Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 tỉnh Bình Định

Thứ bảy - 05/10/2024 16:05
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm 2024 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 46.940,8 tỷ đồng, tăng trưởng 7,53% so với cùng kỳ, tăng hơn mức tăng cùng kỳ 9 tháng năm 2023 là 0,5%.
Ảnh KTXH 9 tháng 2024
Ảnh KTXH 9 tháng 2024
     Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đn năm 2024 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 46.940,8 tỷ đồng, tăng trưởng 7,53% so với cùng kỳ (9 tháng 2021 tăng 3,73%, 9 tháng 2022 tăng 7,98%, 9 tháng 2023 tăng 7,03%). Theo số công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GRDP Quý I/2024 tăng 6,20%, quý II/2024 tăng 8,50%,6 tháng đn 2024 tăng 7,47%, Quý III/2024 tăng 7,65% so với cùng kỳ.
Thứ hạng tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng 2024 của tỉnh vị thứ 25/63, 5/14, 1/5 tỉnh kinh tế trọng điểm miền Trung (Cùng kỳ 9 tháng 2023 thứ hạng 21/63, 7/14, 1/5).
     Cơ cấu nền kinh tế: GRDP theo giá hiện hành 95.586.378 triệu đồng, thứ hạng 22/63, 5/14, 3/5. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 27,06%, khu vực 2 chiếm 30,38% (công nghiệp chiếm 22,39%), khu vực 3 chiếm 38,49%; thuế SP trừ trợ cấp SP chiếm 4,07%. (Cùng kỳ 9 tháng 2023, KV1 chiếm 28,2%, KV2 chiếm 29,85% (công nghiệp chiếm 21,66%), KV 3 chiếm 37,9%; thuế SP trừ trợc cấp SP chiếm 4,05%).
Cơ cấu kinh tế 9 tháng 2024 của tỉnh thứ hạng 22/63, 5/14, 3/5 (sau Đà Nẵng và Quảng Ngãi).

