Một số đánh giá về thông tin thống kê qua kết quả điều tra nhu cầu và mức độ hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2020
Thứ sáu - 04/06/2021 17:13
Trong những năm qua, ngành Thống kê đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện phương pháp chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng số liệu và đẩy mạnh phổ biến thông tin thống kê, góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội phục vụ Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của người dùng tin trong và ngoài nước.
Thực hiện Quyết định số 1234/QĐ-TCTK ngày 08/8/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Cục thống kê tỉnh Bình Định đã tiến hành Điều tra nhu cầu và mức độ hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê năm 2020 thông qua 2 hình thức webform và phiếu giấytrên phạm vi toàn tỉnh với quy mô 200 mẫu điều tra. Theo kết quả cuộc điều tra, trong số196 người trả lời, chiếm100% số người đã sử dụng thông tin thống kê, có 102 người đánh giá thông tin thống kê rất có tác dụng, chiếm 52%, tính chung cả nước trong cuộc điều tra năm 2020 là 46,7%; có 90 người cho rằng có tác dụng, chiếm 45,9%. Tính chung số người đánh giá thông tin thống kê rất có tác dụng và có tác dụng chiếm tỷ lệ 97,9%, tỷ lệ này của cả nước trong cuộc điều tra năm 2020 là 97,7%. Về tính kịp thời của thông tin thống kê, có 196 người cho biết ý kiến đánh giá về nội dung này, chiếm 100% số người đã sử dụng thông tin thống kê, trong đó 39,8% cho rằng thông tin thống kê rất kịp thời; có 54,1% cho rằng thông tin thống kê tương đối kịp thời. Các tỷ lệ tương ứng trong cuộc điều tra năm 2017 là: 18,9%; 70,3% và tính chung cả nước trong cuộc điều tra năm 2020 lần lượt là 27,3%; 65,4%. Về tính đầy đủ, có194 người đưa ra ý kiến đánh giá, chiếm 99% số người đã sử dụng thông tin thống kê, trong đó 80 người cho rằng thông tin thống kê đầy đủ, chiếm 41,2%, tính chung cả nước trong cuộc điều tra năm 2020 là 30,8%; có 102 người cho rằng thông tin thống kê tương đối đầy đủ, chiếm 52,6%. So sánh với kết quả của cuộc điều tra năm 2017, tỷ lệ người đánh giá thông tin ngành Thống kê phổ biến, cung cấp đầy đủ và tương đối đầy đủ tăng đáng kể, từ 87,2% (năm 2017) lên 93,8% (năm 2020). Điều này phản ánh đúng thực tế vì trong những năm vừa qua ngành Thống kê đã không ngừng nâng cao chất lượng công tác thống kê từ khâu thu thập đến khâu biên soạn, phân tích, dự báo thống kê với nhiều góc nhìn, chuyên sâu, cũng như công tác phổ biến thông tin thống kê. Về độ tin cậy, có 195 người đưa ra ý kiến đánh giá, chiếm 99,5% số người đã sử dụng thông tin thống kê, trong đó 55,9% cho rằng đáng tin cậy (tính chung cả nước trong cuộc điều tra năm 2020 là 50,5%); 42,1% cho rằng thông tin ở mức tương đối tin cậy. Như vậy, tỷ lệ đánh giá thôngtin thống kê đáng tin cậy và tương đối tin cậy khá cao với 98%. Đây là kết quả của việc ngành Thống kê không ngừng đổi mới công tác phương pháp chế độ thống kê, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tăng cường công tác kiểm tra giám sát hoạt động thu thập thông tin thống kê. Để tăng cường hoạt động sản xuất, phổ biến thông tin thống kê, trong thời gian tới ngành Thống kê cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các biện pháp nhằm đáp ứng ngày càng đầy đủ và đa dạng hơn nhu cầu của người sử dụng thông tin thống kê, trong đó tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:
Môt là, tăng cường công tác thông tin đầu vào thông qua việc chuẩn hóa, hiện đại hóa công tác thu thập thông tin thống kê, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin thống kê với Bộ, ngành để thu thập đầy đủ, kịp thời số liệu thống kê, cũng như tạo sự thống nhất số liệu thống kê trong hệ thống thống kê Nhà nước.
Hai là, tiếp tục lấy phương châm “Hướng về người dùng tin” làm mục tiêu để đẩy mạnh hoạt động sản xuất và phổ biến thông tin thống kê. Bên cạnh việc phát triển các lĩnh vực thống kê mà người dùng tin ưa chuộng trong thời gian tới thì ngành Thống kê cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phân tích và dự báo thống kê, đặc biệt những vấn đề có tính thời sự, với nhiều góc nhìn chuyên sâu, từ đó cung cấp một bức tranh đầy đủ, toàn cảnh không chỉ bao gồm số liệu mà có những phân tích sắc sảo, giúp cung cấp thông tin và định hướng dư luận.
Ba là, đa dạng hóa hình thức phổ biến thông tin. Tăng cường và nâng cao chất lượng các buổi họp báo công bố thông tin thống kê. Đẩy mạnh ứng dụng hình ảnh hóa dữ liệu (infographics) trong phổ biến thông tin thống kê. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến Lịch phổ biến thông tin thống kê Nhà nước, kiến thức và pháp luật thống kê cũng như về ngành Thống kê trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội...
Bốn là, định kỳ 3 năm tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu và mức độ hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê nhằm kịp thời nắm bắt tình hình sử dụng thông tin thống kê cũng như tìm hiểu nhu cầu của các nhóm đối tượng sử dụng thông tin thống kê, trên cơ sở đó hoàn thiện công tác sản xuất và phổ biến thông tin thống kê, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dùng tin./.