Sự phát triển Hoài Nhơn qua lăng kính kết cấu hạ tầng
Thứ tư - 25/03/2020 14:33
Hoài Nhơn đã đạt đủ 5/5 tiêu chuẩn thành lập thị xã; 11 xã, TT dự kiến thành lập phường đạt đủ 4/4 tiêu chuẩn đơn vị cấp phường theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Huyện Hoài Nhơn nằm ở ven biển phía Bắc của tỉnh Bình Định, có diện tích tự nhiên 420,8 km2, bờ biển dài 24 Km; là huyện có dân số đông thứ hai của tỉnh: 207.995 người, mật độ dân số 494,3 người/Km2 (theo Tổng điều tra dân số ngày 01-4-2019). Theo kế hoạch giai đoạn 2005-2010 sẽ chuyển 7 xã, TT phía Nam của huyện lên thị xã ; còn 8 xã, TT phía Bắc sẽ thành lập huyện mới. Tuy nhiên do bối cảnh lịch sử, phải đến giai đoạn 2015-2020 huyện mới thực hiện được ước mơ ấy và không như kế hoạch ban đầu mà toàn bộ 17 xã, TT của huyện đều thuộc thị xã Hoài Nhơn. Theo đề án hiện tại, thị xã Hoài Nhơn sẽ có « Một trục, hai cánh, 4 trung tâm » và là động lực phát triển vùng thuộc 4 huyện phía Bắc của tỉnh Bình Định và cả huyện Đức Phổ của tỉnh Quãng Ngãi đều nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Lấy Quốc lộ 1A theo hướng Bắc Nam làm trục kể cả 2 tuyến tránh Quốc lộ 1A, hai cánh là 2 đường tỉnh lộ 638 và 639 chạy song song với Quốc lộ 1A. Bồng Sơn là trung tâm Chính trị-Hành chính, Kinh tế, Văn hóa. Đây là bộ não của thị xã và là động lực phát triển các xã phía Nam. TT Tam Quan là trung tâm để phát triển công nghiệp, thủy sản, dịch vụ của các xã phía Bắc. Hoài Hương là trung tâm để phát triển Thủy sản, Công nghiệp-Dịch vụ và động lực cho các xã phía đông. Hoài Thanh Tây ở giữa là trung tâm phát triển văn hóa, lịch sử, nơi đây có 2 di tích văn hóa cấp Quốc gia: đền thờ Đào Duy Từ và Di tích Cây số 7 Tài Lương. Với 4 trung tâm khi hình thành, thị xã sẽ có 11 phường và 6 xã. Quá trình đầu tư XD nhất là giai đoạn 2015-2020 hạ tầng cơ sở đã tăng lên rất nhanh. Trước hết là điện, hiện có 2 trạm biến áp 110 KV, điện năng tiêu thụ trên 150 triệu Kwh. Đã hình thành các công trình điện mặt trời và dự án nhà máy điện mặt trời dự kiến công suất 100 MW. Tất cả 100% hộ của huyện đều sử dụng điện lưới quốc gia, bình quân tiêu thụ điện năng là 985 KWh/người/năm. Các khu dân cư, các công ty, xí nghiệp lớn đều sử dụng trạm biến áp riêng. Rất nhiều đường làng, ngõ xóm có điện thắp sáng hàng đêm. Giao thông có Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc-Nam mỗi loại dài khoảng 30 Km, với 2 nhà ga đường sắt. Bến xe ô tô Bồng Sơn và bến xe buýt Tam Quan được xây dựng kiên cố. Đường ĐT 629, ĐT 630, ĐT 638 và ĐT 639 và các tuyến đường trục chính tổng chiều dài 113 km. Hai bên bờ sông Bồng Sơn đã hình thành đường nhựa rất đẹp, các trục chính được nâng cấp, mở rộng thảm nhựa sắp hoàn thành. 100% các thôn, khối đều có đường trục bằng nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã với chiều dài gần 600 km. Đường làng nông thôn tựa như phố. Dự án tuyến tránh TT Tam Quan thuộc Quốc lộ 1A đang trong giai đoạn khảo sát, thiết kế, sẽ khởi công vào giữa năm 2020. Hệ thống cầu, cống được bê tông kiên cố gần như cơ bản. Gần 100 km kênh mương đã bê tông, tăng 8 lần so với cách đây 5 năm, đáp ứng công tác tưới tiêu cho trồng trọt. Về giáo dục, tất cả 17 xã, TT đều có trường mầm non công lập. Tổng số trường mầm non là 19. Nhiều xã, TT ngoài trường công lập còn có trường hoặc điểm giữ trẻ tư, trên 80% số trẻ từ 0 đến 5 tuổi được đi nhà trẻ. Số trường tiểu học và THCS là 43 trường; số trường THPT là 7, trong đó có 1 trường chuyên thành lập năm 2017; 100% số trường công lập đã được kiên cố hóa, nhiều trường đạt chuẩn Quốc gia. Ngoài ra còn có 1 chi nhánh trường Cao đảng nghề, chi nhánh này và trường THPT chuyên đáp ứng nhu cầu học tập cho 4 huyện phía bắc. Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn mở rộng với diện tích gần 1ha, có 5 tầng, kinh phí đầu tư xây dựng 130 tỷ. Khu điều trị mới của Trung tâm y tế huyện ở phía Bắc có diện tích 6.450m2, 7 tầng, kinh phí đầu tư xây dựng 75 tỷ đã đưa vào hoạt động từ tháng 12/2019 ; 100% số xã đều có trạm y tế xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới. Chăm sóc sức khỏe ban đầu, công tác tiêm chủng và phòng chống dịch được chú trọng, nhiều loại dịch bệnh được ngăn chặn, đẩy lùi. Đầu tư hạ tầng nhằm phát triển sản xuất nhất là SX công nghiệp được chú trọng. Nhiều công ty có quy mô SX với số lao động hàng trăm trở lên được hình thành. Riêng Công ty CP may An Phát trên 1.800 người ; Công ty CP may Tam Quan trên 1.200 người. Toàn huyện có trên 3.350 công ty và cơ sở cá thể SX công nghiệp, xây dựng. Các công ty có số công nhân hàng trăm trở lên tăng gấp 3 lần so với cách đây 10 năm và còn đang tiếp tục tăng thêm nữa. Cảng cá Tam Quan là nơi neo đậu của cả ngàn tàu cá. Cửa biển Tam Quan đã được Bộ NN&PTNT đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Năm 2020 đang nâng cấp lên cảng cá loại 2, cầu cảng dài trên 160m, kinh phí 30 tỷ. Số lượng tàu cá của huyện hiện nay trên 2.200 chiếc, công suất trên 1triệu CV và ngư trường đánh bắt vươn xa rộng khắp các vùng biển của Tổ Quốc. Các trung tâm vui chơi được hình thành và phát triển mạnh. Cả huyện có 9 thư viện, 1 cung văn hóa thiếu nhi Bồng Sơn và 17 trung tâm văn hóa xã, thị trấn. Ngoài 3 trung tâm thể dục, thể thao vùng, còn có 17 sân thể thao của xã,thị trấn và các điểm thể thao của thôn, khối đáp ứng nhu cầu TDTT của toàn dân. Các điểm tham quan đáp ứng được nhu cầu của khách vào các dịp lễ, tết. Di tích cây số 7 Tài Lương đang đầu tư với kinh phí 20 tỷ. Đền thờ Liệt sỹ huyện, Đền thờ Đào Duy Từ, di tích Đồi Mười đã và đang đầu tư nhiều hạng mục với hàng trăm tỷ đồng. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ đáp ứng cho khách phương xa. Chợ Bồng Sơn, chợ Tam Quan, chợ Hoài Hương và nhiều cửa hàng với đủ loại hàng hóa, dịch vụ. Đang xây dựng Trung tâm thương mại và chợ nông sản tại Bồng Sơn. Trụ sở làm việc các cơ quan, doanh nghiệp đã xây dựng kiên cố, hiện đại, mỗi cơ sở kinh phí XD hàng tỷ đồng trở lên. Nhu cầu cây xanh đường phố được đầu tư mạnh. Nhiều tuyến đường đã được phủ xanh bằng nhiều loại hoa, cây cảnh, nhất là TT Bồng Sơn, TT Tam Quan, các xã Hoài Tân, Tam Quan Bắc, Hoài Hương, Hoài Thanh Tây. Cây xanh mang vóc dáng của đô thị đã lan nhanh. Nước sạch và vệ sinh môi trường được đầu tư lớn. Nhà máy nước Bồng Sơn, Nhà máy nước sạch Đông Nam huyện và công trình cấp nước sạch Tam Quan Bắc có tổng công suất là 20.100 m3/ngày đêm đáp ứng cho phần lớn dân cư của 9 xã, TT. Tỉnh đang xây dựng đập ngăn mặn- sinh thái trên sông Bồng Sơn và năm 2020 hoàn thành sẽ cung cấp nước cho thị xã. Đã xây dựng bãi xử lý chất thải rắn, nhiều khu thu gom rác thải sinh hoạt. Ngoài đội thu gom rác thải sinh hoạt của phòng Quản lý đô thị huyện, 17 xã, TT và 2 công ty tư nhân cũng tích cực vào cuộc. Đường thông, hè thoáng và xanh sạch đẹp ngày càng tăng. Với Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 16/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Hoài Nhơn là huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 đầu tiên của tỉnh; Ngày 25/10/2019 Bộ Xây dựng có quyết định số 879/QĐ-BXD về việc xác lập khu vực dự kiến thành lập thị xã Hoài Nhơn đã đạt tiêu chí loại 4. Đến nay, Hoài Nhơn đã đạt đủ 5/5 tiêu chuẩn thành lập thị xã; 11 xã, TT dự kiến thành lập phường đạt đủ 4/4 tiêu chuẩn đơn vị cấp phường theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 21/2/2020 đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã kiểm tra thực tế tại huyện để chuẩn bị trình Quốc hội. Đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã thống nhất cao và chỉ đề nghị huyện bổ sung một vài điểm trước khi trình UBTV QH phê duyệt. Thị xã Hoài Nhơn non trẻ, khỏe khoắn chắc chắn sẽ ghi tên vào bản đồ đô thị của Việt Nam không còn xa nữa. Khát vọng thị xã sắp thành hiện thực với 2 cánh dài sẽ bay cao hơn nữa ./.