1. Hoạt động ngân hàng
- Hoạt động huy động vốn: Số dư huy động tại địa phương ước đến 30/9/2024109.900 tỷ đồng, tăng 5,3% so với 31/12/2023 và tăng 9,6% so với cùng kỳ.       
- Hoạt động tín dụng: ­­Tổng dư nợ cho vay ước đến 30/9/2024108.000 tỷ đồng, tăng 4,2% so với 31/12/2023 và tăng 8,8% so với cùng kỳ.
- Nợ xấu ước đến 30/9/2024 chiếm tỷ lệ khoảng 0,8%/tổng dư nợ.  
2. Giá cả
Chín tháng năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Xung đột quân sự Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; nhiều quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; tổng cầu suy yếu; các nền kinh tế lớn đối mặt với tăng trưởng thấp; thị trường tài chính tiền tệ, bất động sản tại một số nước tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi, hạn hán kéo dài trên phạm vi rộng, bão lũ, thiên tai ở các quốc gia làm cho sản xuất lương thực mất cân đối. Lạm phát toàn cầu từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần sau thời gian các nước đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cùng với giá năng lượng giảm. Bão số 3 đổ bộ trong tháng 9, tỉnh Bình Định không bị ảnh hưởng trực tiếp nên giá cả không biến động nhiều, thị trường các mặt hàng phục vụ sản xuất không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm.
2.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
So với tháng trước,5/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá, đó: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,59%; nhóm nhà ở, điện nước chất đốt và VLXD tăng 0,30%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%. Duy nhất có 01 nhóm giảm: nhóm giao thông giảm 2,64% do giá xăng, dầu giảm. Có 05/11 nhóm chỉ số ổn định so với tháng trước là: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục và nhóm văn hóa, giải trí du lịch. Nhóm giáo dục: Tháng 9 đã bắt đầu vào năm học mới 2024-2025; tuy nhiên, giá cả sách giáo khoa, đồ dùng học tập và dịch vụ học phí vẫn ổn định.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 2,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 10 nhóm chỉ số tăng; tăng cao nhất là nhóm giáo dục tăng 10,56%; Kế tiếp là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,09%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,31%; Nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 2,25%; Nhóm giao thông tăng 2,23%; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,82%; Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 1,68%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,50%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,16%; Tăng thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%. Ngược lại, có 01 nhóm giảm là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,43%.
2.2. Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Tháng 09 năm 2024, giá vàng thế giới tăng đã ảnh hưởng đến giá vàng trong nước tăng. Giá vàng tại thị trường trong tỉnh bình quân 7.627 ngàn đồng/chỉ, tăng 2,11% so tháng trước; tăng 27,65% so với tháng 12/2023 và tăng 37,5% so với cùng kỳ; bình quân quý III/2024 tăng 36,01% so cùng kỳ; bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 28,35% so cùng kỳ.
Giá đô la Mỹ tại địa phương bình quân tháng 9 năm 2024 24.780 VND/USD, giảm 1,91% so tháng trước; tăng 1,4% so với tháng 12/2023 và tăng 1,97% so với cùng kỳ; bình quân quý III/2024 tăng 4,84% so cùng kỳ; bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 5,44% so cùng kỳ.
3. Đầu tư và xây dựng
3.1. Đầu tư
Tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Định 9 tháng năm 2024 ước đạt 33.690,4 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
- Vốn Nhà nước trên địa bàn ước đạt 11.272,4 tỷ đồng, chiếm 33,5%, giảm 3,2%. Trong đó, Vốn Nhà nước Trung ương quản lý ước đạt 3.998,6 tỷ đồng, chiếm 11,9%, tăng 10,5%; vốn Nhà nước địa phương quản lý ước đạt 7.273,8 tỷ đồng, chiếm 21,6%, giảm 9,4%;
- Vốn ngoài Nhà nước ước đạt 21.324,5 tỷ đồng, chiếm 63,3%, tăng 15,4%. Trong đó, Vốn của tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước ước đạt 11.233,4 tỷ đồng, chiếm 33,3%, tăng 25%; vốn đầu tư của dân cư ước đạt 10.091,1 tỷ đồng, chiếm 30%, tăng 6,2%;
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1.093,5 tỷ đồng, chiếm 3,2%, tăng 1,5%.
Theo khoản mục đầu tư, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 26.871,2 tỷ đồng, chiếm 79,8%, tăng 8,4%; vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản ước đạt 3.929,9 tỷ đồng, chiếm 11,7%, tăng 5,1%; vốn đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản cố định ước đạt 1.006,2 tỷ đồng, chiếm 3%, giảm 1,1%; đầu tư bổ sung vốn lưu động ước đạt 1.172,6 tỷ đồng, chiếm 3,5%, tăng 7,4% và vốn đầu tư khác ước đạt 710,5 tỷ đồng, chiếm 2%, tăng 23,1% so với cùng kỳ.
Riêng nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 9 tháng năm 2024 ước đạt 5.811,8 tỷ đồng, đạt 62,8% kế hoạch năm, giảm 8,1% so cùng kỳ.
3.2. Xây dựng
Giao thông là lĩnh vực đi trước mở đường, là bệ phóng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Việc đầu tư kết nối hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ tỉnh đề ra. Thời gian tới tỉnh Bình Định sẽ hoàn chỉnh tuyến đường ven biển, mở rộng quốc lộ 1A, hình thành đường cao tốc Bắc – Nam. Như vậy sẽ hoàn chỉnh được toàn bộ hệ thống giao thông kết nối giữa các vùng trong tỉnh và giữa tỉnh với các tỉnh lân cận, mở ra cho Bình Định cơ hội phát triển mới.
