Tình hình kinh tế - xã hội Tháng 7 và 7 tháng 2024 tỉnh Bình Định

Thứ sáu - 09/08/2024 10:15
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7/2024 trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục giữ đà tăng trưởng so với tháng trước và so với cùng kỳ.
Ảnh KTXH 07 2024
Ảnh KTXH 07 2024
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
Tính đến tháng 7/2024, đàn trâu của tỉnh ước đạt 14.324 con, giảm 10,9% (-1.748 con) so với cùng kỳ. Đàn bò ước đạt 307.574 con, tăng 0,9% (+2.710 con); trong đó, bò sữa có 2.156 con, giảm 3,1% (-69 con) so với cùng kỳ. Đàn lợn (không kể lợn con chưa tách mẹ) ước đạt 621.231 con, giảm 7,1% (-47.750 con). Đàn gia cầm ước đạt 9.736,3 nghìn con, giảm 1,5% (-145,8 nghìn con) so với cùng kỳ; trong đó, đàn gà 8.259,8 nghìn con, giảm 0,2% (+14 nghìn con) so với cùng kỳ.
Bảy tháng năm 2024, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 844,6 tấn, giảm 11,2% (-106 tấn) so cùng kỳ; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 23.043,4 tấn, tăng 1% (+229,7 tấn); sản lượng sữa bò sản xuất ước đạt 6.968,6 tấn, giảm 1% (-70,9 tấn); sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 80.753,7 tấn, tăng 4,2% (+3.288,9 tấn); sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 17.037,2 tấn, tăng 3,2% (+535,5 tấn); trong đó, thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 14.819,8 tấn, tăng 4,9% (+697,7 tấn).
1.2. Lâm nghiệp
Công tác trồng rừng: Từ đầu năm đến nay đã trồng được 1.418 ha, tăng 26,4% (+296 ha) so với cùng kỳ.
Tổng số gỗ khai thác toàn tỉnh tháng 7/2024 đạt 81.356,3 m3, tăng 2,3% (+1.809,5 m3) so với cùng kỳ; tổng số gỗ khai thác 7 tháng năm 2024 ước đạt 613.177,3 m3, tăng 2,3% (+13.774,5 m3) so với cùng kỳ. Toàn bộ gỗ từ rừng trồng chủ yếu là gỗ làm nguyên liệu.
Tổng số củi khai thác tháng 7/2024 đạt 30.125,6 ster, tăng 0,1% (+36,2 ster) so với cùng kỳ, nâng tổng số củi khai thác trong 7 tháng năm 2024 ước đạt 273.140,6 ster, tăng 0,1% (+197,2 ster) so với cùng kỳ; lượng củi khai thác chủ yếu là các cành cây tận dụng từ nguồn khai thác gỗ, như: Bạch đàn, keo...
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy rừng, giảm 50% (-2 vụ) với diện tích bị cháy là 10,5 ha, giảm 11,8% (-1,4 ha) so với cùng kỳ năm trước; xảy ra 21 vụ phá rừng, bằng cùng kỳ năm ngoái; diện tích bị phá rừng 6,5 ha, tăng 18,5% (+1 ha) so với cùng kỳ.
1.3. Thủy sản
Tổng sản lượng thủy sản tháng 7 năm 2024 ước đạt 26.226,7 tấn, tăng 2,2% (+574 tấn) so cùng kỳ. Cộng dồn 7 tháng năm 2024 ước đạt 172.723,1 tấn, tăng 2,9% (+4.786,4 tấn) so với cùng kỳ.
- Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 165.176,8 tấn, tăng 2,8% (+4.460,7 tấn); trong đó, Sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 163.374,7 tấn, tăng 2,8% (+4.411,7 tấn), riêng khai thác cá ngừ đại dương sản lượng ước đạt 8.572 tấn, tăng 2,1% (+177,3 tấn).
- Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 7.546,4 tấn, tăng 4,5% (+325,8 tấn), riêng tôm thẻ chân trắng ước đạt 4.520,5 tấn, tăng 0,7% (+31,4 tấn).
2. Sản xuất công nghiệp
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2024 tăng 0,55%. Trong đó, ngành Công nghiệp khai khoáng tăng 1,96%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,16%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 8,02%; Hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 4,46%.
So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2024 tăng 11,05%. Trong đó, ngành Công nghiệp khai khoáng tăng 7,74%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,55%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 16,09%; Hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 18,11%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 tăng 9,8%, cao hơn 9,45 điểm phần trăm so với mức tăng của 7 tháng năm 2023 (+0,35%).
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 13,24%. Khai thác quặng kim loại giảm 42,61%, do nguồn nguyên liệu cạn kiệt, một số doanh nghiệp ngừng hoạt động chuyển sang đầu tư ở lĩnh vực khác. Hoạt động khai khoáng khác tăng cao 21,14% do hoạt động khai khoáng đất, đá phục vụ công trình cao tốc Bắc- Nam tăng cao; công trình lớn khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,5%. Trong đó, nhóm ngành tăng cao như: Chế biến thực phẩm; Sản xuất trang phục; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.
- Ngành chế biến thực phẩm tăng 9,35%, tác động chính từ Sản phẩm sữa tăng 132,37% do mở rộng nhà máy sữa Bình Định với vốn đầu tư 80 tỷ đồng, công suất 20 triệu lít/năm, đi vào hoạt động từ tháng 10/2023. Ngoài ra, thức ăn gia súc tăng 8,97%, thức ăn gia cầm tăng 4,56%. Tuy nhiên, nhóm sản phẩm thủy sản tiếp tục giảm: Phi lê cá giảm 14,46%, tôm đông lạnh giảm 15,36%.
- Nhóm ngành Sản xuất trang phục tăng 13,83% do xuất khẩu tăng mạnh. Sản xuất sản phẩm quần áo lót tăng 36,77%; áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy tăng 23,13%; quần tất, bít tất tăng 7,7%. Từ đầu năm đến nay, có 2 dự án mới đi vào hoạt động góp phần vào tăng trưởng chung ngành may mặc và tạo việc làm cho người dân địa phương.
 - Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 17,75%, chủ yếu do sản phẩm gạch ốp lát tăng rất mạnh, tăng 929,59%. Công ty cổ phần Takao Bình Định bắt đầu hoạt động sản xuất gạch ốp lát từ ngày 25/3/2024 với 01 dây chuyền, công suất 18.000 m2/ngày, từ ngày 18/4/2024 tăng thêm 01 dây chuyền công suất 22.000 m2/ngày góp phần lớn vào tốc độ tăng chung ngành khai khoáng phi kim loại. Các sản phẩm khác cũng đạt tốc độ tăng trưởng tốt như: Gạch không nung tăng 11,97% (do Công ty gạch tuy nen Bình Định chuyển sang sản xuất gạch không nung); bê tông tươi tăng 6,2%; đá ốp lát tăng 5,78%.
- Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 33,92%, trong đó, tăng cao nhất là sản phẩm tấm lợp kim loại tăng 108,25%, do Tập đoàn Hoa Sen tăng sản xuất, tích trữ sản lượng để giảm tồn kho nguyên liệu giá rẻ, khi nhập giá nguyên liệu chính là thép cuộn cán nóng rơi về vùng đáy 530 - 550 USD/tấn. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường tăng dần trở lại; ngoài ra, giá tôn mạ kẽm dự báo sẽ có xu hướng phục hồi trong nửa cuối năm 2024.
- Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,66% so cùng kỳ. Đây là một trong những ngành chủ lực có tốc độ tăng trưởng cao so cùng kỳ, góp phần vào tốc độ tăng chung toàn ngành công nghiệp.
Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,91%. Trong đó, điện sản xuất giảm 5,51% do thủy điện chiếm cơ cấu lớn 60% nhưng sản lượng giảm mạnh (các tháng đầu năm ít mưa, hồ cha tập trung tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp); chiều ngược lại, nắng nóng nền nhiệt cao tạo thuận lợi cho các nhà máy điện năng lượng mặt trời hoạt động, sản lượng tăng cao; tuy nhiên do chiếm cơ cấu chỉ 40% nên tổng chung điện sản xuất giảm so cùng kỳ. Thời tiết nắng nóng người dân sử dụng thiết bị điều hòa tăng mạnh và các doanh nghiệp tăng sản xuất, nên lượng điện tiêu thụ điện cao, do đó điện thương phẩm tăng 23,16%.
Chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,11%. Trong đó, khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 7,25%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 9,96%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 17,77% do UBND tỉnh bổ sung kinh phí để tăng tần suất và mở rộng phạm vi thu gom trên địa bàn tỉnh.
2.2. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Chỉ số sử dụng lao động tháng 7/2024 giảm 0,78% so với tháng trước, do  ngành Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế đang vào cuối mùa. Trong đó, ngành Khai khoáng tăng 1,93%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,9%, chủ yếu do ngành Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 4,22%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,16%; Hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,46%.
Tình hình sản xuất một số ngành lớn khởi sắc, do đó chỉ số sử dụng lao động tháng 7/2024 tăng 6,59% so cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 1,4%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,9%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 4,03%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,72%.
Theo loại hình doanh nghiệp, so với cùng kỳ chỉ số sử dụng lao động tháng 7/2024 của khối doanh nghiệp Nhà nước tăng 3,56%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 5,71%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất 13,11%.
3. Đầu tư
Bảy tháng năm 2024, tình hình thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tương đối ổn định, hầu hết các nguồn vốn đều đã được giải ngân. Các công trình hoàn thành đều đảm bảo chất lượng và đúng thời gian quy định.
Vốn đầu tư thực hiện nguồn vốn NSNN do địa phương quản lý
7 tháng năm 2024
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 7/2024 ước đạt 630,7 tỷ đồng, giảm 28,6% so tháng trước và giảm 40,8% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.230,7 tỷ đồng, giảm 12,5% so cùng kỳ năm 2023, đạt 49,1% kế hoạch năm, trong đó:
- Vốn Ngân sách cấp tỉnh đạt 2.354,5 tỷ đồng, giảm 14,7%, đạt 42%;
- Vốn Ngân sách cấp huyện đạt 1.473 tỷ đồng, giảm 9,2%, đạt 48,9%;
- Vốn Ngân sách cấp xã đạt 403,2 tỷ đồng, giảm 11%.
4. Hoạt động ngân hàng
Ước tính đến cuối tháng 7/2024, tổng số dư huy động của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt 109.500 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ và tăng 4,9% so với tháng 12/2023.
Tổng dư nợ cho vay tính đến 31/7/2023 ước đạt 107.980 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ và tăng 4,2% so với tháng 12/2023.
Ước đến 31/7/2024 nợ xấu trên địa bàn chiếm tỷ lệ 0,8% so với tổng dư nợ.
5. Thương mại, dịch vụ
5.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 năm 2024 ước đạt 11.017,3 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước, tăng 22,6% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ ước đạt 7.930,8 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 17,6% cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành hàng có mức tăng cao so cùng kỳ như: Vật phẩm, văn hóa giáo dục tăng 30%; ô tô các loại tăng 52,8%; xăng dầu tăng 35,4%; Đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 40,1%...
Tháng Bảy là thời điểm học sinh, giáo viên chính thức nghỉ hè, đây là tháng cao điểm của mùa du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức nhiều chương trình, sự kiện nổi bật để thu hút khách, kích cầu du lịch; tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, lễ hội nhằm quảng bá hình ảnh du lịch, quê hương con người Bình Định đến với các du khách, người dân trong và ngoài tỉnh; các khu, điểm du lịch đã chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động đặc sắc để mang lại các trải nghiệm hấp dẫn, mới mẻ cho du khách, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút du khách.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 7/2024 ước đạt 1.976,3 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng trước, tăng 39,2% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng 7/2024 ước đạt 137,5 tỷ đồng, tăng 10,5% so với tháng trước, tăng 30,9% so cùng kỳ. Ngành dịch vụ khác, tháng 7/2024 ước đạt 972,7 tỷ đồng, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 35,2% so cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa dịch vụ ước đạt 69.205,5 tỷ đồng, tăng 15,6%; trong đó, doanh thu thương nghiệp ước đạt 52.730,4 tỷ đồng, tăng 12%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 10.290,2 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 564,8 tỷ đồng, tăng 46,8%; ngành dịch vụ khác 7 tháng ước đạt 5.620,1 tỷ đồng, tăng 22,8% so cùng kỳ.
5.2. Xuất, nhập khẩu hàng hoá
a. Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2024 ước đạt 123 triệu USD, tăng 0,3% so tháng trước và tăng 1,5% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu để duy trì lực lượng lao động của đơn vị, cùng với các chính sách của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 982,6 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, đạt 59,6% kế hoạch năm 2024.
Trong đó, các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ như hạt điều xuất khẩu ước đạt 8,8 triệu USD, tăng 73,4%; hàng thủy sản ước đạt 71,1 triệu USD, tăng 6,2%; quặng và khoáng sản khác xuất khẩu ước đạt 20,2 triệu USD, tăng 9,8%; Sản phẩm từ chất dẻo (sản phẩm là bàn ghế nhựa giả mây) xuất khẩu ước đạt 133,6 triệu USD, tăng 47,8%; gỗ xuất khẩu ước đạt 223,4 triệu USD, tăng 33,2% so cùng kỳ, do nhu cầu nhập khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ của thị trường Trung Quốc và Nhật Bản tăng mạnh; Sản phẩm gỗ xuất khẩu ước đạt 264,4 triệu USD, tăng 17,9% so cùng kỳ (sản phẩm chế biến chủ yếu là đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn).
Hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ đang nỗ lực tìm kiếm, mở rộng đơn hàng. Đồng thời nắm bắt kịp thời mọi thông tin từ các thị trường, phát huy các phân khúc sản phẩm đang có thế mạnh để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng doanh thu. Tuy nhiên, ngành gỗ Bình Định vẫn còn lệ thuộc nguồn gỗ ngoại nhập đến gần 80% khiến bị động nguồn đầu vào.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu giảm so cùng kỳ như: gạo xuất khẩu ước đạt 26,7 triệu USD, giảm 23,0%; sắn và sản phẩm từ sắn ước đạt 46,5 triệu USD, giảm 8,1%; hàng dệt may xuất khẩu ước đạt 181 triệu USD, giảm 3,4%.
Xuất khẩu trực tiếp 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 972,2 triệu USD, chiếm 98,9% kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng được xuất khẩu đến 101 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục. Trong đó, Châu Á đạt 348,7 triệu USD, chiếm 35,9%; Châu Âu đạt 212,2 triệu USD, chiếm 21,8%; Châu Mỹ đạt 386,9 triệu USD, chiếm 39,8%.
b. Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7/2024 ước đạt 45,3 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 22,1% so cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 250,5 triệu USD, tăng 0,2% so cùng kỳ. Trong đó, nguyên liệu hạt điều ước đạt 2,3 triệu USD, tăng 33,4%; nguyên liệu dùng cho ngành dệt, may, giày dép ước đạt 64,6 triệu USD, tăng 67,5%; nguyên liệu sắt thép ước đạt 2,9 triệu USD, tăng 394,3%; gỗ nguyên liệu ước đạt 20,5 triệu USD, tăng 20,1%...
Tuy nhiên, một số mặt hàng nhập khẩu giảm sâu như: nguyên liệu dùng cho chế biến thủy sản ước đạt 43,6 triệu USD, giảm 15,5% (do thời tiết thuận lợi khai thác thủy, hải sản nên các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu trong nước để sản xuất, mặc khác các đơn vị còn lượng tồn kho nhiều nên hạn chế nhập khẩu); nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc ước đạt 16,5 triệu USD, giảm 33,7%; nguyên, phụ liệu dược phẩm ước đạt 11,4 triệu USD, giảm 7,7%; máy móc thiết bị dùng cho sản xuất ước đạt 28,5 triệu USD, giảm 6,3%; Phân bón ước đạt 11,9 triệu USD, giảm 44,3%.
5.3. Vận tải hành khách và hàng hóa
a. Vận tải hành khách
Tổng lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thuỷ tháng 7/2024 ước đạt 4.549,6 nghìn hành khách, luân chuyển 465,3 triệu HK.km. So tháng trước, vận chuyển tăng 6,2%, luân chuyển tăng 4,9%. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 22,6%, luân chuyển tăng 25,4%.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, tổng lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thuỷ ước đạt 28.328,8 nghìn hành khách, luân chuyển 2.898,1 triệu HK.km. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 20,3%, luân chuyển tăng 24,6%.
b. Vận tải hàng hoá
Tổng lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thuỷ tháng 7/2024 ước đạt 3.428,7 nghìn tấn, luân chuyển 485,2 triệu tấn.km. So tháng trước, vận chuyển tăng 7,9%, luân chuyển tăng 6,4%. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 15,8%, luân chuyển tăng 15,9%.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, tổng lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thuỷ ước đạt 20.313,2 nghìn tấn, luân chuyển 2.856,1 triệu tấn.km; so cùng kỳ, vận chuyển tăng 6,2%, luân chuyển tăng 6,0%.
Hàng hoá thông qua cảng biển tại địa phương trong tháng 7 năm 2024 ước đạt 1.260 nghìn TTQ, tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 12% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8.711 nghìn TTQ tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước.
6. Chỉ số giá
6.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Trong tháng 7, tỉnh Bình Định tổ chức chuỗi sự kiện du lịch hè năm 2024 gồm hàng loạt chương trình văn hóa, thể thao, thương mại sôi nổi và hấp dẫn; bên cạnh đó, từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng; Tuy nhiên, tình hình giá cả, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn khá ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Bình Định tháng 7 năm 2024 tăng 0,56% so tháng trước; tăng 3,41% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,05% so với tháng 12 năm trước; bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 2,81% so với cùng kỳ.
Trong mức tăng 0,56% của chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2024 so với tháng trước có 7/11 nhóm tăng giá so với tháng trước như: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,54%; nhóm giao thông tăng 1,47%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,71%; nhóm văn hóa, giải trí du lịch tăng 0,54%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,06%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; Có 04 nhóm chỉ số ổn định so với tháng trước là: nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục.
6.2. Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Giá vàng tại địa phương tháng 7 năm 2024 bình quân 7.308 ngàn đồng/chỉ, tăng 1,58% so với tháng trước; tăng 22,32% so với tháng 12/2023 và tăng 34,06% so với cùng kỳ; bình quân 7 tháng đầu năm 2024 tăng 25,98% so cùng kỳ.
Giá đô la Mỹ tại địa phương bình quân tháng 7 năm 2024 là 25.462 VND/USD, bằng tháng trước; tăng 4,19% so với tháng 12/2023 và tăng 6,91% so với cùng kỳ; bình quân 7 tháng đầu năm 2024 tăng 5,91% so cùng kỳ.
7. Một số vấn đề xã hội
7.1. Tình hình dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ
Phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát, xác minh và xử lý ổ dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh. Thành lập 01 tổ giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Lễ hội tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024. Trong tháng 7/2024, xảy ra 01 vụ ngộ độc 19 người mắc tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH GA Apparel tại huyện Phù Mỹ.
7.2. Về Giáo dục
Trong tháng 7/2024, Ngành Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Tổ chức xét tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 cho các trường THPT trên toàn tỉnh; Hoàn thành việc tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 và tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, lớp 9, lớp 12.
7.3. Về Văn hóa – Thể dục thể thao
Trong tháng 7/2024, tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều sự kiện quy mô lớn thu hút du khách và người dân địa phương tham gia như: Lễ hội tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024 diễn ra từ ngày 11-15/7; Hội thảo phát triển khai thác, chế biến và xúc tiến thương mại cá ngừ đại dương tỉnh Bình Định; Giới thiệu nghệ thuật ẩm thực cá ngừ đại dương gắn với Hội chợ ẩm thực “Món ngon từ biển” và Sản phẩm OCOP, Làng nghề tỉnh Bình Định; Biểu diễn nghệ thuật đường phố (hiện đại); Lễ hội ánh sáng chủ đề “Quy Nhơn - Ngọn hải đăng tỏa sáng”.
 Ngoài ra, trong tháng Bảy diễn ra nhiều hoạt động thể thao như: Giải vô địch Điền kinh các nhóm tuổi trẻ quốc gia năm 2024; Giải Bóng đá bãi biển Vô địch quốc gia năm 2024; Giải vô địch trẻ Kickboxing toàn quốc năm 2024; giải Taekwondo Quốc tế Hồng Bàng lần thứ 6 - năm 2024…
Tại các địa phương trong tỉnh cũng có nhiều hoạt động thể dục thể thao như: Giải bóng chuyền nữ viên chức, lao động TP Quy Nhơn, Giải bóng đá vô địch thị xã An Nhơn, giải bóng chuyền nam huyện An Lão…
7.4. Tai nạn giao thông
Trong tháng 7/2024 (từ ngày 15/6/2024 đến ngày 14/7/2024) trên địa bàn tỉnh xảy ra 44 vụ tai nạn giao thông, làm 24 người chết và 30 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Bảy tăng 29,4% (+10 vụ), số người chết tăng 140% (+14 người) và số người bị thương giảm 3,2% (-1 người). So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Bảy tăng 109,5% (+23 vụ), số người chết tăng 33,3% (+6 người) và số người bị thương tăng 200% (+20 người).
Trong tháng, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý 3.724 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền gần 6,5 tỷ đồng, tạm giữ 1.138 lượt phương tiện vi phạm, tước giấy phép lái xe có thời hạn 591 trường hợp.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 299 vụ tai nạn giao thông, làm 124 người chết và 244 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 7 tháng đầu năm 2024 tăng 48% (+97 vụ), số người chết giảm 12,7% (-18 người) và số người bị thương tăng 130,2%(+138 người). Bình quân 1 tháng trong 7 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 43 vụ tai nạn giao thông, làm 18 người chết và 35 người bị thương.
7.5. Tình hình vi phạm môi trường
Trong tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 05 vụ vi phạm môi trường, tăng 66,7% (+02 vụ) so với tháng trước, giảm 64,3% (-09 vụ) so với cùng kỳ năm trước; đã xử lý 07 vụ, tăng 75% (+03 vụ) so với tháng trước, giảm 50% (-07 vụ) so với cùng kỳ năm trước; đã xử phạt 127,9 triệu đồng, tăng 479,8% (+105,8 triệu đồng) so với tháng trước, giảm 54,6% (-153,9 triệu đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, đã phát hiện 31 vụ vi phạm môi trường, giảm 29,6% (-13 vụ) so với cùng kỳ năm trước; đã xử lý 33 vụ, giảm 23,3% (-10 vụ) so với cùng kỳ năm trước; đã xử phạt 596,3 triệu đồng, giảm 30,6% (-262,8 triệu đồng).
7.6. Tình hình thiên tai
Trong tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh Bình Định thời tiết thuận lợi không xảy ra thiệt hại thiên tai, bằng tháng trước, bằng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bình Định xảy ra 01 vụ thiên tai, ước thiệt hại 50,2 triệu đồng.
7.7. Tình hình khác
Trong tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra 02 vụ cháy (cháy 01 nhà xưởng và 01 vụ cháy nhà dân), nguyên nhân các vụ cháy đang được điều tra./.

 

Tác giả bài viết: Phạm Thị Chung Thuỷ

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Số 757/QĐ-CTK

Quyết định ban hành lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2024

lượt xem: 37 | lượt tải:14

Số 62/2024/NĐ-CP

Nghị định Số 62/2024/NĐ-CP

lượt xem: 54 | lượt tải:21

Số:1100/QĐ-CTK

Quyết định về việc ban hành Lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2024

lượt xem: 444 | lượt tải:93

Số:189 /KH-UBND

KH-Triển khai thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

lượt xem: 446 | lượt tải:252

Số: 4072/QĐ-UBND

Quyết định thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

lượt xem: 469 | lượt tải:127
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập195
  • Máy chủ tìm kiếm97
  • Khách viếng thăm98
  • Hôm nay5,843
  • Tháng hiện tại972,380
  • Tổng lượt truy cập48,712,027
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây