Hướng tới cung cấp thông tin thống kê kịp thời, xác thực

Thứ ba - 26/10/2021 09:58
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, việc thay thế Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia chính là “linh hồn” của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Mục đích nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm thông tin thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách...

Chất lượng thông tin thống kê ngày càng được cải thiện

- Sau 5 năm thực hiện Luật Thống kê, xin bà đánh giá tổng quan những kết quả đạt được?

- Luật Thống kê 2015 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thống kê, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thống kê ngày càng được tăng cường. Chất lượng thông tin thống kê ngày càng được cải thiện, thông tin thống kê ngày càng đầy đủ, sát với thực tế diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; phổ biến thông tin thống kê đa dạng và phong phú. Ý thức chấp hành pháp luật thống kê của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cũng ngày càng được nâng cao...

Ảnh: Lâm Hiền
Ảnh: Lâm Hiển


Ngoài ra, sau 5 năm thực hiện Luật, sự phối hợp giữa cơ quan thống kê Trung ương với thống kê bộ, ngành có những bước tiến đáng kể. Thực hiện Luật Thống kê, nhiều bộ, ngành đã rà soát và xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê của bộ, ngành đồng bộ với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phục vụ nhu cầu quản lý của bộ, ngành theo từng lĩnh vực.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được những thành tựu mới, như: Ứng dụng công nghệ điều tra bằng thiết bị điện tử thông minh (CAPI), điều tra trực tuyến (e-form), tích hợp dữ liệu trên hệ thống, sử dụng công nghệ chuỗi khối trong truy xuất chăn nuôi, sử dụng đồ họa trong phổ biến thông tin thống kê... Nhờ đó, chất lượng thông tin thống kê ngày càng được nâng lên, đã và đang đóng góp tích cực vào việc giúp Chính phủ hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước và giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện Luật Thống kê cũng còn những bất cập: Danh mục chỉ tiêu thống kê ban hành kèm theo Luật chưa cập nhật, phản ánh kịp thời một số chính sách pháp luật, định hướng phát triển của Đảng, Quốc hội, Chính phủ mới được ban hành trong thời gian gần đây... Chính vì vậy, thời gian qua, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, trình Chính phủ, Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Bảo đảm cung cấp thông tin ở tầm vĩ mô

Bà có thể nêu khái quát một số nội dung sửa đổi của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê?

- Tại phiên họp ngày 13.10.2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung gồm:

Một là, sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 về Quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); Rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.

Hai là, sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Ba là, thay thế Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 bằng Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này.

Bà có thể nêu cụ thể hơn đối với việc thay thế Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê?

Có thể nói việc thay thế Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia chính là “linh hồn” của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Mục đích sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm thông tin thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng.

Cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung căn cứ Điều 18 Luật Thống kê “Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia theo thủ tục rút gọn”; và xuất phát từ thực tiễn: Chỉ tiêu thống kê được sửa đổi, bổ sung bảo đảm cung cấp thông tin kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô (tầm quốc gia); phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; chính sách về phát triển bền vững; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; giới và bình đẳng giới; quan hệ hội nhập quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam...

Kết cấu Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 20 nhóm và 222 chỉ tiêu. So với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13, danh mục chỉ tiêu thống kê lần này có một số thay đổi.

Về nhóm chỉ tiêu: Sửa tên 3 nhóm chỉ tiêu, cụ thể, gồm Nhóm “07. Tiền tệ và bảo hiểm” sửa tên thành “07. Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán”; Nhóm “11. Giá cả” sửa tên thành “11. Chỉ số giá”; Nhóm “13. Công nghệ thông tin và truyền thông” sửa tên thành “13. Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông” để bảo đảm phản ánh đầy đủ phạm vi theo các lĩnh vực trong nhóm.

Về chỉ tiêu: Giữ nguyên 129 chỉ tiêu thống kê còn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi và bảo đảm phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Sửa tên 46 chỉ tiêu thống kê để phù hợp tình hình thực tế và văn bản pháp luật chuyên ngành đồng thời bảo đảm so sánh quốc tế. Bổ sung 47 chỉ tiêu thống kê để phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây, như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030... Bên cạnh đó, bỏ 11 chỉ tiêu thống kê do không còn phù hợp với thực tế, không bảo đảm tính khả thi hoặc đã có trong nội dung của chỉ tiêu thống kê khác.

- Xin cảm ơn bà!


Minh Hương (Nguồn: Theo báo điện tử: daibieunhandan.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Số 757/QĐ-CTK

Quyết định ban hành lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2024

lượt xem: 75 | lượt tải:25

Số 62/2024/NĐ-CP

Nghị định Số 62/2024/NĐ-CP

lượt xem: 112 | lượt tải:33

Số:1100/QĐ-CTK

Quyết định về việc ban hành Lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2024

lượt xem: 474 | lượt tải:100

Số:189 /KH-UBND

KH-Triển khai thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

lượt xem: 483 | lượt tải:335

Số: 4072/QĐ-UBND

Quyết định thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

lượt xem: 519 | lượt tải:140
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập36
  • Hôm nay2,600
  • Tháng hiện tại91,927
  • Tổng lượt truy cập49,690,688
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây