Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Bình Định tháng 7/2022 tăng 0,13% so tháng trước; tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,57% so với tháng 12 năm trước; bình quân 7 tháng đầu năm 2022 tăng 2,88% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ Tháng 7/2022 tỉnh Bình Định
     Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tháng 7/2022 so với tháng 6/2022:  3/11 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước: Tăng mạnh nhất là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,73%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,58%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,28%. Ngược lại, chỉ có nhóm giao thông giảm 2,74%. Riêng các nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giá ổn định so với tháng trước. Cụ thể:
     Nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,73% chủ yếu ở một số mặt hàng như: vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,12%, điện sinh hoạt tăng 4,58%, nước sinh hoạt tăng 4,43%, do thời tiết nắng và nhu cầu tiêu thụ điện, nước tăng cao. Ngược lại, giá gas đầu tháng 7 này điều chỉnh giảm 1,28%.
     Nhóm thực phẩm vẫn tiếp tục tăng đối với các mặt hàng như: thịt gia cầm tăng 2,97%, trứng các loại tăng 1,8% vì nguồn cung giảm, lượng tiêu thụ tăng cao do trên địa bàn tỉnh có lượng khách du lịch tăng cao, kéo theo các nhà hàng đông khách, làm cho thủy sản tươi sống tăng 0,93%; cá tăng 1,04%; tôm tăng 0,82%; thủy hải sản tươi sống khác tăng 0,17%. Cùng với đó, thịt gia súc tăng 0,76%, sau thời gian giảm giá vì dịch bệnh nay giá thịt lợn hơi tăng 0,5% do tình hình kiểm soát dịch bệnh đã ổn định, kèm với đó là nhu cầu nhà hàng, quán ăn mở lại du lịch tăng cao; thịt lợn tăng 1,12%; thịt bò tăng 0,29%. Giá rau tươi, khô, chế biến tăng 2,21%; trong đó, đỗ quả tươi tăng 5,88%; cà chua tăng 5,5%; su hào tăng 1,38%; bắp cải tăng 2,45%...Các mặt hàng quả tươi, chế biến tăng 1,39%; tăng cao nhất là các loại quả có múi tăng 0,63% (cam, bưởi, chanh, quýt), quả tươi khác (dưa hấu, thanh long, nho, nhãn) tăng 2,86%, do nhu cầu người tiêu dùng sử dụng nhiều.
     Nhóm lương thực tăng 0,14% so với tháng trước, chủ yếu ở các mặt hàng gạo tăng 0,24%. Cùng với đó, giá các mặt hàng sắn tăng 2,25%, miến tăng 0,25% do nhu cầu tiêu dùng tăng, trong khi nguồn cung các mặt hàng này giảm. Dịch vụ ăn uống tăng 0,13% so với tháng trước, do giá lương thực và thực phẩm tăng; trong đó, nhóm hàng ăn ngoài gia đình tăng 0,14%, uống ngoài gia đình tăng 0,41%.
     Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,28% do hàng hóa và dịch vụ cho cá nhân tăng 0,93%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 2,39%. Ngược lại, Nhóm giao thông giảm 2,74% do Liên Bộ Tài Chính và Công Thương điều chỉnh giảm giá xăng, dầu dẫn đến nhóm nhiên liệu giảm 8,16% so với tháng trước.

     Giá vàng tại thị trường trong tỉnh bình quân 5.277 ngàn đồng/chỉ, giảm 3,75% so với tháng trước.Giá đô la Mỹ tại địa phương bình quân là 23.497    VND/USD, tăng 0,67% so tháng trước.
      Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tháng 7/2022 so với cùng kỳ: Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ bình quân 7 tháng đầu năm 2022 tăng 2,88% so với cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng chính, có 9 nhóm có chỉ số tăng: Tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 16,39%; tiếp theo là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 4,25%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 3,39%; nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 2,73%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 2,51%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,11%; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 1,39%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,4%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%. Ngược lại, nhóm giáo dục giảm 3,42%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,13%.
     Chỉ số giá vàng tăng 4,43%; Đô la Mỹ giảm 0,26% so với cùng kỳ./.

Tác giả bài viết: Lê Thị Phượng Liên