Tiến độ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh đang được đẩy nhanh với khối lượng rất lớn, ước tính đến cuối tháng 9 năm 2024 đạt khoảng 7.277 tỷ đồng. Phấn đấu sẽ hoàn thành vào quý 3 năm 2025, sớm hơn 3 tháng so với dự tính ban đầu.
Dự án tuyến đường cao tốc Bắc – Nam là dự án lớn qua địa bàn tỉnh. Đồng thời cũng còn có nhiều dự án giao thông trọng điểm nhóm A, B khác đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
4.1. Tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp
Tính đến ngày 20/9/2024, toàn tỉnh có 861 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,2% so cùng kỳ; số vốn đăng ký đạt 7.638,3 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; vốn bình quân một doanh nghiệp đạt 8,9 tỷ đồng. Có 331 doanh nghiệp quay trở lại thị trường.
Tuy nhiên, một số ngành còn gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao, nhiều doanh nghiệp nguồn tài chính không đảm bảo, sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa trong và ngoài nước, do đó trên địa bàn tỉnh đã có 68 doanh nghiệp giải thể và 547 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.
4.2. Xu hướng sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Quý III/2024 ổn định so với Quý II/2024. Đánh giá chung về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Quý III/2024 so với quý trước, có 32,08% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khả quan hơn; 31,13% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn tập trung vào các nhóm ngành: Chế biến thực phẩm; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất...; còn lại số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định chiếm tỷ lệ 36,79%. Dự kiến Quý IV/2024 so với Quý III/2024 tình hình kinh doanh sẽ tích cực hơn, có 40,57% số doanh nghiệp cho rằng xu hướng sẽ tốt lên; 20,75% số doanh nghiệp dự báo kém đi và 38,68% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định, chỉ số cân bằng đạt 19,82%.
4.3. Xu hướng sản xuất của doanh nghiêp xây dựng
Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất ngành xây dựng, các doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất của quý III năm 2024 thuận lợi hơn so với quý II năm 2024, chiếm 39,4%. Doanh nghiệp nhận định tình hình khó khăn hơn chiếm 22,7% và doanh nghiệp nhận định tình hình không đổi là 37,9%.
Trong quý tiếp theo, có 28,8% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất của các doanh nghiệp xây dựng sẽ thuận lợi hơn; 27,3% doanh nghiệp đánh giá sẽ khó khăn hơn và 43,9% đánh giá không thay đổi.
5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
5.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
- Cây hàng năm
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu 2024 toàn tỉnh ước đạt 59.748 ha, giảm 1,2% (-714,6 ha) so cùng kỳ. Trong đó, diện tích gieo sạ lúa ước đạt 41.064,1 ha, giảm 1,2% (-481,3 ha) so cùng kỳ và đạt 102,7% kế hoạch; năng suất cây lúa ước đạt 69 tạ/ha, tăng 1,8% (+1,2 tạ/ha); sản lượng đạt 283.264,4 tấn, tăng 0,5% (+1.438,1 tấn) so cùng kỳ.
Trong vụ Hè Thu năm nay, 6/11 huyện, thị xã, thành phố có diện tích lúa giảm, giảm nhiều nhất là huyện Tây Sơn (-400,7 ha); tiếp đến huyện Phù Mỹ (-120 ha); thị xã Hoài Nhơn (-110,1 ha); huyện Hoài Ân (-85 ha); thành phố Quy Nhơn  (-50,8 ha); giảm thấp nhất là huyện Tuy Phước (-43,2 ha). Toàn tỉnh có 5 huyện diện tích lúa tăng là: huyện Vân Canh (+139 ha); thị xã An Nhơn (+114,1 ha); huyện Phù Cát (+63,9 ha); huyện An Lão (+5,8 ha) và huyện Vĩnh Thạnh (+5,6 ha).
Theo kết quả sơ bộ, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 9 tháng năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt 137.771,2 ha, giảm 0,4% (-611,2 ha) so cùng kỳ. Trong đó, diện tích gieo sạ lúa đạt 87.852,1 ha, giảm 0,7% (-574,9 ha); năng suất cây lúa đạt 71,3 tạ/ha, tăng 1,9% (+1,3 tạ/ha); sản lượng lúa đạt 626.471,5 tấn, tăng 1,2% (+7.683 tấn).
Sản lượng một số cây trồng cạn 9 tháng năm 2023 so cùng kỳ: Ngô đạt 39.668,1 tấn, giảm 0,4% (-179,1 tấn); sắn đạt 252.929,6 tấn, giảm 2,7%  (-7.031,2 tấn); mía đạt 12.009,9 tấn, tăng 34,7% (+3.093,8 tấn); lạc đạt 45.661,9 tấn, tăng 9,5% (+3.964,2 tấn); vừng đạt 2.514,7 tấn, giảm 9,1% (-253,2 tấn); rau các loại đạt 208.718,2 tấn, giảm 9% (-20.629,2 tấn); đậu các loại đạt 3.359,4 tấn, tăng 10% (+304,3 tấn).
Tính đến ngày 19/9/2024, vụ Mùa đã gieo sạ được 4.286 ha, tăng 11,7% (+449,4 ha) so với cùng kỳ; chủ yếu tập trung ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Vân Canh và thị xã An Nhơn. Diện tích cây trồng cạn vụ Mùa: Cây ngô đã gieo trồng đạt 2.368 ha, tăng 2,8% (+64,6 ha); cây lạc đạt 682 ha, tăng 20,3% (+115 ha); rau các loại đạt 4.766 ha, tăng 0,3% (+16,1 ha); đậu các loại đạt 112,9 ha, tăng 75,9% (+48,7 ha) so với cùng kỳ.
- Cây lâu năm
Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước đạt 18.448,4 ha, giảm 1,4%         (-254,8 ha) so với cùng kỳ. Trong đó, cây ăn quả đạt 5.357 ha, giảm 0,7% (-38,9 ha); cây công nghiệp đạt 12.131 ha, giảm 2,7% (-342,2 ha).
Sản phẩm cây lâu năm ở Bình Định chưa mang tính hàng hóa, chủ yếu được trồng phân tán, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, nông dân ở địa phương chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến đầu tư, chăm sóc cây trồng, nên năng suất chất lượng đạt thấp, thị trường tiêu thụ chậm.
Sản lượng thu hoạch của các loại cây lâu năm trong 9 tháng năm 2024 ước tính như sau: Sản lượng xoài đạt 4.785,2 tấn, tăng 1,3% (+62 tấn) so cùng kỳ; chuối đạt 15.998,3 tấn, tăng 0,6% (+102 tấn); cam đạt 599,3 tấn, tăng 1,9% (+11 tấn); bưởi đạt 882,3 tấn, tăng 7,2% (+59 tấn); dừa đạt 91.452,6 tấn, tăng 0,2% (+196,1 tấn); điều đạt 1.456 tấn, giảm 9,1% (-146 tấn); hồ tiêu đạt 522,4 tấn, tăng 6,8% (+33,2 tấn).
b. Chăn nuôi
Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả nên tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Hầu hết những hộ chăn nuôi đều thực hiện việc vệ sinh tiêu độc, khử trùng thường xuyên.
Về số đầu con, số lượng đàn trâu hiện có 14.296 con, giảm 9,5% (-1.496 con) so với cùng kỳ. Đàn bò đạt 308.648 con, tăng 1,3% (+4.065 con) so cùng kỳ; trong đó, đàn bò sữa nuôi trong các trang trại, gia trại, hộ là 2.183 con, giảm 1,4% (-31 con) so với cùng kỳ. Đàn lợn (không kể lọn con chưa tách mẹ) đạt 673.300 con, giảm 0,9% (-6.117 con) so với cùng kỳ. Đàn gia cầm 10.013,3 nghìn con, tăng 0,5% (+52,9 nghìn con) so với cùng kỳ; trong đó, đàn gà 8.404,7 nghìn con, tăng 0,2% (+18,3 nghìn con).
Ước sản lượng thịt hơi xuất chuồng và sản phẩm chăn nuôi 9 tháng năm 2024: Thịt trâu hơi đạt 1.087,5 tấn, giảm 10,5% (-127,4 tấn) so với cùng kỳ; thịt bò hơi đạt 28.830,8 tấn, tăng 1,6% (+454,6 tấn); sản lượng sữa đạt 8.645,2 tấn, tăng 0,4% (+37,1 tấn); thịt lợn hơi đạt 104.053,6 tấn, tăng 2,8% (+2.855,8 tấn); thịt gia cầm hơi đạt 21.782,3 tấn, tăng 4,5% (+930,3 tấn); trong đó, sản lượng gà hơi đạt 18.787,2 tấn, tăng 6,1% (+1.072,9 tấn).
5.2. Lâm nghiệp
Từ đầu năm đến nay diện tích trồng rừng tập trung ước đạt 2.025,1 ha, tăng 17,3% (+299,4 ha) so với cùng kỳ.
Ước tổng số gỗ khai thác toàn tỉnh tháng 9/2024 đạt 178.272 m3, tăng 5,8% (+9.820 m3) so với cùng kỳ; tổng số gỗ khai thác 9 tháng năm 2024 ước đạt 1.053.067 m3, tăng 3,7% (+37.336 m3) so với cùng kỳ. Toàn bộ gỗ từ rừng trồng chủ yếu làm nguyên liệu để chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ.
Ước tổng số củi khai thác tháng 9/2024 đạt 79.413,1 ster, tăng 0,6% (+447,9 ster) so với cùng kỳ, nâng tổng số củi khai thác trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 388.679 ster, tăng 193 ster so với cùng kỳ; lượng củi khai thác chủ yếu là các cành cây tận dụng từ nguồn khai thác gỗ, như: Bạch đàn, keo...
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy rừng, giảm 60% (-3 vụ) với diện tích bị cháy là 10,5 ha, giảm 55,7% (-13,2 ha) so với cùng kỳ; xảy ra 26 vụ phá rừng, giảm 7,1% (-2 vụ); diện tích bị phá rừng 15,5 ha, tăng 150,3% (+9,3 ha) so với cùng kỳ.
5.3. Thủy sản
Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng năm 2024 ước đạt 230.444,5 tấn, tăng 2,9% (+6.396,6 tấn) so với cùng kỳ.
- Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 218.878,8 tấn, tăng 2,8% (+5.920,1 tấn); Sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 216.486,9 tấn, tăng 2,8% (+5.857,5 tấn), riêng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 11.543,4 tấn, tăng 0,2% (+21,6 tấn) so với cùng kỳ.
- Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 11.565,7 tấn, tăng 4,3% (+476,4 tấn), riêng tôm thẻ chân trắng ước đạt 7.311,3 tấn, tăng 1,5% (+106,9 tấn).
Sản xuất giống tôm thẻ chân trắng 9 tháng năm 2024 ước đạt 1.218,6 triệu con, giảm 27,6% (-464,5 triệu con) so với cùng kỳ.
6. Sản xuất công nghiệp
Trong chín tháng năm 2024, Tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm đào tạo nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút được nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp mới được thành lập và mở rộng. Nhiều doanh nghiệp đang áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực chính, đóng góp lớn vào tăng trưởng của tỉnh. Do đó, hoạt động công nghiệp trong 9 tháng năm 2024 của Bình Định cho thấy đang phát triển tích cực, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,88% so cùng kỳ và đạt mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua (2020-2024).
6.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Chín tháng năm 2024, Tỉnh đã kịp thời nắm bắt tình hình, đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 tăng 9,88% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 13,49%. Trong đó, khai thác quặng kim loại giảm 32,6%, do một số mỏ đã cạn nguồn quặng và một số mỏ đã hết hạn khai thác; hoạt động khai khoáng khác tăng 19,74% chủ yếu là khai thác đất đá phục vụ xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,39%. Trong đó, nhóm ngành tăng cao như: Chế biến thực phẩm; Sản xuất trang phục; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.
- Ngành chế biến thực phẩm tăng 8,77%, tác động chính từ sản phẩm sữa tăng 90,19%, do mở rộng nhà máy sữa Bình Định đi vào hoạt động từ tháng 10/2023. Ngoài ra, thức ăn gia súc tăng 9,25%, thức ăn gia cầm tăng 3,21% do một số doanh nghiệp thành lập mới đi vào hoạt động như công ty Birgfeed, công ty Fago. Ngược lại, nhóm sản phẩm thủy sản tiếp tục giảm: Phi lê cá giảm 10,18%, tôm đông lạnh giảm 9,96%.
