Lão … với giá 500.000 đồng/thiên, và trứng ốc với giá 1,5 triệu đồng một ký. Trong năm 2021, huyện Phù Mỹ có 01 hộ nuôi ốc bươu đen thương phẩm đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Phù Mỹ và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận thương hiệu. Từ những thành công đầu tiên của mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm, ngành Nông nghiệp huyện Phù Mỹ đã có những chính sách khuyến khích như: Hỗ trợ nguồn vốn, xây dựng thương hiệu… nhân rộng mô hình, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân huyện nhà./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hồng Việt - Thống kê viên Chi cục Thống kê huyện Phù Mỹ