Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định - Tháng 8 và 8 tháng 2023

Thứ hai - 28/08/2023 14:08
Tỉnh Bình Định đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, tìm kiếm và mở rộng thị trường ra nước ngoài; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch và hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài nước.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định - Tháng 8 và 8 tháng 2023

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2023 có những kết quả nổi bật như sau:

- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn 8 tháng đầu năm 2023 nông dân tập trung chăm sóc và thu hoạch các loại cây trồng vụ Hè Thu, gieo trồng và chăm sóc các loại cây vụ Mùa; công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, các hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ được tăng cường nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan; Thời tiết thuận lợi cho hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản;

- Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2023 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 6,89% so cùng kỳ; luỹ kế 8 tháng đầu năm 2023 so cùng kỳ tăng 0,92%, đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây;

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2023 ước đạt 9.191,2 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng trước và tăng 19,5% so cùng kỳ; luỹ kế 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 68.584,3 tỷ đồng, tăng 17,8% so cùng kỳ;

- Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 8/2023 ước đạt 156,2 triệu USD, giảm 1,4% so tháng trước và giảm 17,3% so cùng kỳ; Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 1.261,2 triệu USD, tăng giảm 12,4% so cùng kỳ.
- Hàng hoá thông qua cảng biển tại địa phương trong tháng 8/2023 ước đạt 1.245 nghìn TTQ, tăng 10,7% so với tháng trước, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7.720,5 nghìn TTQ, giảm 20,6% so với cùng kỳ.
- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2023 tăng 0,48% so với tháng trước; bình quân 8 tháng đầu năm 2023 tăng 2,04% so với cùng kỳ;
- Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trọng tâm sản xuất nông nghiệp tháng này là thu hoạch cây trồng vụ Hè Thu 2023 và gieo sạ vụ Mùa 2023. Ngành Nông nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh tái đàn lợn, phát triển đàn bò thịt chất lượng cao,... gắn với thực hiện có hiệu quả công tác tiêm phòng vaccine và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Công tác trồng, chăm sóc, quản lý và phòng chống chữa cháy rừng được quan tâm, chỉ đạo kịp thời. Tăng cường nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại một số địa phương ven biển; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) và các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ theo quy định.
1.1. Nông nghiệp
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu 2023 toàn tỉnh đạt 60.462,6 ha, tăng 0,2% (+128,7 ha) so với cùng kỳ. Vụ Hè Thu năm nay, diện tích gieo sạ lúa đạt 41.545,4 ha, giảm 2,6% (-1.103,8 ha) so với cùng kỳ và đạt 98,6% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa Hè đạt 5.550 ha, tăng 12,9% (+634,3 ha); diện tích lúa Thu đạt 35.995,4 ha, giảm 4,6% (-1.738,1 ha) so với cùng kỳ. Diện tích Lúa Hè tăng cao do một số địa phương sợ thiếu nước cuối vụ nên đẩy lịch thời vụ lên làm sớm hơn so với mọi năm.
Sản lượng lúa Hè Thu ước tính đạt 277.281 tấn, giảm 1,1% (-3.209,2 tấn) so với cùng kỳ, chủ yếu do diện tích giảm. Lúa Hè cơ bản thu hoạch xong; Năng suất ước đạt 66,7 tạ/ha, tăng 1,4% (+0,9 tạ/ha) so với lúa Hè năm trước.
Năng suất gieo trồng lúa vụ Hè Thu giai đoạn 2019-2023 (%)

Diện tích một số cây trồng cạn chủ yếu vụ Hè Thu năm 2023: Cây ngô 3.977,1 ha, tăng 12,5% (+442,7 ha); sắn 1.078,5 ha, giảm 14,5% (-183,5 ha); lạc 1.825,7 ha, tăng 7% (+119,6 ha); rau các loại 5.759,4 ha, tăng 13,8% (+697,4 ha); đậu các loại 618,5 ha, giảm 7,8% (-52,4 ha).
Ước tính năng suất một số cây trồng cạn so với cùng kỳ: Ngô năng suất 64,5 tạ/ha, tăng 0,2% (+0,1 tạ/ha); sắn năng suất 257,9 tạ/ha, tăng 0,3% (+0,8 tạ/ha); lạc năng suất 31,3 tạ/ha, tăng 0,6% (+0,2 tạ/ha); rau các loại năng suất 208,5 tạ/ha, tăng 5,7% (+11,3 tạ/ha); đậu các loại năng suất 16,6 tạ/ha, tăng 3,8% (+0,6 tạ/ha).
Ước tính sản lượng một số cây trồng cạn so với cùng kỳ: Ngô sản lượng 25.661,9 tấn, tăng 12,7% (+2.900,8 tấn); sắn sản lượng 27.811,9 tấn, giảm 14,3% (-4.629,6 tấn); lạc sản lượng 5.723 tấn, tăng 7,8% (+414 tấn); rau các loại sản lượng 120.060,2 tấn, tăng 20,3% (+20.251,1 tấn); đậu các loại sản lượng 1.026,6 tấn, giảm 4,5% (-48 tấn).
Vụ Mùa: Cùng với việc chăm sóc lúa vụ Hè thu, bà con ở các địa phương đã chuẩn bị xong khâu làm đất và gieo sạ được 3.412 ha, giảm 35,6% (-1.888 ha) so với cùng kỳ. Diện tích lúa giảm mạnh, do năm nay phần lớn các huyện không gieo sạ lúa vụ Mùa.
Hoạt động chăn nuôi, các ngành chức năng tiếp tục kiểm tra đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương; phát hiện bệnh kịp thời, tăng cường giám sát dịch bệnh động vật: Dịch viêm da nổi cục ở bò, dịch tả lợn Châu Phi, dịch tả lợn tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm và các dịch bệnh khác... hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phát triển chăn nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học, giảm thiểu dịch bệnh.
Tính đến tháng 8/2023, đàn trâu của tỉnh ước đạt 15.890 con, giảm 7% (-1.199 con) so với cùng kỳ. Đàn bò ước đạt 307.123 con, tăng 2,7% (+8.213 con); trong đó, bò sữa có 2.240 con, giảm 8,8% (-215 con) so với cùng kỳ. Đàn lợn (không kể lợn con chưa tách mẹ) ước đạt 672.030 con, tăng 5,4% (+34.674 con). Đàn gia cầm ước đạt 10.156,2 nghìn con, tăng 19,1% (+1.630,9 nghìn con) so với cùng kỳ; trong đó, đàn gà 8.540,6 nghìn con, tăng 30,2% (+1.982,3 nghìn con) so với cùng kỳ.
Tám tháng năm 2023, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 1.074,7 tấn, giảm 6,6% (-75,8 tấn) so cùng kỳ; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 27.287,9 tấn, tăng 4,5% (+1.174,6 tấn); sản lượng sữa bò sản xuất ước đạt 7.899,5 tấn, giảm 0,6% (-48,8 tấn); sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 89.228,5 tấn, tăng 6,1% (+5.153,7 tấn); sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 18.959,1 tấn, tăng 6,2% (+1.101,9 tấn); trong đó, thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 15.782,4 tấn, tăng 10,7% (+1.526,1 tấn).
1.2. Lâm nghiệp
Công tác trồng rừng: Từ đầu năm đến nay, diện tích trồng rừng tập trung được 1.439,8 ha, tăng 54,9% (+510,4 ha) so với cùng kỳ.
Ước tổng số gỗ khai thác toàn tỉnh tháng 8/2023 đạt 79.856 m3, tăng 1,8% (+1.406 m3) so với cùng kỳ; tổng số gỗ khai thác 8 tháng năm 2023 ước đạt 679.258,8 m3, tăng 2,2% (+14.660,8 m3) so với cùng kỳ. Toàn bộ gỗ từ rừng trồng chủ yếu là gỗ làm nguyên liệu.
Ước tổng số củi khai thác tháng 8/2023 đạt 36.055 ster, giảm 0,3%               (-111 ster) so với cùng kỳ, nâng tổng số củi khai thác trong 8 tháng năm 2023 ước đạt 308.998,4 ster, tăng 0,3% (+791,4 ster) so với cùng kỳ; lượng củi khai thác chủ yếu là các cành cây tận dụng từ nguồn khai thác gỗ, như: Bạch đàn, keo...
Trong tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào; lũy kế số vụ cháy rừng đầu năm đến nay xảy ra 4 vụ, tăng 4 vụ so với cùng kỳ; diện tích rừng bị cháy 11,9 ha, tăng 11,9 ha so với cùng kỳ.
Trong tháng 8/2023, xảy ra 1 vụ phá rừng, giảm 50% (-1 vụ) so với cùng kỳ; diện tích rừng bị phá 0,2 ha, tăng 0,1 ha so với cùng kỳ. Tổng số vụ phá rừng xảy ra trong 8 tháng là 22 vụ phá rừng, tăng 3 vụ so với cùng kỳ; diện tích bị phá là 5,7 ha, giảm 1,6 ha so với cùng kỳ.
1.3. Thủy sản
Tổng sản lượng thủy sản tháng 8 năm 2023 ước đạt 27.706,9 tấn, tăng 1,3% (+367,6 tấn) so cùng kỳ. Cộng dồn 8 tháng năm 2023 ước đạt 195.518,5 tấn, tăng 2,4% (+4.553,3 tấn) so với cùng kỳ, trong đó:
- Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 186.925,2 tấn, tăng 2,6% (+4.696,9 tấn); Sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 184.884,3 tấn, tăng 2,6% (+4.620,8 tấn), riêng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 9.813,2 tấn, giảm 1,4% (-139,1 tấn) so với cùng kỳ.
- Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 8.593,3 tấn, giảm 1,6% (-143,6 tấn), riêng tôm thẻ chân trắng ước đạt 5.378,8 tấn, tăng 6,1% (+307,7 tấn).
Sản xuất giống tôm thẻ chân trắng 8 tháng ước đạt 1.385,8 triệu con, giảm 64% (-2.463,8 triệu con) so với cùng kỳ. Nguyên nhân tôm thẻ chân trắng giảm mạnh chủ yếu do thị trường tiêu thụ trong khu vực giảm, dẫn đến đầu tháng 5 đến nay Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam - chi nhánh Bình Định 3 tạm ngưng sản xuất.
Tình hình thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg
Từ đầu năm đến nay đã tổ chức thẩm định hồ sơ cho 5.118 hồ sơ, trong đó 4.628 hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhiên liệu, 489 hồ sơ đề nghị hỗ trợ bảo hiểm, 01 hồ sơ hỗ trợ máy HF. UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 4.729 hồ sơ với 380,9 tỷ đồng (trong đó 4.239 hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhiên liệu, 489 hồ sơ đề nghị hỗ trợ bảo hiểm, 01 hồ sơ hỗ trợ máy HF).
2. Sản xuất công nghiệp
Tám tháng năm 2023 sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn và thử thách do lãi suất ngân hàng vẫn còn cao, lạm phát các nước trên thế giới tăng cao buộc người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến sức mua yếu, xuất khẩu tại các thị trường sụt giảm theo. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 chỉ tăng 0,92% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất[1] trong 5 năm trở lại đây.
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 tăng 6,89% so cùng kỳ. Nguyên nhân do một số ngành cùng kỳ đạt sản lượng rất thấp, ngoài ra, trong tháng 8/2023 một số ngành khác có sự phục hồi, nhận được đơn hàng mới cao hơn các tháng trước. Do đó, đã tác động lên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 tăng cao so với cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng năm 2023, tăng trưởng chung toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 0,92%.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 13,71%. Trong đó, khai thác quặng kim loại giảm 7,05%, nguyên nhân, do một số mỏ đã cạn nguồn quặng và một số mỏ đã hết hạn khai thác; hoạt động khai khoáng khác tăng 17,32% chủ yếu là khai thác đất đá phục vụ xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,59%, do chịu tác động bởi 3 nhóm ngành lớn đang giảm sâu là Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, Dệt và Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.
Tình hình sản xuất ở một số ngành chủ yếu của tỉnh:
- Ngành chế biến thực phẩm tăng 7,08% do một số sản phẩm tiêu thụ nội địa tăng như:
 Thức ăn gia súc tăng 10,46%; thức ăn gia cầm tăng 15,86% (trong đó, Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Hải Long Bình Định của Cty LANKING NANO PTE. LTD đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào cuối năm 2022, góp phần tăng sản lượng thức ăn chăn nuôi).
 Tinh bột sắn tăng 21,94%, nguyên nhân đến từ thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, tăng thu mua tinh bột sắn từ Việt Nam; ngoài ra, vụ sản xuất 2023-2024 đến sớm hơn so với cùng kỳ, thúc đẩy sản lượng sản xuất tinh bột sắn tăng trong 8 tháng năm 2023.
Tuy nhiên, nhóm sản phẩm thủy sản giảm mạnh: Phi lê cá giảm 16,17%, tôm đông lạnh giảm 35,54% (mức giảm mạnh nhất tính từ đầu năm 2023). Trong 8 tháng năm 2023, nhóm ngành thủy sản tiếp tục gặp khó khăn do thị trường Châu Âu giảm sức mua, trong khi đó thị trường Châu Á có sản lượng tiêu thụ thấp, rào cản thẻ vàng IUU. Xuất khẩu tôm đông lạnh tiếp tục là thử thách lớn cho các doanh nghiệp do giá nguyên liệu tôm của Việt Nam cao gấp đôi tôm Ecuado và cao hơn 30% so với Ấn Độ, khiến tôm Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng khó cạnh tranh so với các đối thủ, trong khi thị trường chưa thấy có dấu hiệu hồi phục đã làm các doanh nghiệp chế biến tôm gặp nhiều trở ngại.
- Tổng thể ngành Sản xuất đồ uống giữ ổn định so với cùng kỳ, tuy nhiên từng sản phẩm có biến động lớn, sản lượng bia đóng chai tăng 1,95%; nước uống có vị hoa quả tăng 10,89% do hoạt động dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn phát triển mạnh. Riêng đối với nước yến giảm 29,01% do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng do ít đơn hàng hoặc chưa ký được đơn hàng mới, nhiều ngành cắt giảm lao động hoặc giảm thời gian làm việc. Trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tháng tới, các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giảm sản lượng so với các tháng trước do chuẩn bị vào mùa du lịch thấp điểm, tiêu thụ đồ uống đạt thấp, và sẽ tăng tốc vào 2 tháng cuối năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tiệc tất niên, Tết Dương lịch và Âm lịch.
- Nhóm ngành Sản xuất trang phục tăng 5,68%. Hiện nay, thị trường tiêu thụ nội địa tương đối ổn định; xuất khẩu gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2023 nhưng đang có chiều hướng tốt lên trong tháng 7-8/2023. Tuy nhiên, các đơn hàng mới vẫn còn thấp vì thị trường còn nhiều biến động, doanh nghiệp cần chủ động tận dụng hiệp định thương mại tự do (FTA) tìm hướng đi mới cho ngành dệt may.
- Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 10,89%. Tháng 4-5/2023, ngành này gặp khó khăn vì thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc ép giá dẫn đến sản xuất ngày càng thu hẹp. Trong tháng 7-8/2023, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu có đơn hàng mới, các doanh nghiệp tập trung thu mua gỗ nguyên liệu để phục vụ đủ cho sản xuất trở lại, nhiều doanh nghiệp sản xuất không kịp để tiêu thụ. Đây là tín hiệu rất tốt, vì giá trị sản xuất ngành chế biến gỗ đứng vị trí thứ 3 sau ngành chế biến thực phẩm và ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, do đó, đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh.
- Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 27%. Trong đó, dược phẩm khác chưa phân vào đâu tăng 35,97%; dung dịch đạm huyết thanh tăng 28,55%. Hai doanh nghiệp dược lớn của Bình Định là Công ty CP Dược - TTB Y tế Bình Định và Công ty Cổ Phần Fresenius Kabi Việt Nam đang hoạt động sản xuất ổn định đáp ứng mục tiêu tăng trưởng vì đã được gia hạn đăng ký lưu hành các loại thuốc nên nhận được nhiều đơn hàng ngay từ đầu năm, thúc đẩy doanh nghiệp dược phẩm đẩy mạnh sản xuất ở tất cả các dây chuyền để phục vụ nhu cầu cho thị trường.
- Sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 25,99% do Công ty CP Giày Bình Định nhận ít đơn hàng chỉ sản xuất cầm chừng. Từ tháng 6/2023 đến hết tháng 9/2023, Công ty CP Giày Bình Định đang dần hết đơn hàng, thu hẹp sản xuất. Dự báo quý III/2023 sản xuất giày dép có xu hướng tiếp tục giảm so với cùng kỳ.
- Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 6,39%, chủ yếu do sản phẩm tấm lợp bằng kim loại giảm 32,03% (Công ty TNHH MTV Hoa Sen - Nhơn Hội cắt giảm sản lượng, chỉ sản xuất tiêu thụ nội địa, không xuất khẩu và chờ ý kiến cân đối chỉ tiêu sản xuất từ Tập đoàn Hoa Sen), cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại giảm 21,75%. Vì bất động sản đang đóng băng đã tác động đến lĩnh vực xây dựng, ảnh hưởng đáng kể đối với nhu cầu thép trong năm 2023. Mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong quý tới, nhưng dự báo tổng nhu cầu thép trong nước chưa thể đạt mức như kỳ vọng.
- Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 19,66%. Đây là nhóm ngành cấp 2 chiếm tỷ trọng cao thứ 2 của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo, đang giảm mạnh đã ảnh hưởng đến một số ngành công nghiệp phụ trợ, tác động rất lớn đến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp.
 Trong 7 tháng năm 2023, các doanh nghiệp ngành sản xuất bàn ghế xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu những lô hàng cuối cùng và đóng cửa nhà máy; chỉ một số ít nhà máy có đơn hàng hoặc chấp nhận sản xuất đón đầu lượng nhỏ hàng hóa để giữ một bộ phận công nhân, người lao động. Tuy nhiên, trong tháng 8/2023 đã tín hiệu đơn hàng mới khi các doanh nghiệp bắt đầu tuyển dụng lao động mới, kêu gọi 1 số lao động cũ quay lại làm việc, sản lượng sản xuất tăng cao so với tháng 7/2023. Mặc dù đơn hàng mới còn khá khiêm tốn nhưng đây vẫn là xu hướng tích cực, tín hiệu lạc quan vào sự phục hồi của ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao thứ 2 của Bình Định.
Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,8%. Trong đó, sản lượng điện sản xuất giảm 1,04% (giảm ở nhóm thủy điện và điện áp mái nhà; điện mặt trời và điện gió tăng khá nhưng chiếm cơ cấu nhỏ nên tổng chung điện sản xuất vẫn giảm so với cùng kỳ); điện thương phẩm tăng 2,37% so cùng kỳ (Sản lượng điện tiêu thụ phục vụ sản xuất kinh doanh chiếm 51%, giảm 5,1%; phục vụ quản lý, tiêu dùng, phụ tải khác chiếm 49%, tăng 11,6%)
Chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,5%. Trong đó, khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,75%; Thoát nước và xử lý nước thải tăng 4,06%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 25,85% do UBND Tỉnh bổ sung kinh phí để tăng tần suất và mở rộng phạm vi thu gom trên địa bàn tỉnh.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ (%)

2.2. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Chỉ số sử dụng lao động tháng 8 năm 2023 giảm 0,07% so với tháng trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 4,89%; Sản xuất và phân phối điện tăng 0,25%; Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,09%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ ổn định so tháng trước.
Chỉ số sử dụng lao động tháng 8 năm 2023 giảm 5,01% so cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 10,8% do thu hẹp sản xuất ở ngành khai thác titan (ngành này lao động giảm 32,38%); Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,6% (nguyên nhân do ngành chiếm tỷ trọng lao động cao nhất là ngành Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (chiếm gần 40%) giảm 16,31%, ngành Sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 48,59%, ngành Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (chiếm 3%) giảm 13,94%); Sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 3,64%; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,56%.
Theo loại hình doanh nghiệp, so với cùng kỳ chỉ số sử dụng lao động tháng 8 năm 2023 của khối doanh nghiệp Nhà nước tăng 1,66%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,05%; riêng doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 7,27%.
3. Đầu tư
Đầu tư công có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế của địa phương, bên cạnh đó đầu tư công còn là công cụ của Nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, và là vốn mồi, dẫn dắt đầu tư, góp phần khơi dậy tiềm năng to lớn trong nhân dân. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong quá trình triển khai đối với nguồn vốn đầu tư công là rất cần thiết. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc tăng cường, quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công là rất cần thiết.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 8 tháng năm 2023 diễn ra thuận lợi và ổn định theo đúng kế hoạch đề ra đảm bảo đúng Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 10/4/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý năm 2023.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 8/2023 ước đạt 782,1 tỷ đồng, giảm 26,6% so tháng trước và giảm 28,3% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 5.619 tỷ đồng, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022, đạt 62,7% kế hoạch năm, trong đó:
- Vốn Ngân sách cấp tỉnh đạt 3.180,5 tỷ đồng, giảm 5,3%, đạt 56,7%;
- Vốn Ngân sách cấp huyện đạt 1.857,9 tỷ đồng, tăng 16,6%, đạt 55,5%;
- Vốn Ngân sách cấp xã đạt 580,6 tỷ đồng, giảm 2,7%.

Tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh
Tỉnh Bình Định là một trong những hạt nhân thúc đẩy kinh tế khu vực trọng điểm miền Trung, năm 2023 tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển mạnh hạ tầng giao thông, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, du lịch.
Tiếp bước năm trước, năm 2023 Bình Định rất chú trọng việc xây dựng đồng bộ các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tạo đà để phát triển kinh tế trong tỉnh và các vùng lân cận.
4. Hoạt động ngân hàng
Ước tính đến cuối tháng 8/2023, tổng số dư huy động của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt 99.500 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ và tăng 10,2% so với tháng 12/2022.
Tổng dư nợ cho vay tính đến 31/8/2023 ước đạt 99.300 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ và tăng 3,8% so với tháng 12/2022.
Ước tính đến 31/8/2023 nợ xấu trên địa bàn chiếm tỷ lệ 0,76% so với tổng dư nợ.
5.Thương mại, XNK

5.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Hoạt động ngành thương mại, dịch vụ tháng 8/2023 trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động với nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu, kết nối, xúc tiến thương mại được triển khai như Hội chợ giới thiệu sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng các vùng dân tộc thiểu số và miền núi và các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh với hơn 80 sản phẩm; Triển lãm và Hội thi Sinh vật cảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên mở rộng năm 2023. Tiếp nối nhiều sự kiện được tổ chức trong tháng 7/2023 như: Sự kiện “Gặp gỡ Nhật Bản, Bình Định”; Ngày Quốc tế Yoga lần thứ IX tỉnh Bình Định; Giải Võ cổ truyền các võ đường tỉnh Bình Định tranh cúp Hoàng đế Quang Trung năm 2023; Liên hoan Diều Quy Nhơn - Bình Định; Vòng chung kết toàn quốc Miss World Việt Nam 2023 tại TP. Quy Nhơn;…Tháng 8/2023 tiếp tục với nhiều chương trình quảng bá du lịch hấp dẫn như: Liên hoan Lân Sư Rồng Đất Võ Quy Nhơn - Bình Định lần thứ II năm 2023; Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Định năm 2023; tổ chức cuộc thi Đầu bếp giỏi;… thu hút nhiều lượt khách tham gia.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2023 ước đạt 9.191,2 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 19,5% so cùng kỳ, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 6.773,1 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 8,3% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.493,4 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 72,5% so cùng kỳ; Dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch dự tính trong tháng 8/2023 ước đạt 143,1 tỷ đồng, tăng 13,6% so với tháng trước, tăng 239,1% so cùng kỳ (do cùng kỳ năm trước người dân vẫn hạn chế đi du lịch do lo ngại dịch Covid-19, dịch vụ lữ hành hoạt động còn hạn chế); doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác tháng 8/2023 ước đạt 781,6 tỷ đồng, tăng 6% so tháng trước và tăng 47,5% so cùng kỳ năm trước.
Hoạt động ngành thương mại 8 tháng đầu năm 2023, phát triển ổn định. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng tăng khá. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 68.584,3 tỷ đồng, tăng 17,8% so cùng kỳ. Đây chính là điểm sáng của khu vực thương mại, dịch vụ bởi sự phục hồi mạnh mẽ, đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng liên tục trong hơn một năm qua, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Bình Định.
Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 438,9 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức, tăng 168% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động dịch vụ khác 8 tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 4.851,7 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng mức, tăng 22,8% so với cùng kỳ.
5.2. Xuất, nhập khẩu hàng hoá
Năm 2023 là một năm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu khi nền kinh tế trên thế giới đang lạm phát cao; kinh tế thế giới suy thoái mạnh,... kéo theo sức mua, tiêu dùng toàn cầu giảm, đơn hàng xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực đã giảm mạnh. Việc thiếu hụt đơn hàng, sản xuất khó khăn, chi phí sản xuất ngày càng gia tăng, gây quá nhiều áp lực cho doanh nghiệp.
a. Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2023 ước đạt 125,1 triệu USD, tăng 3,2% so tháng trước và giảm 13,8% so cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 980,1 triệu USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm trong 8 tháng tăng khá so cùng kỳ như xuất khẩu hàng rau quả đạt 1,4 triệu USD, hơn 5 lần (tuy nhiên mặt hàng này chỉ chiếm 0,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh); xuất khẩu gạo đạt 41,1 triệu USD, tăng 30,3%; xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 55,2 triệu USD, tăng 33,3%; xuất khẩu hàng dệt may đạt 233,5 triệu USD, tăng 23%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1,2 triệu USD, tăng 263,7%. Tuy nhiên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh giảm sâu trong 8 tháng đầu năm như xuất khẩu hàng thủy sản đạt 77,1 triệu USD, giảm 22,8%; sản phẩm từ chất dẻo đạt 98,3 triệu USD, giảm 27,2%; xuất khẩu gỗ đạt 191,7 triệu USD, giảm 11,8%;  xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 246,5 triệu USD, giảm 29,5%...

b. Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 8/2023 ước đạt 31,1 triệu USD, giảm 16,2% so với tháng trước và giảm 28,9% so cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 281,1 triệu USD, giảm 11,2% so cùng kỳ.
Trong đó, nhập khẩu nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm đạt 13,8 triệu USD, tăng 29,3%; phân bón đạt 22,7 triệu USD, tăng 176,5%; vải đạt 49,1 triệu USD, tăng 38,4% so cùng kỳ; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng đạt 33,5 triệu USD, tăng 41,%; Trong khi đó, hàng thủy sản đạt 59,6 triệu USD, giảm 17,7%; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 29,7 triệu USD, giảm 42%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 42,5 triệu USD, giảm 28,7%...
5.3. Vận tải hành khách và hàng hóa
Tháng 8 vẫn còn là tháng hè nên lượng khách đến tỉnh tham quan vẫn còn sôi động, tuy nhiên so với tháng 7 sản lượng sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa giảm hơn tháng 8 do thời tiết nắng nóng, người dân hạn chế đi ra đường, .
Ngày 15/8/2023, Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đồng loạt ra quân kiểm tra ô tô kinh doanh vận tải hành khách và ô tô vận tải hàng hóa bằng container nhằm phát hiện kịp thời, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của chủ phương tiện và lái xe; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và tập trung xử lý từ gốc các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông; Góp phần tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, tạo môi trường lành mạnh trong kinh doanh vận tải, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân và kiềm chế tai nạn giao thông.   
a. Vận tải hành khách
Tổng lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thuỷ tháng 8/2023 ước đạt 3.482,7 nghìn hành khách, luân chuyển 349,7 triệu HK.km. So tháng trước, vận chuyển giảm 6,2%, luân chuyển giảm 5,7%. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 4,2%, luân chuyển tăng 9,5%.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thuỷ ước đạt 27.588,1 nghìn hành khách, luân chuyển 2.700,8 triệu HK.km. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 25,6%, luân chuyển tăng 25,5%.
b. Vận tải hàng hoá
Tổng lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thuỷ tháng 8/2023 ước đạt 2.897,6 nghìn tấn, luân chuyển 406,5 triệu tấn.km. So tháng trước, vận chuyển giảm 2,2%, luân chuyển tăng 2,9%. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 8%, luân chuyển tăng 5,9%.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thuỷ ước đạt 22.686,7 nghìn tấn, luân chuyển 3.209,7 triệu tấn.km. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 9,2%, luân chuyển tăng 7,7%.
Hàng hoá thông qua cảng biển tại địa phương trong tháng 8 năm 2023 ước đạt 1.245 nghìn TTQ, tăng 10,7% so với tháng trước, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, ước đạt 7.720,5 nghìn TTQ giảm 20,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 8, Dự án nâng cấp bến số 1 - Cảng Quy Nhơn có tổng mức đầu tư hơn 546 tỷ đồng, thi công từ tháng 5/2022, hoàn thành vượt tiến độ 90 ngày so với kế hoạch ban đầu. Dự án đã mở rộng ra phía khu nước trước bến cũ với chiều rộng 35 m; tổng chiều dài bến sau khi nâng cấp là 480 m, đảm bảo tiếp nhận đồng thời 2 tàu hàng tổng hợp, tàu container 30.000 DWT đầy tải. Kết cấu bến cũng thiết kế đảm bảo neo đậu cho tàu hàng tổng hợp, tàu container 50.000 DWT đầy tải trong giai đoạn sau khi hoàn thành nạo vét khu nước trước bến, phù hợp với tiến trình nâng cấp, mở rộng tuyến luồng hàng hải Quy Nhơn đã được Bộ GTVT phê duyệt.
c. Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ và bưu chính, chuyển phát
Tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đường thủy và bưu chính, chuyển phát tháng 8/2023 ước đạt 932,5 tỷ đồng, giảm 0,3% so tháng trước, tăng 12,6% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 156,7 tỷ đồng, giảm 1,3% so với tháng trước, tăng 16,5% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa đạt 484,2 tỷ đồng, giảm 0,6% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ; dịch vụ kho bãi và hoạt động hỗ trợ vận tải khác đạt 289,1 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 13,7% so với cùng kỳ; bưu chính, chuyển phát đạt 2,5 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đường thủy và bưu chính, chuyển phát ước đạt 7.073,1 tỷ đồng, tăng 12,2% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách 1.176,4 tỷ đồng, tăng 31,3%; vận tải hàng hóa đạt 3.712,8 tỷ đồng, tăng 8,4%; dịch vụ kho bãi và hoạt động hỗ trợ vận tải khác đạt 2.165,4 tỷ đồng, tăng 10,1%; bưu chính, chuyển phát đạt 18,5 tỷ đồng, tăng 12,4% so cùng kỳ.
6. Chỉ số giá
Tháng 8/2023 là tháng cuối mùa du lịch tại Bình Định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm và sử dụng các dịch vụ của người dân tăng đã làm cho chỉ số giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng bình quân 8 tháng đầu năm 2023 tăng 2,88% so với cùng kỳ. Tỉnh ủy, UBND, tỉnh đã chỉ đạo điều hành giá quyết liệt, sâu sát. Giá cả hàng hóa và dịch vụ trong tầm kiểm soát đã góp phần ổn định và tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến đầu tư và sản xuất kinh doanh.
6.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2023 giảm 0,17% so với tháng trước.
CPI tháng 8 năm 2023 giảm so với tháng trước chủ yếu do giá nhóm giao thông giảm 5,4%. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,22% do giá vật liệu xây dựng giảm giá như: sắt thép giảm 1,67%. Có duy nhất một nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,9%. Riêng 8 nhóm: đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón và giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá ổn định so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ bình quân 8 tháng đầu năm 2023 tăng 2,88% so với cùng kỳ năm 2021, là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm từ 2020 – 2023, do một số nguyên nhân:
Thứ nhất: Nhóm Giao thông tăng 15,33% do Liên Bộ Tài chính và Công Thương điều chỉnh tăng giá chủ yếu, nên nhóm nhiên liệu tăng 40%, tác động trực tiếp đến giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 17,27%. 
Thứ hai: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 4,38%, do chịu tác động của nhóm rượu bia; đồ uống không cồn; thuốc hút lần lượt tăng 5,98%; 3,72%; 3,46%.
Thứ ba: Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 3,32%, do may mặc; may mặc khác và mũ nón; mũ nón; giầy, dép; dịch vụ may mặc, mũ nón, giày dép lần lượt tăng: 4%; 2,87%; 4,15%; 2,3%; 0,9%.
Thứ tư: Nhóm Hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 2,76% do tác động tăng của nhóm thực phẩm tăng 2,03%; trong đó, thịt gia cầm tăng 12,47%; trứng các loại tăng 9,38%; thủy sản tươi sống tăng 4,34%; rau tươi và khô chế biến tăng 11,13%. Ngược lại, lương thực giảm 0,42%, do giá gạo giảm 5,17%.
Thứ năm: Nhóm Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 2,48%; nguyên nhân do vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 10,5%; giá gas và các loại chất đốt khác tăng 20,64%.
Thứ sáu: Nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,2%, chủ yếu tăng ở đồ dùng trong nhà tăng 3,11%; dịch vụ trong gia đình tăng 2,27%.
6.2. Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Tháng 08 năm 2023, giá vàng thế giới vẫn tiếp tục tăng đã ảnh hưởng đến giá vàng trong nước tăng. Chỉ số giá vàng tháng 8/2023 tăng 0,27% so với tháng trước; tăng 0,38% so với tháng 12/2021 và tăng 2,31% so với cùng kỳ; bình quân 8 tháng đầu năm 2023 tăng 4,16% so cùng kỳ.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2023 tăng 0,18% so với tháng trước; tăng 2,42% so với tháng 12/2021 và tăng 2,35% so với cùng kỳ; bình quân 8 tháng đầu năm 2023 tăng 0,06% so cùng kỳ.
6.3. Chỉ số cước vận tải
Trong tháng 8/2023, Liên Bộ Tài chính và Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 22/8/2023 với mức bình quân: xăng A95 giảm bình quân 4.590 đồng/lít; xăng E5 giảm bình quân 3.945 đồng/lít; giá dầu diezen giảm bình quân 3.557 đồng/lít. Tuy nhiên, giá cước vận tải, kho bãi tháng 8/2023 vẫn có chiều hướng tăng nhẹ. Chỉ số chung giá cước vận tải, kho bãi tăng 0,08% so tháng trước và tăng 1,61% so cùng kỳ. Giá cước vận tải hành khách tăng 0,56% so tháng trước và tăng 6,29% so cùng kỳ. Giá cước vận tải hàng hóa giữ ổn định so tháng trước và tăng 1,02% so cùng kỳ.
 
[1] Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng giai đoạn 2019-2023 tăng lần lượt: 7,91%; 4,81%; 6,91%; 6,58%; 0,92%.

Tác giả bài viết: Phạm Thị Chung Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Số:1100/QĐ-CTK

Quyết định về việc ban hành Lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2024

lượt xem: 321 | lượt tải:66

Số:189 /KH-UBND

KH-Triển khai thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

lượt xem: 272 | lượt tải:144

Số: 4072/QĐ-UBND

Quyết định thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

lượt xem: 273 | lượt tải:84

Số: 1082/QĐ-CTK

Quyết định về việc ban hành Lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2023

lượt xem: 156 | lượt tải:36

Số: 879/QĐ-TCTK

Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

lượt xem: 1015 | lượt tải:256
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập180
  • Máy chủ tìm kiếm75
  • Khách viếng thăm105
  • Hôm nay34,251
  • Tháng hiện tại641,822
  • Tổng lượt truy cập41,989,619
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây