Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tỉnh Bình Định Tháng 10 năm 2021
Thứ ba - 26/10/2021 08:25
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Bình Định tháng 10/2021 tăng 0,07% so tháng trước, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,59% so với tháng 12 năm trước; bình quân 10 tháng đầu năm 2021 tăng 3,34% so với cùng kỳ.
CPI tháng 10/2021 so với tháng trước: Có 7/11 nhóm chỉ số giá tăng so với tháng trước: Tăng mạnh nhất là nhóm giao thông tăng 1,46%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,83%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,57%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,34%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,11%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,08%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,01%. Chiều ngược lại, có 2 nhóm giảm là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,57%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,01%. Riêng 2 nhóm: thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục có chỉ số ổn định so với tháng trước. Một số nguyên nhân chỉ số giá tháng 10/2021 tăng so với tháng 9/2021: Ngày 11/10/2021, Liên Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, làm cho nhóm nhiên liệu tăng 5,02%; đẩy chỉ số nhóm giao thông tăng 1,46%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,83% do giá mặt hàng thiết bị đồ dùng trong gia đình tăng 1,35%,cụ thể: máy điều hòa nhiệt độ tăng 2,17%, tủ lạnh tăng 2,76%, thiết bị khác tăng 0,42%; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,57%; Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,34%. Tăng chủ yếu ở mặt hàng gas (tăng 9,78%), dầu hỏa (tăng 8,01%) do có sự điều chỉnh giá đầu tháng 10/2021. Giá nhiên liệu trong tháng 10/2021 là mức điều chỉnh tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua trên thị trường. Thực hiện Công văn số 5599/UBND-KT ngày 9 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 5 cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Định; thêm vào đó, tháng này thời tiết mưa nhiều mức tiêu thụ nước và điện sinh hoạt giảm 0,77%, giảm 0,41%. Nhóm hàng lương thực tăng 0,76% so với tháng trước, chủ yếu ở mặt hàng gạo tăng 0,94%, ngô tăng 2,56%, khoai lang tăng 3,63% và sắn tăng 2,62%, nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng tăng, trong khi nguồn cung các mặt hàng này giảm. Nhóm thực phẩm giảm 1,05% so với tháng trước do giá một số mặt hàng biến động giảm như:Thịt gia súc tươi sống giảm 2,63%; giảm mạnh nhất là thịt lợn giảm 4,02%, giá thịt bò giảm 0,83%, thịt gia cầm giảm 1,22%, do giá gà giảm 1,56%; thịt chế biến giảm 1,97% ảnh hưởng bởi giá thịt lợn giảm nên thịt quay, giò, chả giảm 2,11%, giá trứng các loại giảm 3,06%, thủy hải sản tươi sống giảm 1,51%. Tuy thời tiết mưa, một số sản phẩm nông sản tại địa phương vào vụ thu hoạch, nhưng khâu tiêu thụ gặp khó khăn, lượng tiêu thụ giảm, giá một số mặt hàng: bắp cải, cà chua, đỗ quả tươi, rau dạng quả, củ, lần lượt giảm 7,61%, 4,42%, 6%, 2,24%. Các mặt hàng quả tươi, chế biến giảm 1,16%; các loại quả có múi giảm 3,87% do vào mùa thu hoạch; Duy nhất, chỉ có xoài hết mùa nên giá cao trở lại, tăng 1,35%. Giá vàng thị trường trong tỉnh bình quân 5.155 ngàn đồng/chỉ, giảm 0,18% so tháng trước. Giá đô la Mỹ bình quân là 22.860 VND/USD, giảm 0,04%. Bình quân 10 tháng năm 2021, Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ bình quân 10 tháng đầu năm 2021 tăng 3,34% so với cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng chính, có 9 nhóm có chỉ số tăng lần lượt như sau: Nhóm Giao thông tăng 8,32%; Hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 5,41%; Giáo dục tăng 4,3%; May mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,44%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,14%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,62%; nhóm Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,65%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01%. Ngược lại, nhóm Bưu chính viễn thông giảm 1,49%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,3%. Chỉ số giá vàng tăng 9,21% và đô la Mỹ giảm 1,13% so với cùng kỳ./.