- Nhóm ngành Sản xuất trang phục tăng 11,18% do xuất khẩu tăng mạnh. Sản xuất sản phẩm quần áo lót tăng 38,18%; áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy tăng 14,52%; quần tất, bít tất tăng 11,27%. Trong 9 tháng năm 2024, có 2 dự án mới tại huyện Tuy Phước (Công ty TNHH thương mại dịch vụ ROSSE Nhung) và Phù Mỹ (Công ty TNHH GA Apparel) đi vào hoạt động góp phần vào tăng trưởng chung ngành may mặc và tạo việc làm cho người dân địa phương.
- Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 17,87% chủ yếu do sản phẩm gạch ốp lát tăng rất mạnh, tăng 1.247,41%. Các sản phẩm khác cũng đạt tốc độ tăng trưởng tốt như: Gạch không nung tăng 9,7%; bê tông tươi tăng 8,38%; đá ốp lát tăng 3,37%.
- Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng cao 36,49%. Trong đó, tăng cao nhất là sản phẩm tấm lợp kim loại tăng 103,23%, đà tăng trưởng trên chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ tại thị trường đang hồi phục trở lại, nhất là thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh, do đó doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để giảm tồn kho nguyên liệu. Ngoài ra, do nền gốc sản lượng tấm lợp kim loại 9 tháng năm 2023 đạt mức thấp, góp phần đẩy tốc độ tăng cao so với cùng kỳ.
- Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,48% so cùng kỳ, đây là một trong những ngành phục hồi tốt sau giai đoạn khó khăn của năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ tăng trưởng mạnh so với năm trước, nhờ vào sự gia tăng nhu cầu từ các thị trường quốc tế như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Dự kiến năm 2024, số dự án ngành này đi vào hoạt động là 29 dự án, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành đồ gỗ và bàn ghế nhựa giả mây trong thời gian tới.
Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,66%. Trong đó, điện sản xuất giảm 2,35% do thủy điện chiếm cơ cấu lớn 60% nhưng sản lượng giảm mạnh (các tháng đầu năm ít mưa, hồ cha tập trung tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp). Chiều ngược lại, nắng nóng nền nhiệt cao tạo thuận lợi cho các nhà máy điện năng lượng mặt trời hoạt động, sản lượng tăng cao; tuy nhiên do chiếm cơ cấu chỉ 40% nên tổng chung điện sản xuất giảm so cùng kỳ. Thời tiết nắng nóng người dân sử dụng thiết bị điều hòa tăng mạnh và các doanh nghiệp tăng sản xuất nên lượng điện tiêu thụ điện cao, do đó điện thương phẩm tăng 18,2%.
Chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,12%. Trong đó, khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 7,04%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 9,97%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 22,49% do UBND tỉnh bổ sung kinh phí để tăng tần suất và mở rộng phạm vi thu gom trên địa bàn tỉnh.
6.2. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 năm 2024 giảm 0,82% so với tháng trước, chủ yếu do một số ngành chiếm tỷ trọng có lượng tiêu thụ giảm trong tháng 9 như: Chế biến thực phẩm giảm 2,37%; Sản xuất đồ uống giảm 13,45%; Sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 44,61%; In ấn giảm 14,17%.
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 năm 2024 tăng 12,53% so với cùng kỳ. Nhiều ngành có chỉ số tiêu thụ tốt như: Dệt tăng 30,18%; Sản xuất da và sản phẩm có liên quan tăng 29,45%; Chế biến gỗ tăng 11,91%; Sản phẩm từ cao su và plastic tăng 40,56%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 142,35%.
Nhiều ngành công nghiệp tiêu thụ tốt ở các tháng gần đây, góp phần thúc đẩy chỉ số chung 9 tháng 2024 tăng 10,76% so cùng kỳ. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 10,2%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 33,78%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 55,28%.
6.3. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
So với tháng trước, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 năm 2024 tăng 8,46%. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao như: Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 18,31%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 26,96%;… Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm như: Sản xuất trang phục giảm 3,77%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 5,25%; Công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 26,64%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 năm 2024 tăng 9,63% so với cùng kỳ; trong đó, nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 22,05%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 36,16%;... Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm như: Sản xuất trang phục giảm 6,32%; Công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 41,85%.
6.4. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động tháng 9 năm 2024 tăng 10,43% so cùng kỳ do một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,33%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,03%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 8,77%; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,42%.
Theo loại hình doanh nghiệp, so với cùng kỳ chỉ số sử dụng lao động tháng 9 năm 2024 của khối doanh nghiệp Nhà nước tăng 3,19%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 8,55%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 20,51%.
7. Thương mại, dịch vụ
7.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Chín tháng năm 2024, tình hình bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động. Tỉnh Bình Định đã có nhiều chương trình kích cầu du lịch vô cùng hấp dẫn đến đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước, cùng với chuỗi sự kiện du lịch hè năm 2024 với chủ đề "Quy Nhơn - Thiên đường biển - Tỏa sáng và phát triển", diễn ra hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại sôi nổi diễn ra xuyên suốt từ tháng 6 đến tháng 8/2024. Góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Bình Định và thúc đẩy việc thu hút khách du lịch đến tỉnh. Do đó, lượng khách du lịch các tỉnh đến địa phương tăng cao, đã tác động tích cục đến doanh thu bán lẻ hàng hóa và duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 88.494,8 tỷ đồng, tăng 14,2% so cùng kỳ.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2024 ước tính đạt 66.899,7 tỷ đồng, chiếm 75,6% tổng mức và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 6,9%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 9,4%; xăng dầu tăng 22,2%; Đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 29,7%...
Với nhiều tiềm năng lợi thế, tỉnh Bình Ðịnh đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 – 2025. Tỉnh triển khai nhiều hoạt động văn hóa, thể thao để kích cầu du lịch, một số chương trình đặc sắc lần đầu tiên tổ chức tại Bình Định đã thu hút lượng lớn du khách tham gia, thúc đẩy các ngành lưu trú, ăn uống, lữ hành, vui chơi, giải trí tăng trưởng. Khi bắt đầu bước vào mùa du lịch hè, tỉnh đã có nhiều chương trình kích cầu du lịch vô cùng hấp dẫn đến đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các cơ quan, công ty, đơn vị có nhu cầu tổ chức hội nghị, hội thảo,… góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Bình Định và thúc đẩy việc thu hút khách du lịch đến Bình Định. Quy Nhơn được biết đến là điểm đến nổi tiếng, với các khu nghỉ dưỡng ven biển và khách sạn đạt chuẩn quốc tế. Nhiều khách sạn không chỉ cung cấp chỗ ở mà còn mở rộng các dịch vụ giải trí như spa, hồ bơi, quầy bar, và các hoạt động thể thao biển để đáp ứng nhu cầu của du khách. Các dịch vụ này giúp gia tăng sự hài lòng của du khách và kéo dài thời gian lưu trú. Nhờ lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quy Nhơn và các khu vực khác của tỉnh Bình Định tăng mạnh, nhiều khách sạn đã đạt tỷ lệ lấp đầy cao, đặc biệt trong mùa du lịch hè. Ngoài ra, các lễ hội ẩm thực được tổ chức để quảng bá đặc sản như bánh hỏi, bún chả cá, và các món ăn chế biến từ hải sản, thu hút du khách, góp phần tăng doanh thu ngành ăn uống.  Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2024 ước tính đạt 13.546 tỷ đồng, chiếm 15,3% tổng mức, tăng 33% so với cùng kỳ; trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 2.200,2 tỷ đồng, tăng 41,8%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 11.345,8 tỷ đồng, tăng 31,4%.
Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2024 ước tính đạt 812,7 tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động dịch vụ khác 9 tháng năm 2024 ước tính đạt 7.236,4 tỷ đồng, chiếm 8,2% tổng mức, tăng 21,2% so với cùng kỳ.
7.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
a. Xuất khẩu hàng hóa
9 tháng năm 2024, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 1.315 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu gạo ước đạt 95,5 triệu USD, tăng 7,8%; sản phẩm từ chất dẻo ước đạt 142,1 triệu USD, tăng 31,3%; gỗ ước đạt 329,6 triệu USD, tăng 31,1%; sản phẩm gỗ ước đạt 324,7 triệu USD, tăng 19%; hàng dệt may ước đạt 280,9 triệu USD, tăng 13%; Những mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhưng giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm như: gạo ước đạt 39,8 triệu USD, giảm 22,4%;  sắn và sản phẩm từ sắn ước đạt 60,1 triệu USD, giảm 5,7%; quặng và khoáng sản khác ước đạt 21,3 triệu USD, giảm 9,6%.
b. Nhập khẩu hàng hóa
9 tháng năm 2024, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 329 triệu USD, tăng 1,5% so cùng kỳ; Trong đó, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 27,5 triệu USD, tăng 39,5%; nguyên phụ liệu dệt may đạt 73,2 triệu USD, tăng 38,3%; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng đạt 42 triệu USD, tăng 17,6%; tuy nhiên, nhập khẩu nguyên liệu dùng cho chế biến thuỷ sản đạt 60,1 triệu USD, giảm 11,1%; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 25,9 triệu USD, giảm 27,8%; nguyên liệu dược phẩm đạt 13,6 triệu USD, giảm 10,7%; phân bón đạt 14 triệu USD, giảm 38,8% so cùng kỳ.
7.3. Vận tải hành khách và hàng hóa
a. Vận tải hành khách
Tổng lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thủy 9 tháng năm 2024, tổng lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thủy ước đạt 37.474,1 nghìn hành khách, luân chuyển 3.829,5 triệu HK.km. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 21,5%, luân chuyển tăng 24,5%.
b. Vận tải hàng hoá
Tổng lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy 9 tháng năm 2024, tổng lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy ước đạt 26.964,5  nghìn tấn, luân chuyển 3.739,5 triệu tấn.km. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 9,1%, luân chuyển tăng 7,2%.


