Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tỉnh Bình Định tháng 11/2022
Chủ nhật - 27/11/2022 16:39
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Bình Định tháng 11/2022 tăng 0,42% so tháng trước, tăng 2,46% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,69% so với tháng 12 năm trước; bình quân 11 tháng đầu năm 2022 tăng 2,83% so với cùng kỳ.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính của tháng 11/2022, có 8 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước: Tăng mạnh nhất là nhóm giao thông tăng 1,91%; kế tiếp là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,36%;nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,28%;nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,25%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,19%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%. Riêng 3 nhóm: thuốc và dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục có chỉ số ổn định so với tháng trước. Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng và hàng hóa tháng 11/2022 so với tháng 10/2022: Nhóm giao thông tăng 1,91%, do Liên Bộ Tài chính và Công Thương điều chỉnh tăng giá xăng ngày 21/11/2021, đã ảnh hưởng đến nhóm nhiên liệu tăng 5,18%, trong đó: xăng tăng 5,8%; dầu diezel tăng 5,25%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55% so với tháng trước, nhóm lương thực tăng 2,08% so với tháng trước, tăng chủ yếu bởi giá gạo tăng 3,47%; trong đó, mặt hàng gạo tẻ ngon tăng 1,91%, gạo tẻ thường tăng 3,63%. Nguyên nhân chủ yếu ở mặt hàng gạo tẻ địa phương đã tăng ở tháng trước và có xu hướng tiếp tục tăng trong tháng 11 và tháng 12 (là tháng giáp Tết), do nguồn cung gạo ở địa phương giảm, phải nhập gạo tỉnh khác về, giá cao hơn do giá cước vận chuyển tăng. Cùng với đó, giá các mặt hàng ngô, khoai lang và sắn tăng lần lượt: 0,25%, 2,47% và 0,15% do nhu cầu tiêu dùng tăng, trong khi nguồn cung các mặt hàng này giảm. Nhóm thực phẩm tăng 0,5% so với tháng trước do giá một số mặt hàng biến động như sau:Thịt gia súc tươi sống tăng 0,13%; trong thời gian vừa qua giá thịt lợn hơi giảm (hiện nay ở mức 45.000đ/kg đến 48.000đ/kg), dù vậy nhu cầu tiêu thụ lớn, nguồn cung bị hạn chế do việc tái đàn chậm, do vậy giá thịt lợn tăng nhẹ 0,4%. Ngược lại, giá thịt bò giảm 0,11%, do tình hình dịch viêm da nổi cục vẫn còn ảnh hưởng đến nguồn cung thịt bò giảm xuống. Giá thịt gia cầm tăng 0,42% chủ yếu do giá gia cầm khác (thịt vịt) tăng 4,19%; đồng thời giá trứng các loại tăng 0,83%, trứng gà ta từ 34.000 - 35.000 đồng/chục tăng lên 37.000 - 38.000 đồng/chục; kéo theo trứng vịt cũng tăng từ 32.000 – 34.000 đồng/chục tăng lên 36.000 - 38.000 đồng/chục tùy theo kích cỡ. Thủy sản tươi sống tăng 0,85% như: cá chép; cá thu khúc giữa; tôm rảo, tôm nước ngọt 40-45 con/kg; mực tươi;… lần lượt tăng: 0,25%; 2,48%; 2,45%; 3,11%. Các loại đậu và hạt tăng 0,73%; trong đó, lạc và vừng tăng 1,39%; đậu hạt các loại tăng 0,34%; vì tại địa phương hết vụ thu hoạch và thời tiết đang vào mùa mưa, nên giá tăng.Tháng này, thời tiết mưa to trên địa bàn tỉnh, rau các loại bị ngập úng, sản lượng thu hoạch giảm, giá tăng cao như: bắp cải, cà chua, su hào, rau muống, đỗ quả tươi, rau dạng quả, củ, rau tươi khác....lần lượt tăng 1,66%, 4,53%, 2,37%, 5,36%, 0,84%, 1,1%, 1,45%. Ngược lại, mặt hàng quả có múi giảm 0,94%, vì mùa mưa lượng tiêu thụ thấp hơn.Nhóm sữa, bơ, phô mai tăng 0,11%, chủ yếu mặt hàng sữa bột người lớn tăng 0,98%, do giá nhập khẩu nguyên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,24%; trong đó, nhóm hàng ăn ngoài gia đình tăng 0,15%, do mặt hàng lương thự,c thực phẩm tăng giá, ảnh hưởng đến giá mặt hàng ăn uống ngoài gia đình; Kéo theo nhóm đồ ăn nhanh mang đi cũng tăng 0,92% (bánh pizza tăng 4,32%). Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,36%. Tháng này là tháng 10 âm lịch, dịch vụ cưới hỏi nhiều; thêm vào đó, bắt đầu vào mùa đông, vải quần áo tăng như: vải các loại tăng 2,3%, quần áo may sẵn tăng 0,22%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,28% chủ yếu văn hóa tăng 0,44%. Vào mùa Wold Cup nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử tăng như: tivi màu 1,29%; đầu DVD tăng 2,22%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,25%; trong đó, rượu các loại tăng 1,84%, bia các loại tăng 0,51% do giá cước vận chuyển tăng và nguyên liệu sản xuất tăng. Giá vàng thị trường trong tỉnh bình quân 5.332 ngàn đồng/chỉ, tăng 1,17% so tháng trước.Giá đô la Mỹ tại địa phương bình quân là 24.866 VND/USD, tăng 2,48% so tháng trước. Diễn biến Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 2,83% so với cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng chính, có 10 nhóm có chỉ số tăng lần lượt như sau: Nhóm Giao thông tăng 11,95%; Đồ uống và thuốc lá tăng 4,48%; May mặc, mũ nón và giày dép tăng 3,25%; Hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 3,05%; Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 2,46%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,36%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,93%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,57%; Bưu chính viễn thông tăng 0,17%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%. Ngược lại, nhóm giáo dục giảm 2,17%. Chỉ số giá vàng tăng 3,36% và đô la Mỹ tăng 1,71% so với cùng kỳ./.