Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Bình Định tháng 12/2022 tăng 0,28% so tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước, bình quân năm 2022 tăng 2,84% so với cùng kỳ.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính của tháng 12/2022, có 7 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước: Tăng mạnh nhất là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,32%; kế tiếp là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,85%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,79%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,72%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,57%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21%; tăng thấp nhất nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%. Ngược lại, nhóm giao thông giảm 1,98%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,04%. Riêng 2 nhóm: thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục có chỉ số ổn định so với tháng trước. Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa tháng 12/2022 so với tháng 11/2022: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,32% chủ yếu giá nhóm văn hóa tăng 2,07%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,85% so với tháng trước, do giá lương thực tăng 1,45%; trong đó, mặt hàng gạo tẻ ngon tăng 0,75%, gạo tẻ thường tăng 1,85%, gạo nếp tăng 0,82%. Cùng với đó, giá các mặt hàng bột mì, ngô và khoai lang tăng lần lượt: 1,07%, 0,83% và 0,84% do nhu cầu tiêu dùng tăng, trong khi nguồn cung các mặt hàng này tại địa phương giảm. Đồng thời, mặt hàng lương thực chế biến như: miến và bánh đa tăng lần lượt: 1,33%; 2,34%, do thời tiết mưa kéo dài làm cho sản xuất bị gián đoạn, giảm sản lượng cung cấp cho thị trường. Nhóm thực phẩm tăng 1,21% so với tháng trước, biến động tăng bởi một số mặt hàng các cơ sở mua sản xuất chuẩn bị Tết, giá tăng như: thịt gia súc tươi sống tăng 0,5%, thịt gia cầm tăng 2,48%, trứng các loại tăng 0,22%. Tháng này, thời tiết mưa to trên địa bàn tỉnh, sản lượng đánh bắt thủy giảm, giá thủy sản tươi sống tăng như: cá quả; cá thu khúc giữa; tôm rảo, tôm nước ngọt 40-45 con/kg; mực tươi;… lần lượt tăng: 3,45%; 4,81%; 3,6%; 1,95%; 3,72%; Các loại đậu và hạt tăng 0,95%; trong đó, lạc và vừng tăng 2,03%; đậu hạt các loại tăng 1,34%. Bên cạnh đó, một số diện tích rau các loại bị ngập úng, sản lượng thu hoạch giảm, giá tăng cao như: su hào, rau muống, đỗ quả tươi, rau dạng quả, củ, rau tươi khác....lần lượt tăng 0,2%; 5,85%; 3,88%; 1,63%; 1,51%. Ngược lại, mặt hàng quả có múi giảm 1,99%. Nhóm sữa, bơ, phô mai tăng 0,76%, chủ yếu mặt hàng sữa bột người lớn tăng 2,03%, do giá nhập khẩu nguyên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,79%; trong đó, đồ uống không cồn tăng 0,63%; tăng cao nhất là nước ngọt coca tăng 2,9%; rượu bia tăng 1,94% do thời điểm cận Tết Nguyên đán Quý Mão sắp đến nên giá một số mặt hàng có xu hướng tăng theo nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (+0,72%), tháng này là tháng 11 âm lịch, theo phong tục tập quán của người Việt, tháng cận Tết nhu cầu may mặc quần, áo, giày dép, mũ nón tăng mạnh; các mặt hàng, vải và các loại quần áo may sẵn lần lượt tăng: 1,83%; 0,61%; may mặc khác và mũ nón tăng 0,3%, ảnh hưởng chỉ số lớn của nhóm là dịch vụ may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,08% (chủ yếu bởi giá tiền công may gia công quần áo tăng 2,24%). Giá vàng thị trường trong tỉnh bình quân 5.320 ngàn đồng/chỉ, giảm 0,23% so tháng trước.Giá đô la Mỹ tại địa phương bình quân tháng 12 năm 2022 là 24.105 VND/USD, giảm 3,06% so tháng trước. Diễn biến Chỉ số tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ quý 4/2022 tăng 2,74% so với cùng quý năm trước. Trong đó, có 10 nhóm chỉ số tăng; tăng cao nhất là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 4,2%; kế tiếp là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,84%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 3,14%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,94%; nhóm giáo dục tăng 2,9%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,6%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 2,03%; Giao thông tăng 1,85%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 1,15%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,84%. Riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế ổn định. Chỉ số giá vàng tăng 1,18%, giá đô la Mỹ tăng 6,68% so với cùng kỳ. Diễn biến Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ bình quân năm 2022 tăng 2,84% so với cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng chính, có 10 nhóm có chỉ số tăng lần lượt như sau: Nhóm Giao thông tăng 11,01%; Đồ uống và thuốc lá tăng 4,44%; May mặc, mũ nón và giày dép tăng 3,25%; Hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 3,09%; Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 2,4%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,37%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,06%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,59%; Bưu chính viễn thông tăng 0,28%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%. Ngược lại, nhóm giáo dục giảm 1,29%. Chỉ số giá vàng tăng 3,16% và đô la Mỹ tăng 1,97% so với cùng kỳ./.