Một số giải pháp nâng cao đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của Bình Định

Thứ sáu - 05/07/2019 20:43
Năng suất các ngành kinh tế, nền kinh tế và năng suất của doanh nghiệp là một trong các vấn đề luôn được quan tâm tại Việt Nam trong đó có Bình Định. Các chỉ tiêu về năng suất như năng suất lao động, năng suất vốn, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP),… là những số liệu quan trọng giúp theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Một số giải pháp nâng cao đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của Bình Định
 

Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng TFP tỉnh Bình Định trong 3 năm 2016-2018 có xu hướng tăng lên, cho thấy sự thay đổi về chất lượng tăng trưởng, trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chất lượng nguồn lao động, chất lượng vốn đầu tư, thay đổi về phương thức quản lý để sử dụng lao động và vốn hiệu quả hơn. Riêng năm 2018, tốc độ tăng TFP có sự đột biến đạt 2,79%, cao hơn tốc độ tăng của hai năm 2016 và 2017 lần lượt là 0,99 và 0,84 điểm phần trăm (Tốc độ tăng TFP của Việt Nam qua 3 năm 2016-2018 lần lượt là 2,16%, 2,63% và 3,08%). Thực tế bức tranh kinh tế - xã hội một vài năm gần đây cho thấy hoạt động du lịch, dịch vụ tại địa bàn tỉnh Bình Định có sự bức tốc so với giai đoạn trước, các hoạt động kinh tế phục vụ du lịch phát triển mạnh đã tạo ra nhiều việc làm mới trong khu vực dịch vụ, qua đó cải thiện tích cực năng suất lao động chung của tỉnh, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng TFP.

  So sánh cả 4 tốc độ tăng: Tốc độ tăng GRDP, tốc độ tăng TSCĐ, tốc độ tăng lao động và tốc độ tăng TFP, trong giai đoạn 2016-2018, GRDP có mức tăng khá, năm sau tăng cao hơn mức tăng năm trước, đầu tư TSCĐ liên tục tăng trên 10%, lao động tăng thấp trong năm 2017, TFP tăng nhanh dần qua các 3 năm 2016-2018. Cũng có thể thấy, đây là hiệu quả của vốn đầu tư từ những năm trước tác động tới sự tăng trưởng.

  Xét theo đóng góp của tăng TFP vào tăng GRDP của tỉnh, trong 3 năm (từ 2016-2018) tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng GRDP có sự khác biệt giữa các năm và có xu hướng tăng. Năm 2016, TFP đóng góp vào tăng GRDP đạt 28,36%, đóng góp của tăng vốn cố định là 63,07%, còn lại 8,57% là đóng góp của tăng lao động. Đến năm 2017, tăng vốn đóng góp 62,21%, đóng góp của tăng lao động ở mức 7,82%, tăng TFP đóng góp 29,97%. Năm 2018 đóng góp của tăng TFP là 39,49%, trong khi đó, đóng góp của tăng vốn đạt 56,02%, đóng góp của tăng lao động đạt 4,49%.

  Các đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh tập trung chủ yếu vào tăng vốn và tăng TFP. Bình quân giai đoạn 2016-2018, tăng TFP đóng góp 33,18%, yếu tố vốn và lao động đóng góp lần lượt 60,02% và 6,8% (Đóng góp của tăng TFP vào tăng GDP của Việt Nam 3 năm 2016-2018 lần lượt là 33,5%, 39,5% và 43,5%, bình quân 3 năm là 43,29%). Như vậy, bình quân 3 năm 2016-2019, đóng góp của tăng TFP vào tăng GRDP của Bình Định thấp hơn 10,11 điểm phần trăm so với cả nước.

Tăng TFP là yếu tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Trong đó, trình độ nguồn nhân lực là quyết định, nâng cao năng suất lao động sẽ tác động tích cực lên tăng TFP. Nhìn chung, năng suất lao động xã hội trên địa bàn tỉnh còn thấp do nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm, các ngành công nghiệp, dịch vụ còn chiếm tỷ trọng thấp. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018 tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong GRDP của Bình Định là 26,1%, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 14,6%.

Thứ hai, lao động trong khu vực nông nghiệp còn lớn, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp. Những năm qua, tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã giảm từ 53,4% năm 2010 xuống còn 37,4% năm 2018 (trung bình mỗi năm giảm khoảng 2,6 điểm phần trăm). Đến năm 2018, có 344,3 nghìn lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, trong khi năng suất lao động khu vực này chỉ đạt 53,4 triệu đồng/lao động, bằng 69,9% mức năng suất chung của tỉnh; bằng 61,0% năng suất lao động khu vực công nghiệp – xây dựng và bằng 64,7% năng suất lao động các ngành dịch vụ.

Thời gian qua, khu vực nông thôn đang có sự chuyển dịch lao động từ ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản sang các ngành phi nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Theo kết quả Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2016, trên địa bàn nông thôn có 250,9 nghìn người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động hoạt động chính là sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, chiếm 50,08% tổng số lao động nông thôn, giảm 2,26% so với năm 2011; 233,6 nghìn người hoạt động chính trong các ngành nghề phi nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, chiếm 46,64% tổng số lao động và tăng 0,24%. Điều này đã góp phần nâng cao năng suất lao động chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế lao động di chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp chủ yếu lại chuyển sang làm trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn hạn chế, chưa tác động tăng năng suất nội ngành. Như vậy, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện chiếm tới 37,4% lao động của cả tỉnh nhưng khu vực này mới chỉ tạo ra 26,1% GRDP. Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho năng suất lao động của Bình Định thấp.

Thứ ba, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ sản xuất còn lạc hậu; chưa thu hút được các doanh nghiệp có năng lực triển khai các dự án có quy mô lớn, hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao để tạo bước đột phá và chuyển biến mạnh trong phát triển công nghiệp, đủ sức cạnh tranh với thương hiệu mạnh. Thực tế quy mô và số lượng doanh nghiệp Bình Định còn thấp, theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 4.384 doanh nghiệp (chiếm 0,87% so với cả nước), trong đó số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm 95,9% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh.

Thứ tư, chất lượng và hiệu quả sử dụng lao động còn thấp. Đến cuối năm 2018, chỉ có 20,5% lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó khu vực nông thôn rất thấp, chỉ đạt 16,4%. Tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ hoặc không phù hợp giữa công việc và trình độ đào tạo còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành kỷ luật lao động không cao.

Một số giải pháp chủ yếu nâng cao đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh:

Thứ nhấttiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước; triển khai có hiệu quả công tác tinh giản biên chế, sắp xếp bên trong gắn với việc củng cố, hợp nhất một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp theo quy định.

Thứ hai,tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tế, gắn với thị trường và thích nghi biến đổi khí hậu. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn để chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn; chuyển dịch trong nội bộ ngành công nghiệp từ sản xuất dựa vào lao động sang dựa vào công nghệ, hàng hoá có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt tập trung thu hút phát triển công nghệ nguồn gắn với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hoá, trí tuệ nhân tạo.

Thứ ba,thực hiện tốt chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, tín dụng… đối với các doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất để tăng năng suất. Thực tế cho thấy một công nhân được trang bị ít vốn hay có công nghệ thấp, họ có thể rất lành nghề và làm việc rất siêng năng nhưng vẫn có năng suất lao động thấp, do đó vai trò của đầu tư công nghệ mới và các dây chuyền tự động hoá rất quan trọng trong sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tức là năng suất lao động được nâng cao. Những năm vừa qua, tỉnh Bình Định đã sử dụng một nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển. Các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh tiến độ, nhất là các dự án, công trình trọng điểm có tầm ảnh hưởng tích cực đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nguồn vốn đầu tư phát triển đi đúng hướng tập trung vào cơ sở hạ tầng, giao thông thuỷ lợi thiết yếu. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục triển khai đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của xã hội và hội nhập. Tăng cường chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong các doanh nghiệp, nhất là lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Đầu tư cho giáo dục theo hướng xã hội hoá, hiện đại hoá là tiền đề quan trọng góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, phát triển con người và nâng cao tiến bộ xã hội.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng công tác quản lý trong quá trình vận hành hoạt động kinh tế, trong đó có chất lượng công tác quản lý về con người, về vốn đầu tư nhằm mang lại năng suất lao động, hiệu quả vốn đầu tư tối ưu hơn. Bình Định là một tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên,Nam Làovà Đông Bắc Campuchia.Đây là lợi thế để Bình Định phát triển kinh tế-xã hội theo hướng công nghiệp hóa -hiện đại hóa.Vì vậy, Bình Định đang và sẽ rất cần một lực lượng lớn lao động có trình độ, kỹ năng và tay nghề để phát huy được lợi thế này.

Do đó, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ của tỉnh nói chung, của khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh nói riêng.

Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức; đào tạo cán bộ chuyên môn, khoa học, công nghệ có trình độ cao đáp ứng giai đoạn phát triển mới của tỉnh. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động chuyển giao công nghệ. Đồng thời thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao ngoài tỉnh về làm việc với việc nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo, chất lượng của đội ngũ giảng dạy tại địa phương, đổi mới phương pháp đào tạo gắn với thực tiễn tránh tình trạng thất nghiệp sau khi học hoặc cơ sở tuyển dụng phải đào tạo lại.

Thứ năm, khuyến khích, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tăng cường công tác thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ thông tin về các hiệp thương mại Viêt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với EU./.

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Số 757/QĐ-CTK

Quyết định ban hành lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2024

lượt xem: 75 | lượt tải:26

Số 62/2024/NĐ-CP

Nghị định Số 62/2024/NĐ-CP

lượt xem: 113 | lượt tải:33

Số:1100/QĐ-CTK

Quyết định về việc ban hành Lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2024

lượt xem: 474 | lượt tải:100

Số:189 /KH-UBND

KH-Triển khai thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

lượt xem: 483 | lượt tải:335

Số: 4072/QĐ-UBND

Quyết định thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

lượt xem: 519 | lượt tải:140
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay3,288
  • Tháng hiện tại92,615
  • Tổng lượt truy cập49,691,376
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây