Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tỉnh Bình Định tháng 11 năm 2019
Thứ tư - 27/11/2019 08:17
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Bình Định tháng 11 năm 2019 tăng 1,18% so tháng trước; tăng 3,53% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3,69% so với tháng 12 năm trước; bình quân 11 tháng đầu năm 2019 tăng 2,36% so với cùng kỳ.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 2 nhóm tăng giá so với tháng trước: Tăng cao nhất là nhóm Hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 3,64%; trong đó, chỉ số nhóm lương thực tăng 0,16%, tăng chủ yếu ở các mặt hàng gạo tăng 0,54%; chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 5,72%; trong đó, khu vực thànhthị tăng 5,57%, khu vực nông thôn tăng 5,81%. Nhìn chung Chỉ số giá thực phẩm tháng 11/2019 tăng mạnh do ảnh hưởng hai cơn bão liên tiếp tại tỉnh gây thiệt hại trên toàn tỉnh; nguồn cung các mặt hàng thực phẩm bị gián đoạn; bên cạnh đó, tình hình dịch tả lợn Châu Phi trong những tháng vừa qua khiến cho nguồn cung thịt heo ngày càng khan hiếm. Những ảnh hưởng này đã tác động làm tăng chỉ số giá các mặt hàng thực phẩm trên toàn tỉnh và tăng mạnh nhất là giá nhóm thịt heo. Tiếp theo là Nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,04%; tăng chủ yếu ở nhóm đồ dùng cá nhân tăng 0,04% do tác động tăng của nhóm hàng trang sức tăng 1,6%, và các mặt hàng về hỉ tăng 0,26% do tháng 11 vào mùa cưới hỏi. Các nhóm: Đồ uống và thuốc lá;May mặc, mũ nón và giày dép; Thiết bị và đồ dùng gia đình; Thuốc và dịch vụ y tế; Bưu chính viễn thông và Nhóm Giáo dụccó chỉ số giá ổn định so với tháng trước. Ngược lại, có 3 nhóm có chỉ số giảm: Giảm mạnh nhất là nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 3,72%; nguyên nhân chủ yếu do giá du lịch trọn gói giảm 2,34%; (giá phòng khách sạn giảm 7,69% do tháng 11 không phải là mùa du lịch nên các công ty lữ hành và các khách sạn có chương trình giảm giá tour và giá phòng để thu hút khách); tuy nhiên, một số mặt hàng tăng khá cao như hoa tươi tăng 4,93% do nhu cầu tiêu dùng tăng vì có ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11); Kế tiếp là nhóm Giao thông giảm 0,75%do chỉ số nhóm nhiên liệu giảm 1,55%, (chỉ số giá xăng dầu giảm 1,69% do chịu tác động của việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu ngày 31/10 và ngày 15/11/2019). Nhóm Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,44% chủ yếu do ảnh hưởng giá thép của thế giới giảm, thêm vào đó là tác động giảm giá dầu hoả 3%. Diễn biến giá cả thị trường của một số mặt hàng tiêu dùng chính: So với tháng 10/2019; các mặt hàng thịt gia súc tươi sống tăng 16,26%, trong đó, giá thịt bò tăng 0,58%, đặc biệt giá thịt heo tăng 24,16%, dẫn đến các mặt hàng thịt chế biến (thịt quay, giò chả, thịt hộp) tăng 5,4%; Các loại thực phẩm khác cũng tăng giá như: Thịt gia cầm tươi sống tăng 1,89% do giá thịt gà 1,89%, giá vịt tăng 1,92%; giá trứng các loại tăng 1,55% do nhu cầu phục vụ cho hiếu, hỷ vào những tháng cuối năm tăng cao. Các mặt hàng thuỷ sản tươi sống tăng 5,79%, trong đó cá tươi các loại tăng giá 6,84%, tôm tươi tăng 2,98% và các loại thuỷ sản khác như cua, mực tăng 0,76%. Nhóm mặt hàng rau tươi, khô và chế biến giá tăng 3,18% do sản lượng rau tại địa phương giảm vì bị thiệt hại do bão số 5 và số 6 trong cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2019: Bắp cải trắng tăng 2,71%, su hào tăng 0,79%, cà chua tăng 4,47%, khoai tây tăng 0,92%, rau muống tăng 3,87%, đỗ quả tươi tăng 4,66%, rau quả dạng củ tăng 3,75% và các loại rau ăn lá khác tăng 6,19%, rau chế biến các loại tăng 2,19%, rau gia vị tươi khô các loại tăng 0,57%. Cũng do ảnh thưởng tăng giá thực phẩm nguyên liệu đã kéo theo giá các mặt hàng ăn ngoài ở quán bình dân tăng 0,73%. Giá vàng tháng 11/2019 bình quân 4.173 ngàn đồng/chỉ, giảm 0,12% so với tháng trước. Giá đô la Mỹ tại địa phương bình quân tháng 11 năm 2019 là 23.263 VND/USD, giảm 0,01% so tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ bình quân 11 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ tăng 2,36%. Trong 11 nhóm hàng chính, có 10 nhóm có chỉ số tăng:Giáo dục tăng 6,38%; Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 3,49%;Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,68%; Hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 2,58%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,57%;Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,48%; Đồ uống và thuốc lá tăng 2,46%; May mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,43%;Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1%; Bưu chính viễn thông tăng 0,04%. Riêng nhóm Giao thông giảm 1,35%; Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tăng lần lượt là 7,48% và 1,23%. Nhìn chung chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng bình quân11 tháng đầu năm 2019 diễn biến trong tầm kiểm soát với mức tăng 2,36%. Để kiểm soát chỉ số giá trong những tháng cuối năm 2019 và các tháng đầu năm 2020, đặc biệt là trong tình hình giá cả thị trường biến động mạnh do giá thịt heo tăng cao vì nguồn cung ít mà nhu cầu tiêu thụ trong dịp lễ, Tết sẽ tăng cao trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành theo dõi diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, có những biện pháp kịp thời để ổn định cung cầu, giá cả; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, tăng giá đột biến các mặt hàng thiết yếu nhất là trong tình hình diễn biến thiên tai phức tạp vào những tháng cuối năm 2019./.