Bình Định là tỉnh dẫn đầu khu vực duyên hải Nam Trung Bộ trong phong trào trồng rừng sản xuất. Hiện trên địa bàn tỉnh có đến 110.124ha rừng trồng. Tuy nhiên, người trồng rừng thường “ăn non”, do đó không khai thác hết tiềm năng kinh tế của rừng trồng. Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đều nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Khi rừng trồng cây gỗ lớn được hình thành thì áp lực về gỗ nguyên liệu sẽ giảm bớt, người trồng sẽ có lãi nhiều hơn. Những năm qua, ngành chế biến sản phẩm đồ gỗ đóng vai trò quan trọng, đây là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỉ trọng khá (chiếm khoảng 30%) trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Định.
Từ năm 2013 đến nay, ngành chế biến sản phẩm đồ gỗ Bình Định xuất khẩu năm sau xuất khẩu cao hơn năm trước(riêng năm 2016 giảm hơn năm 2015 do sự kiện Brexit và nhất là sự biến động tỷ giá ngoại hối đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này. Trước mắt mặt hàng sản phẩm gỗ xuất qua thị trường Anh đang trong xu hướng giảm). Năm 2013, xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ đạt 184,1 triệu USD, tăng 0,2% so năm 2012; năm 2014, xuất khẩu đạt 217,7 triệu USD, tăng 18,2% so năm 2013; năm 2015 xuất khẩu đạt 233,8 triệu USD, tăng 7,4% năm 2014, năm 2016 đạt 223,8 triệu USD, giảm 4,3% so năm 2015 và năm 2017 đạt 244,1 triệu USD, tăng 9% so năm 2016.
Tuy kinh tế thế giới phục hồi chậm, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu không ngừng tìm kiếm thị trường, tìm nguồn nguyên liệu đầu vào, thay đổi công nghệ chế biến hiện đại,… đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ thời kỳ 2013-2017 tăng bình quân 5,8% (kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh tăng bình quân 4,2%/năm).
Sau khi gia nhập WTO, doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đượcgiảm thuế nhập khẩu gỗ nguyên liệu cũng như giảm thuế xuất khẩu sản phẩm hàng hóa. Chi phí giảm cũng là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh cũng như tạo lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Cơ hội vàng cho ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Vấn đề còn lại là làm thế nào để khai thác tối đa lợi thế đó.
Năm 2017, ngành chế biến sản phầm đồ gỗ Bình Định có quan hệ buôn bán trực tiếp với 65 nước trên thế giới (năm 2013: 64 nước, năm 2014: 64 nước, năm 2015: 68 nước, năm 2016: 63 nước). Đây là điều đáng mừng cho xuất khẩu tỉnh nhà vì đã có thị trường ổn định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chế biến sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như:
- Các doanh nghiệp triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp năm 2017, trong đó quan trọng là coi lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù; liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản; khuyến khích đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, đổi mới khoa học công nghệ trong trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu…
- Nguồn nguyên liệu, nhu cầu nguyên liệu ngày càng lớn, yêu cầu cũng ngày một khắt khe, nhất là đòi hỏi về đảm bảo gỗ hợp pháp, là khó khăn mà không phải doanh nghiệp gỗ nào cũng vượt qua được.
Để ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu tỉnh ngày càng phát triển vững mạnh các doanh nghiệp cùng với các cấp, các ngành liên quan cần nổ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế để ngành đồ gỗ ngày càng đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Bích Thủy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn