Hiệu quả mô hình sản xuất muối sạch theo công nghệ trải bạt trên đất nền huyện Phù Mỹ

Thứ hai - 27/07/2020 16:07
Phù Mỹ là một huyện đồng bằng ven biển phía đông của tỉnh Bình Định, phía bắc giáp thị xã Hoài Nhơn, phía nam và tây nam giáp huyện Phù Cát, phía tây bắc giáp huyện Hoài Ân, phía đông giáp biển đông. Diện tích tự nhiên gần 550km2 với hơn 30km chiều dài đường bờ biển. Phù Mỹ là huyện có diện tích sản xuất muối lớn nhất của tỉnh. Nghề làm muối nơi đây đã có từ lâu đời và là nghề đem lại thu nhập chính cho người dân ven biển, tập trung tại các xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành, Mỹ Cát.
Hiệu quả mô hình sản xuất muối sạch theo công nghệ trải bạt trên đất nền huyện Phù Mỹ
muoi
Trước đây, nghề làm muối tại địa phương chủ yếu là sản xuất theo kỹ thuật truyền thống (làm muối trên nền đất). Để có một ruộng muối đưa vào sản xuất diêm dân phải chuẩn bị hết sức công phu và tốn nhiều thời gian từ cải tạo nền đất, nạo vét, phơi bùn, làm chắc nền ruộng. Một vụ muối người dân phải mất 1-2 tháng để chuẩn bị. Thế nhưng hạt muối làm ra chất lượng lại kém, lẫn tạp chất quá nhiều, giá thành thấp, khó tiêu thụ, nên năng suất và hiệu quả kinh tế thấp, một số diêm dân phải bỏ nghề đi nơi khác mưu sinh, một số chuyển đổi sang cải tạo thành hồ nuôi tôm, nhưng hiệu quả nuôi cũng không cao.
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất muối, năm 2015 ngành NN & PTNT cùng với Công ty Cổ Phần Muối và Thực phẩm Bình Định đã triển khai, vận động và hỗ trợ một số hộ dân ở xã Mỹ Cát, Mỹ Thành chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang kỹ thuật làm muối sạch theo phương pháp trải bạt. Kết quả mang lại rất tốt, sản lượng muối tăng 30% so với phương pháp sản xuất truyền thống, giá bán cũng cao gần gấp đôi. Từ kết quả đó, những hộ dân khác cũng mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư công nghệ trải bạt, đóng giếng sử dụng nước ngầm, mở rộng diện tích sản xuất muối trải bạt. Vụ muối năm nay, diêm dân các xã Mỹ  Chánh, Mỹ Thành, Mỹ Cát đưa vào sản xuất 108 ha, trong đó có 24,4 ha sản xuất muối theo phương pháp trải bạt ( xã Mỹ Cát 18, 9 ha, và xã Mỹ Thành 5,5 ha).
Về cơ bản, giai đoạn sản xuất muối theo phương pháp trải bạt giống với phương pháp truyền thống, chỉ khác ở ô kết tinh có lót bạt nhựa. Sau 3 - 5 ngày là có thể thu hoạch muối trong khi đó nền đất phải mất từ 5 - 7 ngày. Nếu làm muối trên nền đất, khi xảy ra cơn mưa trái mùa hay làm lại vụ mới phải mất từ 2 - 3 ngày mới cải tạo xong ruộng. Còn làm muối trên sân trải bạt thì chỉ cần sau khi thu hoạch muối xong, dọn sạch sẽ ô trải bạt không để nước cũ tồn nhiều trên mặt bạt làm ảnh hưởng đến chất lượng muối, đã có thể tiếp tục đưa nước từ các ô chứa vào ô kết tinh để sản xuất tiếp. Thông thường, để phủ kín bạt trên diện tích 100 m2 ruộng kết tinh, diêm dân tốn khoảng 4 – 5 triệu đồng, bạt sau khi kết thúc mùa vụ được gom về để dành cho vụ sau, có thể tái sử dụng được 5 - 6 vụ.
Theo đánh giá của bà con diêm dân thì phương pháp này giúp tiết kiệm được thời gian và công sức lao động qua từng công đoạn sản xuất, hạn chế thiệt hại khi gặp mưa bất thường, chi phí đầu tư tái sản xuất thấp, những thời điểm nắng nóng, mỗi ngày có thể thu hoạch hơn 4 tạ muối/ 100m2, năng suất tăng từ 30% - 40% so với làm muối  trên nền đất, chất lượng muối tốt hơn, hạt muối to đều, trắng tinh, ít lẫn tạp chất, nhờ vậy mà giá bán cao hơn so với muối đất từ 40% - 50%. Thời điểm này, giá muối tại các cánh đồng trên địa bàn huyện được Công ty Cổ Phần Muối và thực phẩm Bình Định thu mua với mức giá 840 đồng/kg, cao hơn gần 500 đồng/kg so với giá muối đất. Bên cạnh đó, thời tiết thuận lợi, nắng kéo dài, nên sản lượng muối năm nay tăng cao, cộng với giá muối duy trì ở mức ổn định, nên người dân có nguồn thu nhập khá.
Phải nói rằng, mô hình sản xuất muối theo công nghệ trải bạt trên đất nền hiệu quả tăng gấp 1,5 lần so với phương pháp sản xuất muối truyền thống.
Việc chuyển đổi từ sản xuất muối truyền thống sang muối sạch là hướng đi mới là tất yếu nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con diêm dân tại địa phương và nâng cao giá trị hạt muối. Tuy nhiên, việc mở rộng vùng sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt, giảm dần muối đất và định hướng đến năm 2030, chuyển đổi tất cả diện tích muối truyền thống sang sản xuất muối sạch theo kế hoạch Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh vẫn là một bài toán khó, bởi đời sống của hầu hết bà con diêm dân nơi đây còn khó khăn, chi phí đầu tư ban đầu làm muối sạch khá cao, người dân thiếu vốn để đầu tư mua bạt, keo dán, đóng giếng…. Vì vậy, ngoài nỗ lực của diêm dân, cần có các chính sách hỗ trợ tích cực của Nhà nước./.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Tô Ni

Tổng số điểm của bài viết là: 26 trong 10 đánh giá

Xếp hạng: 2.6 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Số 757/QĐ-CTK

Quyết định ban hành lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2024

lượt xem: 75 | lượt tải:25

Số 62/2024/NĐ-CP

Nghị định Số 62/2024/NĐ-CP

lượt xem: 112 | lượt tải:33

Số:1100/QĐ-CTK

Quyết định về việc ban hành Lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2024

lượt xem: 474 | lượt tải:100

Số:189 /KH-UBND

KH-Triển khai thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

lượt xem: 483 | lượt tải:334

Số: 4072/QĐ-UBND

Quyết định thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

lượt xem: 519 | lượt tải:139
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay2,550
  • Tháng hiện tại91,877
  • Tổng lượt truy cập49,690,638
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây