Sự phát triển đáng ghi nhận của nghề trồng bưởi da xanh trên địa bàn huyện Hoài Ân
Thứ sáu - 03/06/2022 14:07
Hoài Ân là một huyện trung du, phía Bắc tỉnh Bình Định, nền kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng khát vọng vươn lên làm giàu từ phát triển nông nghiệp bằng sự cần cù, sáng tạo, nhân dân Hoài Ân luôn là điểm sáng đáng ghi nhận.
Về Hoài Ân, từ lâu ai cũng biết nơi đây có phong trào chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo phát triển vượt bậc, tổng đàn luôn chiếm trên 1/3 toàn tỉnh, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, nhiều hộ vươn lên làm giàu từ nghề này. Trong những năm gần đây, cùng với phát triển bền vững ngành chăn nuôi, phong trào phát triển cây ăn quả được Đảng bộ, Chính quyền huyện tập trung chỉ đạo. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, trọng tâm là các loại cây ăn quả có thế mạnh như: bưởi da xanh, bơ sáp, dừa xiêm, chè, mít Thái,…; giai đoạn 2016-2020, huyện Hoài Ân đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Duyên hải Nam Trung bộ tiến hành quy hoạch đất đai và xây dựng mô hình phát triển cây bưởi da xanh theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) ở một số xã có điều kiện thích hợp, quyết tâm tạo ra một sản phẩm bưởi da xanh theo hướng hàng hóa lớn của địa phương; diện tích và sản lượng tăng nhanh, chất lượng sản phẩm được thị trường ưa chuộng, mang hương vị đặc trưng của “Bưởi Hoài Ân” – là một trong những sản phẩm OCOP của huyện được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận vào tháng 4/2019, mang lại giá trị hàng hóa và thu nhập ngày càng cao cho nhân dân, tạo nên một nghề mới cho lao động. Từ năm 2016 đến nay, sau khi có chủ trương đầu tư phát triển cây bưởi da xanh trên địa bàn huyện, nhiều hộ nông dân đã tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư trồng mới, tổng diện tích đến nay đạt được trên 320 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm trên 160 ha, sản lượng sản phẩm đạt trên 1.000 tấn/năm. Số hộ gia đình tham gia trồng bưởi da xanh 3.202 hộ, nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh. Để nghề trồng bưởi da xanh phát triển đúng định hướng, Chính quyền địa phương đã xây dựng 54 mô hình đối với hộ có quy mô trồng từ 0,5 ha trở lên với diện tích 42,8 ha được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, hệ thống tưới tiêu và quản lý chăm sóc theo quy trình GAP, đảm bảo chất lượng an toàn sinh học. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đạt diện tích 450 ha, trong đó có trên 350 ha cho sản phẩm, sản lượng hàng năm đạt trên 2.500 tấn. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, huyện Hoài Ân còn chú trọng đến mạng lưới thu mua và phân phối sản phẩm, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Thời gian qua đã có 2 Hợp tác xã cây ăn quả được thành lập gồm: Hợp tác xã Thanh niên và Hợp tác xã 19/4. Các Hợp tác xã này có trách nhiệm hướng dẫn bà con nông dân về các biện pháp kỹ thuật, cung ứng vật tư cho sản xuất, thu mua và phân phối sản phẩm “Bưởi Hoài Ân” đến cửa hàng “Nông nghiệp sạch” trên toàn quốc, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước - Nhà nông - Nhà kỹ thuật và Nhà phân phối, góp phần làm cho nghề trồng bưởi da xanh của huyện phát triển bền vững. Với chủ trương phát triển nhanh và bền vững ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện, nghề trồng bưởi da xanh của huyện Hoài Ân hứa hẹn sẽ tạo nên một hướng đi có nhiều tiềm năng, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu của nhân dân trên chính mảnh đất của mình./.
Tác giả bài viết: Thái Văn Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Hoài Ân