Hàng hoá thông qua cảng biển tại địa phương trong tháng 9 năm 2024 ước đạt 1.100 nghìn TTQ, giảm 3,8% so với tháng trước, giảm 21,1% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, ước đạt 10.887,3 nghìn TTQ, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải
(9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ)

8. Các vấn đề xã hội
8.1. Đời sống dân cư và an sinh xã hội
Trong quý III năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, nhất là những biến động phức tạp của giá cả, thị trường đã tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các loại hình kinh tế khác. Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu du lịch, hỗ trợ chính sách, giải pháp cho vay, tạo việc làm,…góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
a. Tình hình lao động việc làm
- Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý III năm 2024 ước đạt 866.288 người, tăng 238 người (+0,03%) so với quý trước, tăng 13.942 người (+1,6%) so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 859.024 người. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 332.955 người, chiếm 38,8%, tăng 1,6% so cùng kỳ; lực lượng lao động ở khu vực nông thôn là 526.069 người, chiếm 61,2%, tăng 0,1% so cùng kỳ; Lực lượng lao động nam 439.374 người, chiếm 51,1% lực lượng lao động của tỉnh, giảm 1,2% so cùng kỳ; lực lượng lao động nữ 419.650 người, chiếm 48,9% lực lượng lao động của tỉnh, tăng 2,8% so cùng kỳ.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý III năm 2024 ước đạt 848.569 người, tăng 233 người (+0,03%) so với quý trước và tăng 10.509 người (+1,25%) so với cùng kỳ năm trước. Lao động khu vực thành thị 330.953 người (+1,9%) so cùng kỳ, chiếm 39%; khu vực nông thôn 517.616 người (+0,8%) so cùng kỳ, chiếm 61%.
Chuyển dịch cơ cấu ngành: Cơ cấu lao động của tỉnh trong quý III/2024 tiếp tục chuyển dịch từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang phi nông nghiệp. Lao động có việc làm trong khu vực dịch vụ có 330.094 người, tăng 1.788 người (+0,5%) so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng cao nhất 38,9%, tương đương với tỷ trọng quý III/2024; khu vực công nghiệp và xây dựng có 261.359 người, tăng 920 người (+0,4%), chiếm 30,8%, tăng 3,4 điểm phần trăm so cùng kỳ; lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 257.116 người, giảm 2.475 người (-1%), chiếm tỷ trọng thấp nhất 30,3%, giảm 3,4 điểm phần trăm so cùng kỳ.
- Ước tính tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi quý III năm 2024 toàn tỉnh là 1,95%, giảm 0,01% so với quý trước, giảm 0,25% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng năm 2024, lao động có việc làm đạt 844.118 người, tăng 8.504 người (+1,02%) so với 9 tháng đầu năm 2023. Số lao động có việc làm ở khu vực thành thị, cả lao động nam và nữ đều tăng; trong khi đó, ở khu vực nông thôn đều giảm. Số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 327.429 người, tăng 8.772 người (+2,75%); khu vực nông thôn là 516.689 người, giảm 269 người (-0,05%); lao động nam đạt 433.652 người, tăng 205 người (+0,05%); nữ đạt 410.466 người, tăng 8.299 người (+2,06%). Trong tổng số lao động có việc làm, lao động có việc làm trong khu vực dịch vụ có 327.518 người chiếm tỷ trọng 38,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng có 259.144 người, chiếm 30,7%; lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 257.456 người, chiếm 30,5%.
b. Giải quyết việc làm, hỗ trợ lao động thất nghiệp
Trong 9 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh đã tổ chức, triển khai nhiều chính sách, giải pháp cho vay, tạo việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh, 
+ Cho vay giải quyết việc làm: Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phê duyệt 11.122 dự án với tổng số tiền cho vay 615 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 13.000 lao động.
+ Trong quý III năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Định đã tổ chức 06 phiên giao dịch việc làm tại sàn giao dịch Quy Nhơn và các điểm giao dịch vệ tinh; 38 phiên giao dịch việc làm lưu động với 567 lượt doanh nghiệp và 3.265 lượt người tham gia. Kết quả có 1.107 lao động đăng ký việc làm, đã giới thiệu và cung ứng 396 lao động cho các doanh nghiệp. Hệ thống dịch vụ việc làm của tỉnh tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề cho 25.966 lượt người; cung ứng và giới thiệu việc làm cho 2.125 người; Có 165 lao động của tỉnh đi làm việc tại nước ngoài (Nhật Bản 136 người, Hàn Quốc 20 người, Đài Loan 6 người, các nước khác 3 người).
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Định đã tổ chức 17 phiên giao dịch việc làm tại sàn giao dịch Quy Nhơn và các điểm giao dịch vệ tinh; 108 phiên giao dịch việc làm lưu động, với 1.200 lượt doanh nghiệp và 8.555 lượt người tham gia. Kết quả có 4.300 lao động đăng ký việc làm, đã giới thiệu và cung ứng 1.095 lao động cho các doanh nghiệp. Hệ thống dịch vụ việc làm của tỉnh tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề cho 53.060 lượt người; cung ứng và giới thiệu việc làm cho 5.745 người. Chín tháng đầu năm 2024, có 783 lao động đi làm việc ở nước ngoài (Nhật Bản 709 người, Hàn Quốc 27 người, Đài Loan 28 người, các nước khác 19 người); tạo việc làm cho 27.689 người.
- Tình hình nhận trợ cấp thất nghiệp: Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, trong quý III năm 2024 có 3.620 người có Quyết định được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Tính chung từ đầu năm đến 31/8/2024 có 7.356 người được hưởng bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp.
c.  Công tác an sinh xã hội
Chính sách người có công và thân nhân của người có công với cách mạng. Trong quý III năm 2024 đã giải quyết chế độ cho người có công và thân nhân người có công với số tiền 231.400 triệu đồng (Trợ cấp, phụ cấp hàng tháng 195.600 triệu đồng; hỗ trợ đột xuất 35.800 triệu đồng).
