Những năm gần đây, huyện Tây Sơn phát triển trồng cây quýt đường giống Nam bộ - Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) và Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) đem lại hiệu quả cao, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nông dân và phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương.
Huyện Tây Sơn là một huyện trung du nằm ở phía Tây tỉnh Bình Định, là nơi bắt đầu của một khu vực đồng bằng rộng lớn trên lưu vực sông Kôn và sông Hà Thanh, không giáp biển.
Toàn huyện có 10/15 xã, thị trấn có trồng cây quýt đường, tập trung các xã: xã Tây Xuân 33,5 ha, xã Tây Giang 5,4 ha, xã Bình Thành 4,4 ha; trong đó, trồng nhiều nhất tại thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân là địa bàn có diện tích lớn nhất toàn huyện 33,5 ha quýt đường. Ở xã này, có hơn 30 chủ vườn, mỗi vườn có diện tích từ 0,5 ha - 10 ha/ hộ.
Quýt đường là loại cây tương đối khó trồng, đòi hỏi các yếu tố về kỹ thuật canh tác với mật độ trồng cây cách cây 3mét x 3mét, hàng cách hàng 3mét x 3mét, thường bị các bệnh thối rễ, nấm cây, sâu vẽ bùa, bọ trĩ và bệnh nhện đỏ trên quả. Sau khi thu hoạch nhà vườn tiến hành cắt bỏ những cành khô, dọn cỏ xung quanh gốc cây, phun thuốc kích thích và bón phân để cây sinh trưởng và phát triển. Sau khi trồng từ 2-3 năm, cây quýt bắt đầu cho quả, trong giai đoạn đầu thu bói nhà vườn chỉ giữ lại một số lượng trái nhất định trên mỗi cây, để đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao sau này.
Hàng năm cây quýt đường cho thu hoạch vụ chính vào tháng 10, vụ phụ vào tháng 3, nhưng để đạt hiệu quả kinh tế nhà vườn đã áp dụng kỹ thuật để cho cây quýt ra trái vụ, thu hoạch vào khoảng tháng 5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ). Năng suất quýt  bình quân đạt 47 tạ/ha. Cây quýt cho năng suất cao sau 3 năm trồng và kéo dài khoảng 15 năm. Khi thu hoạch quýt, thương lái đến tận vườn thu mua sản phẩm.
So với thổ nhưỡng những nơi khác ở huyện Tây Sơn, đất đai ở thôn Đồng Sim phù hợp với cây quýt. Đất ở đây có đá, rất mát, loại đất này nếu trồng cây ăn trái cho quả ngọt, chất lượng hơn hẳn trồng ở trên đất thịt. Quýt đường trồng 2-3 năm sẽ cho ra trái. Tuy nhiên, sang năm thứ 3, khi cây quýt đã trưởng thành sẽ cho nhiều trái hơn.
So với các loại hoa màu khác như: mía, đậu đỗ, doanh thu từ quýt đường cao hơn. Giá quýt bán tại vườn trung bình đạt khoảng 22.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi cây quýt đường cho thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí có lãi ròng gần 150 triệu đồng/năm từ 1 ha trồng quýt đường.
Nếu như trước đây, cây trồng chủ lực của huyện Tây Sơn là cây mía; giá mía đường thấp đã gây khó khăn cho đời sống của người nông dân trong thời gian dài. Mặc dù, trồng cây quýt đường là mô hình mới, nhưng đã cho thấy sự mạnh dạn của người nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết công ăn việc làm và phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương./.
 

Tác giả bài viết: Châu Trần Xuân Trưởng