Chất lượng nguồn lao động tỉnh Bình Định: Cơ hội và thách thức
Thứ sáu - 18/09/2020 16:13
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn cầu ngày càng sâu rộng, chất lượng nguồn lao động có vai trò quan trọng, cấp thiết, lâu dài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù, tỉnh Bình Định đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn cung lao động dồi dào, trẻ và ổn định, nhưng trước xu thế hội nhập cũng đã đặt tỉnh Bình Định nhiều cơ hội và thách thức mới.
Một số cơ hội đối với nguồn lao động tỉnh Bình Định Giai đoạn 2016-2020, tỉnh hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đã đạt được những thành tựu quan trọng: tổng sản phẩm địa phương theo giá so sánh 2010, năm 2015 đạt 36.753,6 tỷ đồng, đến năm 2020 ước tính đạt 50.127 tỷ đồng, bình quân mỗi năm GRDP đạt mức tăng trưởng 6,4%. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ. Hiện nay, lợi thế lớn nhất của tỉnh Bình Định là có lực lượng lao động trẻ, dồi dào và ổn định. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính năm 2019 là 891.238 lao động, trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế ước khoảng 864.557 lao động chiếm khoảng 97%. Trong đó lực lượng lao động làm việc trong ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản ước khoảng 308.360 lao động (chiếm 35,6%), lực lượng lao động làm việc trong ngành Công nghiệp và xây dựng ước khoảng 252.239 lao động ( chiếm 29,2%) và có khoảng 303.958 lao động làm việc trong ngành thương mại dịch vụ( chiếm35,2%). Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo đạt 19,2%, trong đó lao động đã qua đào tạo khu vực thành thị đạt 31,95% và khu vực nông thôn đạt 14,09%. Đồng thời, năng suất lao động của Bình Định thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là tỉnh có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong các tỉnh Bắc bộ và Duyên hải miền Trung. Theo Cục Thống kê Bình Định, năng suất lao động theo tổng sản phẩm địa phương theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 95,4 triệu đồng/lao động, tăng 10,8 triệu đồng so với năm 2018. Tính theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2019 tăng 12,7% so với năm 2018. Qua kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tỉnh Bình Định là 97,2%, cao hơn tỷ lệ của cả nước 1,4% và cao hơn vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 1%. Đồng thời, Bình Định là tỉnh có trình độ học vấn cao so với mức bình quân của cả nước và vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật của Bình Định đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được hầu hết các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài… Khó khăn, thách thức đặt ra đối với nguồn lao động tỉnh Bình Định Với xu thế hội nhập quốc tế sẽ kéo theo tính cạnh tranh trong thị trường nhân lực sẽ rất cao, trong khi mức độ sẵn sàng của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng còn chậm. Cạnh tranh giữa nước ta với các nước trên thế giới trong việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao ngày càng tăng đòi hỏi chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải được cải thiện đáng kể theo hướng tiếp cận được các chuẩn của khu vực và thế giới nhằm tăng cường khả năng công nhận văn bằng chứng chỉ giữa Việt Nam và các nước khác. Không những thế, Bình Định sẽ phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số sẽ làm cho lợi thế lực lượng lao động trẻ mất dần đi theo thời gian. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và ở năm 2019, chỉ số già hóa dân số đã tăng từ 28,3% năm 1999 lên 41,2% năm 2009 và đạt 60,1% năm 2019. Như vậy, xu hướng già hóa dân số của tỉnh diễn ra khá nhanh trong 3 thập kỷ qua, nhanh nhất là thời kỳ 2009-2019. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực lao động tỉnh Bình Định hiện nay còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập: Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo (từ 15 tuổi trở lên) không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm 84,87%, giảm 4,54% so với năm 2009. Cả tỉnh số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp đến đại học chiếm 15,13% trong tổng số dân số toàn tỉnh, tăng 4,54% so năm 2009. Thêm vào đó, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn. Đồng thời, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp, khả năng hòa nhập của học sinh, sinh viên Việt Nam sau tốt nghiệp trong môi trường lao động mới; Khả năng thích ứng với thay đổi, kỹ năng thực hành và ý thức, tác phong làm việc cũng là những thách thức không nhỏ đối với lao động Việt Nam. Hiện nay, tỉnh Bình Định đang có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp FDI, tuy nhiên, thực tế cho thấy năng suất lao động và trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp, thiếu hụt kỹ năng về lao động và kỹ thuật; các doanh nghiệp rất khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao. Trong khi đó, có một số doanh nghiệp FDI đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Bình Định, nhưng nếu không nâng cao chất lượng nguồn lao động thì rất khó có thể thu hút đầu tư. Một số giải pháp chất lượng nguồn lao động Thời kỳ hội nhập đã, đang đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với người lao động tỉnh Bình Định, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo hay trình độ tin học... Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau: Thứ nhất, đổi mới yêu cầu về giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp. Rà soát tổng thể đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp để thực thiện chuẩn hóa và xây dựng lộ trình chuẩn hóa để đáp ứng mục tiêu đào tạo nghề đến năm 2025. Thứ hai, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo lại nghề cho người lao động của doanh nghiệp; Cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của DN theo ngành, nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Thứ tư, tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn để tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đối với toàn xã hội; Hoàn thiện các chính sách, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài; hợp tác nghiên cứu khoa học; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hợp tác đào tạo, mở văn phòng đại diện tại tỉnh Bình Định./.