Tuy ngành chăn nuôi lợn phát triển nhanh và có qui mô lớn, nhưng sự phát triển mang nặng tính tự phát, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi không đồng đều, sản phẩm đầu ra thiếu đồng nhất, không kiểm soát được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh, chưa xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là ngày càng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn nông thôn…điều đó thể hiện sự phát triển thiếu bền vững của một ngành sản xuất có qui mô lớn ở địa phương.
Thực trạng trên, cộng với sự khủng hoảng thừa ngành chăn nuôi lợn năm 2017, giá cả xuống thấp kỷ lục, người chăn nuôi thua lỗ, tổng đàn lợn của huyện giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, kéo theo cả nền kinh tế của huyện suy giảm, các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020 có nguy cơ không đạt.
Trước tình hình trên, thực hiện Đề án “tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện giai đoạn 2016-2020”, Lãnh đạo địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách để ổn định phát triển kinh tế, trong đó xác định mục tiêu đối với ngành chăn nuôi lợn là: phát triển chăn nuôi lợn theo hướng tập trung và truy xuất nguồn gốc trong liên kết tiêu thụ. Đây là một hướng đi nhằm tập trung phát triển chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, giải quyết được nhiều vấn đề bất cập, tồn tại, thiếu bền vững trong giai đoạn trước đây. Nội dung của chủ trương này là: Thực hiện Kế hoạch triển khai việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn trên địa bàn tỉnh, cung ứng cho thị trường Đà Nẵng. Nhiệm vụ cơ bản nhất là: Triển khai việc chứng nhận các trang trại, gia trại chăn nuôi, thu gom lợn đủ điều kiện an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm tại huyện Hoài Ân, để cung ứng thịt vào thị trường Đà Nẵng theo thỏa thuận hợp tác về sản xuất-cung ứng thịt an toàn thực phẩm giữa Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định và Sở Nông nghiệp và PTNT Đà Nẵng. Mục tiêu đến năm 2020 có từ 90% trở lên các trang trại chăn nuôi được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; 80% nông hộ chăn nuôi cam kết “An toàn thực phẩm”; nhân rộng các chuỗi cung ứng thịt an toàn cho thị trường Đà Nẵng và các thị trường tiềm năng khác. Nội dung trên đã được Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Đình và Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Đà Nẵng ký Bản Thỏa Thuận Hợp Tác Về Sản Xuất – Cung Ứng Thịt An Toàn Thực Phẩm vào ngày 29/9/2017 tại Bình Định.
Thực hiện chủ trương này, lãnh đạo và các ngành chức năng ở huyện đã tích cực xúc tiến thực hiện Kế hoạch và Bản thỏa thuận đã ký kết trên. Từ tháng 10/2017 đến nay, phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trạm thú y huyện, đã tập huấn cho hơn 300 cơ sở chăn nuôi có qui mô lớn (gồm trang trại và gia trại) về chăn nuôi lợn theo hướng an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh; tiến hành lấy mẫu kiểm dịch về an toàn dịch bệnh để cấp chứng nhận trang trại, gia trại an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm, đủ tiêu chuẩn để cung ứng thịt cho thị trường Đà Nẵng. Tập huấn cho hơn 60 cơ sở thu mua lợn trên địa bàn huyện về qui trình thu mua và kiểm soát dịch bệnh, nhằm đáp ứng khâu trung gian trong mối liên kết giữa các trang trại, gia trại của huyện với các lò mỗ ở thành phố Đà Nẵng. Về phía Sở nông nghiệp và PTNT thành phố Đà nẵng đã tiến hành các bước xúc tiến thương mại, hướng dẫn các lò mỗ cung ứng thịt lợn cho thành phố, tiến hành các bước tham vấn với các cơ quan chuyên môn và các trang trai, gia trại chăn nuôi lợn tại huyện Hoài Ân, thông qua đó thiết lập các qui định và cơ chế hợp tác, nhằm tiến tới xây dựng chuỗi liên kết theo kế hoạch đề ra.
Việc xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất – cung ứng và tiêu thụ thịt lợn của hai địa phương, đã mỡ ra một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện Hoài Ân, tiến tới thực hiện một qui trình sản xuất đạt hiệu quả và mang tính bền vững cao, được nhân dân, nhất là các cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện đồng tình hưởng ứng. Cũng thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết này, việc quản lý, định hướng phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện theo hướng tập trung và đồng bộ hơn, kiểm soát được dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm, tiến tới việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ thịt của người tiêu dùng; quan trọng hơn nữa là thông qua đó, các ngành chức năng kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường, tiến tới xây dựng một ngành chăn nuôi “sạch” và phát triển ổn định – điều mà tất cả các mô hình phát triển sản xuất đều hướng tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn