Nuôi hàu lồng bè - Một hướng đi mới cho nuôi trồng thủy sản Phù Cát

Thứ tư - 28/08/2024 15:01
Phù Cát là huyện có bờ biển trải dài gần 35 km, trong đó vùng biển khu vực đầm Đề Gi ở Cát Khánh có điều kiện tự nhiên thuận lợi, kín gió, tàu bè ít qua lại nên rất thích hợp cho hàu sinh trưởng và phát triển. Nhờ vậy, trong ba năm qua, mô hình nuôi hàu trong lồng bè trên vùng biển này ngày càng phát triển. Năm 2022, chỉ có một vài hộ nuôi tự phát, quy mô nhỏ nhưng đến nay đã có 14 hộ nuôi hàu lồng bè trên tổng diện tích khoảng gần 1 ha. Người có quy mô diện tích bè lớn nhất khoảng 1.800m2/6 bè, và thấp nhất 50m2/1 bè.
Thu hoạch hàu tại xã Cát Khánh huyện Phù Cát
Thu hoạch hàu tại xã Cát Khánh huyện Phù Cát
 Bè nuôi hàu thường làm bằng thân cây gỗ, ở Đề Gi bà con chủ yếu dùng tre già làm bè vì tre có tính bền vững cao khi ngâm trong nước biển. Bè có nhiều kích thước khác nhau, như 5mx10m, 9mx20m, 10mx30m… Phía dưới bè, bà con treo dây giá thể dài hơn 1m để hàu bám vào sinh sống.  Khi hàu lớn, người nuôi có thể tách ra, thả vào lồng nuôi để tránh bị thất thoát hàu do rơi xuống đáy biển.
So với các đối tượng nuôi thủy sản biển khác, chi phí nuôi hàu thấp hơn, kỹ thuật nuôi đơn giản và ít bị bệnh môi trường hơn. Nuôi hàu không cần cho ăn vì nguồn thức ăn của hàu chủ yếu là tảo đơn bào, chất hữu cơ phù du lơ lửng trong nước. Người nuôi chỉ cần vệ sinh khu vực nuôi, loại bỏ các loại ốc và giáp xác (cua, còng, cáy) thường ăn hàu giống, vớt rác, cạo, tẩy các loại rong ký sinh trên vỏ hàu.
          Hàu có giá trị kinh tế khá cao vì có nguồn vitamin D, kẽm, đồng và hàm lượng protein dồi dào, bên cạnh đó, thịt hàu được chế biến thành nhiều món ngon, được thị trường ưa chuộng nên việc tiêu thụ khá ổn định. Do chi phí nuôi thấp nên giá hàu nuôi cũng không cao so các loại hải sản khác. Hàu thương phẩm được phân thành 3 loại, loại 1 chủ yếu bán các nhà hàng có giá từ 25.000-30.000 đồng/kg, loại 2 chủ yếu bán chợ có giá từ 12.000-15.000 đồng/kg; loại 3 chủ yếu làm thức ăn cho tôm hùm có giá từ 5.000-6.000 đồng/kg. Riêng hàu nhân (hàu đã tách vỏ, chỉ lấy phần thịt) có giá từ 80.000-100.000 đồng/kg. Ngoài ra, người nuôi còn có thể tận dụng vỏ hàu bán cho các cơ sở sản xuất vôi.
Giống hàu nuôi hiện nay ở Đề Gi là hàu Thái Bình Dương mua từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Giá mỗi dây giá thể có cấy hàu giống dao động từ 100.000-170.000 đồng/dây tùy thời điểm.
Do điều kiện tự nhiên thuận lợi nên năng suất hàu ở Cát Khánh khá cao, bình quân 650 tấn/ha/năm. Tùy theo nhu cầu thị trường mà bà con chọn nuôi hàu loại nào để dễ tiêu thụ. Ở Đề Gi, người dân chủ yếu nuôi hàu tôm (hàu loại 3), do thời gian nuôi nhanh, ít tốn công chăm sóc, chỉ cần nuôi khoảng gần 3 tháng là có thể xuất bán, lại tránh được thất thoát khi biển động lớn.
Theo anh Nguyễn Tấn Đạt ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, người có kinh nghiệm nuôi hàu trên 3 năm chia sẻ: Chi phí đầu tư ban đầu cho một bè nuôi hàu 180m2 khoảng 15 triệu đồng được sử dụng 5 năm trong điều kiện bình thường, chi phí dây giá thể cấy hàu giống mỗi vụ 6 triệu. Mỗi năm anh sản xuất 4 vụ, thu được khoảng 4 tấn hàu loại 3 sau 3 tháng nuôi. Trung bình 1 bè anh Đạt thu khoảng 4 tấn hàu tôm, trừ chi phí giống và nhân công anh còn thu lời khoảng 12 triệu đồng/vụ. Mỗi năm sau 4 vụ nuôi, anh thu lãi khoảng 190 triệu đồng.
          Trong tình hình điều kiện nguồn lợi đánh bắt hải sản ngày một cạn kiệt, việc phát triển nuôi hàu không những mang lại lợi ích kinh tế cho người nuôi, mà còn góp phần tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, nhất là lao động nữ. Đặc biệt, thức ăn cung cấp cho hàu chủ yếu từ nguồn nước tự nhiên nên nuôi hàu góp phần cải thiện môi trường nước tại khu vực nuôi.
          Mô hình nuôi hàu lồng bè trên biển Đề Gi có tiềm năng phát triển lớn, tuy đã phát triển trong 3 năm qua ở Phù Cát, nhưng hầu hết người dân chưa có phương tiện bảo quản chất lượng thịt, công nghệ chế biến sau thu hoạch chưa cao, nên phần lớn sản phẩm hàu nuôi hiện nay chủ yếu dùng làm thức ăn nuôi tôm hùm, chỉ một phần hàu thịt được dùng làm thực phẩm nên giá trị đem lại chưa cao.
Để phát triển bền vững nghề nuôi hàu lồng bè theo xu hướng ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 08/01/2024 của UBND tỉnh Bình Định về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và thực hiện nuôi trồng thủy sản năm 2024. Đồng thời khuyến khích các hộ nuôi chuyển đổi từ hình thức nuôi bằng lồng bè gỗ truyền thống lạc hậu sang lồng bè bằng vật liệu mới (HDPE) quy mô nhỏ (60 - 180m3/lồng) chịu được sóng gió, đảm bảo an toàn và mỹ quan gắn với du lịch sinh thái./.
 

Tác giả bài viết: Bùi Thị Bích Y – TKV Chi cục Thống kê huyện Phù Cát

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Số 757/QĐ-CTK

Quyết định ban hành lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2024

lượt xem: 37 | lượt tải:14

Số 62/2024/NĐ-CP

Nghị định Số 62/2024/NĐ-CP

lượt xem: 54 | lượt tải:21

Số:1100/QĐ-CTK

Quyết định về việc ban hành Lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2024

lượt xem: 444 | lượt tải:93

Số:189 /KH-UBND

KH-Triển khai thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

lượt xem: 446 | lượt tải:252

Số: 4072/QĐ-UBND

Quyết định thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

lượt xem: 469 | lượt tải:127
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập186
  • Máy chủ tìm kiếm90
  • Khách viếng thăm96
  • Hôm nay6,232
  • Tháng hiện tại972,769
  • Tổng lượt truy cập48,712,416
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây