Tham dự có các nhà khoa học, nhiều chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. Báo cáo đề dẫn mở đầu hội thảo của Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh, địa phương đã phân tích các yếu tố tiềm năng, thực trạng phát triển KT-XH, đặt ra mục tiêu phát triển của địa phương trên cơ sở phát huy các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm tỉ trọng ngành nông, lâm, thủy sản.
An Lão là huyện miền núi vùng cao, tuy có nhiều tiềm năng nhưng nhân lực,nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; công nghiệp, thương mại dịch vụ còn nhỏ lẻ và manh mún; văn hoá, giáo dục, y tế còn chậm phát triển; nguồn thu ngân sách của huyện rất thấp, chủ yếu được bổ sung từ ngân sách cấp trên, cấp huyện không thể chủ động đề ra những cơ chế, chính sách. Thu nhập bình quân đầu người so với mặt bằng chung còn thấp; cơ hội kết nối, thông thương với vùng lân cận hết sức khó khăn do hệ thống giao thông xuống cấp chưa được đầu tư đúng mức. Vì vậy, cần sự hỗ trợ tích cực của Trung ương, của tỉnh về cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, kể cả nguồn lực; cần phải tháo gỡ khó khăn, xác định cách tiếp cận, thay đổi hoàn toàn cách nghĩ, cách làm để tìm ra giải pháp đột phá; nhân tố chính để An Lão phát triển là thu hút các doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư; định hướng phát triển công nghiệp gắn với chế biến sản phẩm đặc thù của địa phương; cần phải quyết định trồng loại cây gì, với quy mô lớn để có thể phát triển; nếu phát triển cây dược liệu cần phải có sự hỗ trợ của doanh nghiệp, đồng thời xem tài nguyên văn hóa như nguồn lực chính.
An Lão là huyện miền núi nhưng lại có nhiều lợi thế về tiềm năng khí hậu, thủy văn, đất đai và nhân lực lao động trong việc phát triển sản xuất cây trồng theo hướng hàng hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị canh tác. Các sản phẩm cây trồng của địa phương như lúa nước, lúa nương, cây họ đậu, bắp, tiêu, dâu tằm, chuối, cây ăn trái có múi, cây dược liệu... đã và đang góp phần ổn định an ninh lương thực tại chỗ và nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, người dân trên địa bàn huyện chủ yếu canh tác theo phương thức quảng canh và lựa chọn cây trồng sản xuất theo tính tự phát. Do đó, việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn huyện trong thời gian qua chưa triệt để nên các lợi thế so sánh chưa cao, hiệu quả sản xuất trên đơn vị đất canh tác chưa ngang tầm với tiềm năng vốn có.
Để cải thiện đời sống cộng đồng dân cư, lãnh đạo địa phương cùng toàn thể các ban, ngành đang định hướng phát triển các loại cây trồng nông nghiệp theo hướng hợp lý và bền vững; quy hoạch các loại cây trồng theo từng vùng sản xuất hợp lý về khí hậu, đất đai, nhân lực và cơ sở hạ tầng; tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực thủy lợi và giao thông. Quan tâm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực tưới cho các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nghiên cứu và hoàn thiện quy trình canh tác hợp lý cho các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế là sầu riêng, cây có múi, chuối, rau màu các loại…
Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện An Lão có những kinh nghiệm sản xuất, những nét văn hóa truyền thống, những phương thức sinh kế đặc trưng có giá trị. Tuy nhiên vẫn còn thiếu tư liệu sản xuất, ít cơ hội tiếp cận các tiến bộ khoa học kĩ thuật mới; thu nhập từ sản xuất nông, lâm nghiệp còn thấp.
Để phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện An Lão, cần dựa trên cơ sở phát triển toàn diện nguồn lực sinh kế của đồng bào. Trong đó, quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn lực con người thông qua ưu tiên giáo dục và đào tạo nghề; tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính bằng nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực vật chất bằng ưu tiên hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Phát triển mô hình sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hỗ trợ các khóa bồi dưỡng kiến thức và giảm nhẹ rủi ro, nâng cao khả năng thích ứng, chủ động chống đỡ dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Để kêu gọi và huy động nguồn lực đầu tư trên địa bàn huyện một cách hiệu quả, trong giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2035 nên đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư; trong đó ngân sách nhà nước là chủ yếu, chú trọng huy động vốn ưu đãi ODA, tăng cường thu hút sự tham gia của các Doanh nghiệp vào địa bàn.
Về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp, cần tính toán, dành nguồn lực đầu tư hợp lý để phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch trong các cụm công nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư. Vận động thu hút các Doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư cơ sở hạ tầng ở các cụm công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với đề án việc làm. Chú trọng thông tin tuyên truyền, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến với Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh việc công khai, minh bạch thông tin, nhất là các danh mục đầu tư, vấn đề quy hoạch đất, quỹ đất để các nhà đầu tư biết và tiếp cận. Rút ngắn thủ tục hành chính; quan tâm, tạo điều kiện cho nhà đầu tư sau khi có quyết định đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thúy Vân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn