Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Bình Định tháng 8/2021 tăng 0,29% so tháng trước; tăng 4,43% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,72% so với tháng 12 năm trước; bình quân 8 tháng đầu năm 2021 tăng 3,25% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Bình Định tháng 8/2021
CPI tháng 8/2021 so với tháng trước: Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính của tháng 8/2021, có 2 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước: Tăng mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,08%; kế tiếp là nhóm may mặc, mũ nón và giày dép đều tăng 0,16%. Ngược lại, có 6 nhóm giảm: nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,69%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,16%; nhóm giao thông giảm 0,13%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,09%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,01%. Riêng 3 nhóm:  thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục có chỉ số ổn định so với tháng trước.
Diễn biến chỉ số giá tháng 8/2021 tăng so với tháng 7/2021: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 1,08%; trong đó, Lương thực tăng 0,49% chủ yếu tăng giá bột mì và ngũ cốc khác tăng 4,07%; trong đó, mặt hàng ngô, khoai lang và sắn tăng lần lượt: 0,61%, 6,75% và 3,78%. Thực phẩm tăng 1,35% so với tháng trước. Đây là 3 tháng liên tiếp (từ tháng 6 - tháng 8/2021) có chỉ số giá thực phẩm tăng, bởi những nguyên nhân sau: Nhu cầu sử dụng các sản phẩm thịt và trứng gia cầm tăng mạnh trong tháng. Thịt gà ta giá từ 105.000 - 117.000 đồng/kg, trứng gà ta từ 33.000 đồng/chục lên 35.000 - 40.000 đồng/chục. Trứng vịt cũng tăng mạnh từ 30.000 đồng/chục lên 38.000 - 45.000 đồng/chục tùy theo kích cỡ; làm cho chỉ số giá thịt gia cầm tươi sống tăng 2,73%, do thịt gà tăng 2,45%, cùng với đó giá thịt gia cầm khác (thịt vịt) tăng 4,89%; đồng thời, giá trứng các loại tăng 11,65%. Trứng gà, vịt tăng mạnh đang ở mức giá cao nhất trong 5 năm qua. Thủy hải sản tươi sống tăng 2,03%, do giá mặt hàng cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 2,26% (cá chép, cá thu, cá nục lần lượt tăng 2,03%, 1,27% và 0,95%); các mặt hàng thủy hải sản tươi sống khác như: giá tôm tươi hoặc ướp lạnh tăng 1,67%, thủy hải sản tươi sống khác tăng 0,81% so với tháng trước. Thời tiết nắng nóng, nguồn cung cấp rau, quả sản xuất trong tỉnh và nguồn nhập từ ngoài tỉnh đều giảm, trong khi nhu cầu tiêu dùng lại tăng cao, làm cho giá rau tươi, khô và chế biến tăng 3,47%; trong đó, đỗ quả tươi tăng 6,03%; cà chua tăng 2,96%; bắp cải tăng 7,19%; rau dạng quả, củ tăng 6,32%. Các mặt hàng quả tươi, chế biến tăng 4,43%; các loại quả có múi tăng cao 4,56% do dịch bệnh và thời tiết nắng nóng, xoài hết mùa nên giá cao trở lại, tăng 7,59%. Ngược lại, thịt gia súc tươi sống giảm 0,79% so với tháng trước. Ảnh hưởng chủ yếu từ  giá thịt lợn hơi giảm 1,84% do dịch tả Châu Phi bắt đầu lây lan tại một số địa phương trong tỉnh. Nhóm hàng may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,16%; đây là tháng chuẩn bị học sinh tựu trường, tâm lý của phụ huynh học sinh mua sắm trang phục, đồng phục cho con em chuẩn bị năm học mới 2021 - 2022 có xu hướng tăng nhẹ. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,69%, các cửa hàng đã đưa ra chính sách khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng, một số mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt giảm lần lượt 4,03%, 5,99%, 4,02%. Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,16% chủ yếu mặt hàng rượu mạnh giảm 1,21%. Ngày 11/8/2021, Liên bộ Tài Chính và Công thương điều chỉnh giảm giá xăng, dầu, làm cho nhiên liệu giảm 0,36%, ảnh hưởng chỉ số chung nhóm giao thông giảm 0,13%.
Giá vàng thị trường trong tỉnh bình quân 5.172 ngàn đồng/chỉ, giảm 0,86% so tháng trước. Giá đô la Mỹ bình quân là 22.999 VND/USD, giảm 0,48%.
CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2021 tăng 3,25% so với cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng chính, 8 nhóm có chỉ số tăng lần lượt: Nhóm Giao thông tăng 6,98%; Hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 5,45%; Giáo dục tăng 5,32%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,2%; May mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,3%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,58%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,2%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08%. Ngược lại, 3 nhóm có chỉ số giá giảm, đó là: nhóm Bưu chính viễn thông giảm 1,42%; nhóm Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,11%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,05%.
Chỉ số giá vàng tăng 11,68% và đô la Mỹ giảm 0,97% so với cùng kỳ./.
 

Tác giả bài viết: Lê Thị Phượng Liên