Chín tháng năm 2024 đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách xã hội không thuộc Nghị định 20/2021/NĐ-CP với số tiền 99.278 triệu đồng (Hỗ trợ tiền điện cho 16.300 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số tiền 5.600 triệu đồng; Hỗ trợ nhà ở cho 1.725 hộ nghèo, hộ cận nghèo, kinh phí 79.165 triệu đồng; hỗ trợ chi phí học tập, bán trú, học bỗng cho học sinh hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số 14.513 triệu đồng).
Tính đến 23/9/2024, ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh đã cấp 303.933 thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các đối tượng; Trong đó, cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi 139.312 thẻ, cấp cho người hưởng trợ cấp bảo trợ hàng tháng 77.091 thẻ; cấp cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo 57.077 thẻ; cấp cho đồng bào thiểu số, người sống trong vùng kinh tế khó khăn, xã đảo 30.453 thẻ.
8.2. Giáo dục
Ngành Giáo dục đã tổ chức khai giảng năm học 2024-2025 an toàn, vui tươi, phấn khởi, các cơ sở giáo dục đảm bảo đủ điều kiện để dạy học bình thường ngay sau khi khai giảng; thành lập Đoàn kiểm tra kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND ngày 11/12/2021 của HĐND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non thuộc diện chuyển đổi sang loại hình trường công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính trên địa bàn tỉnh Bình Định; Kiểm tra các khoản thu đầu năm học 2024-2025, chấn chỉnh tình trạng lạm thu.
8.3. Y tế
Ngành Y tế đã thực hiện tốt Nghị quyết số 09/2024/NQ-HĐND ngày 12/7/2024 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ trong khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Bình Định; Thực hiện công tác cải cách hành chính và cải tiến quy trình khám bệnh, chữa bệnh; Triển khai các hoạt động phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng,…các ổ dịch và trường hợp mắc được phát hiện sớm, xử trí kịp thời, không để lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, số ca mắc các loại bệnh truyền nhiễm trong quý III năm 2024 vẫn còn cao: Bệnh sốt xuất huyết có 1.110 ca mắc, bệnh tay chân miệng có 449 ca mắc. Một số bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm khác: Vi rút Zika, Dịch hạch, Bạch hầu, Đậu mùa Khỉ, Marburg,... không ghi nhận ca mắc.
Trong quý III năm 2024, toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và không có tử vong do ngộ độc thực phẩm.
8.4. Hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch
Tỉnh Bình Định đã liên tiếp tổ chức các sự kiện xuyên suốt trong quý III/2024, thu hút lượng lớn khách du lịch đến với Bình Định như: Lễ hội tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024, nổi bật với các hoạt động như Lễ Khai mạc “Lễ hội tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024, Hội thảo phát triển khai thác, chế biến và xúc tiến thương mại cá ngừ đại dương tỉnh Bình Định, Giới thiệu nghệ thuật ẩm thực cá ngừ đại dương gắn với Hội chợ ẩm thực “Món ngon từ biển” và Sản phẩm OCOP, Làng nghề tỉnh Bình Định, Biểu diễn nghệ thuật đường phố, Lễ hội ánh sáng chủ đề “Quy Nhơn - Ngọn hải đăng tỏa sáng”. Giải Quần vợt Bãi biển Quốc tế ITF - BT50 lần đầu tiên tranh Cúp Fleur De Lys 2024 và Giải Quần vợt Bãi biển Quốc tế ITF - BT50 thứ 2 tranh cúp Vietravel 2024 có 36 vận động viên chuyên nghiệp đến từ các quốc gia trên thế giới đăng ký tranh tài như: Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Slovakia, Latvia, Việt Nam; Chương trình nghệ thuật “Ký ức quê hương” với chủ đề “Giai điệu ân tình - Quê mình Bình Định”; Chương trình “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao - Tự hào bản sắc Việt” với nhiều hoạt động đặc sắc như: Trình diễn võ thuật; Đại nhạc hội “Đôi cánh diệu kỳ”; chương trình Du lịch Việt Nam qua không gian ảnh. Tại thị xã Hoài Nhơn, tổ chức chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn, như: Lễ hội diễu hành đường phố “Rồng xanh La Vuông”; Chương trình nghệ thuật “La Vuông - Cao nguyên xanh vẫy gọi” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Tại huyện Tây Sơn, tổ chức chương trình Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 232 (1792 - 2024) với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật thể thao: Biểu diễn Lân sư rồng và Võ cổ truyền, Biểu diễn nghệ thuật truyền thống thu hút hàng ngàn người tham gia.
8.5. Tai nạn giao thông
9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 356 vụ tai nạn giao thông (quý I xảy ra 141 vụ; quý II xảy ra 114 vụ; quý III xảy ra 101 vụ), làm 158 người chết (quý I chết 45 người; quý II chết 55 người; quý III chết 58 người) và 274 người bị thương (quý I bị thương 137 người; quý II bị thương 77 người; quý III bị thương 60 người). So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 71 vụ (+24,9%), giảm 36 người chết (-18,6%) và tăng 112 người bị thương (+69,1%). Bình quân 1 tháng trong 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông, làm 18 người chết và 30 người bị thương.
8.6. Tình hình vi phạm môi trường
Chín tháng đầu năm 2024, đã phát hiện 47 vụ vi phạm môi trường, tăng 2,17% (+01 vụ) so với cùng kỳ năm trước; đã xử lý 49 vụ, tăng 8,9% (+04 vụ) so cùng kỳ năm trước; đã xử phạt 644,7 triệu đồng, giảm 25% (-214,3 triệu đồng)./.

 

Tác giả bài viết: Phạm Thị Chung Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Số 757/QĐ-CTK

Quyết định ban hành lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2024

lượt xem: 89 | lượt tải:29

Số 62/2024/NĐ-CP

Nghị định Số 62/2024/NĐ-CP

lượt xem: 130 | lượt tải:38

Số:1100/QĐ-CTK

Quyết định về việc ban hành Lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2024

lượt xem: 496 | lượt tải:100

Số:189 /KH-UBND

KH-Triển khai thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

lượt xem: 495 | lượt tải:353

Số: 4072/QĐ-UBND

Quyết định thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

lượt xem: 533 | lượt tải:141
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập78
  • Hôm nay13,561
  • Tháng hiện tại30,088
  • Tổng lượt truy cập49,843,834
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây