Chỉ số giá tiêu dùng và dịch vụ tháng 7/2020
Thứ bảy - 25/07/2020 15:58
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Bình Định tháng 7 năm 2020 tăng 0,24% so tháng trước, tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước, giảm 1,03% so với tháng 12 năm trước; bình quân 7 tháng đầu năm 2020 tăng 3,48% so với cùng kỳ.
CPI tháng 7/2020 so với tháng trước: Có 4 nhóm hàng có chỉ số giá tăng: Tăng cao nhất là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,95%, tháng 7 là tháng cao điểm của mùa du lịch, cộng thêm sự kiện VnExpress Marathon Quy Nhơn 2020 sẽ được khai mạc vào ngày 26/7/2020 tại Thành phố biển Quy Nhơn đã thu hút trên 6.000 vận động viên và du khách đến tham gia, cổ vũ kết hợp du lịch vào dịp này, nên nhu cầu đi lại, mua sắm phục vụ tiêu dùng của người dân và du khách tăng cao. Do đó, các dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà nghỉ đều tăng giá như: Du lịch trọn gói tăng 9,67%, khách sạn 10,68%, nhà khách tăng 9,67%; tiếp theo là nhóm giao thông tăng 3,87%, do giá xăng, dầu diezel tăng 9,01%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,16%, nước sinh hoạt tăng 0,56%, điện sinh hoạt tăng 0,87%, do nhu cầu tiêu dùng trong thời tiết nắng nóng nên sản lượng điện, nước tiêu thụ cao hơn tháng 6/2020. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,01%. Tháng này có 6 nhóm có chỉ số giá ổn định như: Nhóm Đồ uống và thuốc lá; May mặc, mũ nón, giày dép; Thiết bị và đồ dùng gia đình; Thuốc và dịch vụ y tế; Bưu chính viễn thông và nhóm Dịch vụ giáo dục. Riêng nhóm Hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm 0,65%, bởi giá thực phẩm giảm 1,17% (trong đó, thịt gia súc tươi sống giảm 3,03%, thịt gia cầm tươi sống giảm 3,38%, giá các mặt hàng thuỷ hải sản tươi sống giảm 2,7%...). Ngược lại, chỉ số nhóm lương thực tăng 0,67% so với tháng trước, tăng chủ yếu bởi giá gạo tăng 0,64%; Cùng với đó, giá các mặt hàng ngô và khoai lang tăng lần lượt: 5,28% và 3,71% do nhu cầu tiêu dùng tăng, trong khi nguồn cung 2 mặt hàng này giảm.
Giá vàng thế giới tăng đã ảnh hưởng đến giá vàng trong nước tăng theo. Vì vậy, giá vàng tại thị trường trong tỉnh bình quân 4.853 ngàn đồng/chỉ, tăng 2,12% so với tháng trước, tăng 24,42% so với cùng kỳ. Trái chiều với giá vàng, giá đô la Mỹ giảm 0,5% so tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ bình quân 7 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ tăng 3,48%
Các nhóm có chỉ số tăng: Cao nhất là nhóm Hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 9,32%; Giáo dục tăng 5,59%; Đồ uống và thuốc lá tăng 3,73%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,15%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,48%; May mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,41%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,95%. Các nhóm có chỉ số giảm: Nhóm Giao thông giảm 9,56%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 7,37%; nhóm Nhà ở , điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,69%. Riêng nhóm Bưu chính viễn thông có chỉ số ổn định.
Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tăng lần lượt là 24,42% và 0,3% so với cùng kỳ./.
Tác giả bài viết: Lê Thị Phượng Liên